Việt Trì là Trung tâm Thương mại chính và lớn nhất của tỉnh, nằm tập trung ở khu vực phường Thanh Miếu, phường Thọ Sơn, phường Tiên Cát, phường Gia Cẩm, phường Nông Trang và một số khu vực ven thành phố như Bạch Hạc, ga Việt Trì, Ngã ba Đền Hùng... Tại các Trung tâm Thương mại này là các cửa hàng bán buôn, bán lẻ, hộ đại lý, các sạp hàng, quầy hàng phục vụ cho cư dân trong thành phố.
Quyết định của Uỷ ban nhân dân thành phố về dự án xây dựng và nâng cấp cải tạo mạnh lưới chợ trên địa bàn của thành phố như sau:
Từ năm 1998 - 2005 nâng cấp cải tạo 03 chợ Gia Cẩm, Nông Trang, chợ Trung tâm Tiên Cát ( xây dựng các cửa hàng thương mại Tiên Cát thành trung tâm lớn, xây dựng các cửa hàng tự chọn và xây dựng siêu thị).
Giai đoạn 2006 - 2010 tiếp tục cải tạo nâng cấp 03 chợ: chợ Nú - Việt Trì, chợ Dầu, chợ Thuỵ Vân. Xây dựng mới 03 chợ: chợ Mẻ Quàng - Nông Trang, chợ Bạch Hạc, chợ Cầu Nang - Việt Trì.
Cùng với sự phong phú, đa dạng về các mặt hàng, chợ cũng được mở rộng và phát triển về quy mô và cấu trúc. Một số chợ đã thay đổi về quy mô như chợ Trung Tâm thành phố, chợ Gát, chợ Gia Cẩm, chợ Nông Trang. Mạng lưới chợ trong thành phố trung bình là 3,9 km2/chợ. Các chợ thành thị thì họp cả ngày, riêng chợ ở các xã như chợ Thuỵ Vân, chợ Dữu Lâu là họp vào buổi sáng, chợ Nú là chợ họp theo phiên chính cũng là buổi sáng vào các ngày âm lịch là ngày 3, 5, 8 trong tháng.
Từ năm 1986 đến nay, các chợ phát triển theo hướng lớn dần về quy mô diện tích, cấu trúc cũng thay đổi. Nếu như trước đây, chợ chỉ là những quán lợp bằng rạ, bằng lá, đường trong chợ hầu như là đường đất, thì đến nay các chợ đều được xây dựng và quy hoạch lại. Chợ nào cũng được xây dựng lại trên nền của những quán cũ có thể là lợp bằng mái tôn, có thể xây hai tầng mái bằng, đường đi vào chợ cũng đều đổ bê tông hoặc lát gạch, có hệ thống thoát nước như chợ Trung tâm thành phố, chợ Nông Trang, chợ Gát, chợ Gia Cẩm. Tuy nhiên, không phải chợ nào cũng được tu sửa một cách khang trang. Đường đi vào chợ Nú vẫn là đường đất, mặc dù diện tích của chợ tương đối lớn. Một số chợ cũng được mở rộng bằng việc lấn diện tích họp ra mặt đường. Chợ lớn có diện tích từ 2000 m2 trở lên, còn chợ nhỏ hơn từ 1500 – 1800 m2, với diện tích lớn nhỏ khác nhau chợ được phân chia khu vực khá hợp lý.
Với sự phát triển kinh tế trong vùng đã hình thành nên các chợ tạm, chợ cóc đáp ứng nhu cầu mua bán của cư dân thành thị. Với quy mô nhỏ, các chợ tạm, chợ cóc họp ở các địa điểm gần đường giao thông, nơi đông dân cư, chợ chỉ là những lều quán tạm thời hoặc ngồi ngoài trời, với các loại hàng hoá và chỗ ngồi không ổn định, lung tung.
Với chính sách mở rộng thị trường buôn bán, bám sát tình hình và quản lý thu thuế, phát triển chợ nhằm tăng ngân sách cho thành phố, thành phố đã cử cán bộ xuống quản lý. Chợ nào cũng có sự điều hành của ban quản lý chợ, hàng tháng, hàng năm phải báo cáo tổng kết thu chi của từng chợ, từng vùng. Ở các chợ đều có một đội bảo vệ để giữ gìn trật tự an ninh chung của chợ.
Chợ được sắp xếp, tổ chức bán hàng hợp lý, các mặt hàng đều được bố trí theo vị trí quy định để tạo điều kiện thuận lợi người mua hàng đỡ mất công tìm kiếm . Tuỳ từng chợ mà có sự bố trí khác nhau.
Chợ Trung tâm thành phố được cải tạo lại vào năm 1998 với khu nhà hai tầng, bố trí các quầy hàng hoá một cách hợp lý, có phân khu riêng cho từng nhóm mặt hàng. Tầng 2 là dành cho các mặt hàng quần áo, vải vóc. Tầng 1 là các mặt hàng như giày dép, túi, cặp sách, mũ nón và đồ hàng tạp hoá…, Bên cạnh chợ khu nhà tầng là các sạp lợp prô ximăng cho các mặt hàng ăn chín và tươi sống, vị trí các mặt hàng đều được bố trí cùng loại bao gồm có hàng thịt, tạp hoá,…Những hàng ngồi ngoài trời chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp tươi sống như rau, quả, gà, vịt, cua, ốc,… bên ngoài chợ là các ki ốt bán đồ gia dụng, các hiệu đồng hồ và sửa chữa đồng hồ, các của hàng của tư nhân thuê để mở riêng cửa hiệu của mình. Ngoài ra những gia đình sống gần chợ, nếu không phải là cán bộ công nhân viên thì cũng mở cửa hiệu kinh doanh tại ngay trong nhà mình tận dụng mặt đường sát chợ, có thể là họ kinh doanh quần áo, giày dép, có thể là các hiệu may đo thời trang. Chợ có ba cổng chính, cổng thứ nhất nằm song song với đại lộ Hùng Vương, từ đại lộ Hùng Vương đi vào ta bắt gặp một dãy bán hoa với đủ loại và màu sắc rực rỡ khác nhau, đi sâu vào tới cổng chợ là mấy quán cà phê phục vụ cho khách vãng lai, hay các ông chồng chở vợ đi chợ. Bên cạnh đó là các quầy bán đồ gia dụng, băng đĩa, phim ảnh. Cổng thứ hai là các quán bán tạp hoá, quán cắt tóc, gội đầu, quán nước, và đồ hàng nhựa. Cổng thứ ba là một khoảng trống để bán rau, quả do dân địa phương cung cấp. Ngoài ra cổng nào cũng có một chỗ để gửi xe đạp, xe máy. Thực hiện công văn số 2496/BKHCNMT-TĐC ngày 25/8/2000 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT), được sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở KH,CN&MT, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Phú Thọ phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương đã xây dựng và đưa vào vận hành Trạm cân đối chứng tại chợ trung tâm Việt Trì. Chợ trung tâm Việt Trì là một trung tâm thương mại lớn trong tỉnh, có vị trí đầu mối giao thông thuận lợi để giao lưu hàng hoá đi các nơi
trong tỉnh và tỉnh bạn. Hoạt động bán buôn, bán lẻ diễn ra hàng ngày với nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu cho nhân dân trong thành phố. Theo kết quả phối hợp điều tra khảo sát của Chi cục TCĐLCL với Ban Quản lý chợ thì mỗi ngày, chợ lưu thông khoảng 12.000-15.000 kg hàng hoá tiêu dùng thông qua việc bán lẻ hoặc đóng gói sẵn. Tình trạng cân đo thiếu trung thực, thiếu chính xác, sử dụng phương tiện đo hết hạn kiểm định, phương tiện đo sai... khá phổ biến, đã gây nên mâu thuẫn giữa người mua và người bán. Nó đã trở thành thông lệ đến mức người tiêu dùng buộc phải chấp nhận một cách miễn cưỡng. Một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng phải cam chịu sự thiệt thòi khi mua hàng là vì họ ngại va chạm, thiếu cơ sở, bằng chứng để đấu tranh.Vì vậy, việc đặt cân đối chứng tại chợ nhằm đảm bảo công bằng xã hội, quyền lợi của người tiêu dùng, tăng cường văn minh thương mại là điều cần thiết. Bắt đầu từ tháng 4/2001, Trạm cân đối chứng chợ trung tâm Việt Trì đi vào hoạt động, Chi cục TCĐLCL đã phối hợp chặt chẽ với đội quản lý thị trường số 1 (Việt Trì) và Ban quản lý chợ Việt Trì kiểm soát việc cân đong hàng hoá tại đây. Trạm cân đối chứng này phục vụ miễn phí cho mọi đối tượng có nhu cầu kiểm tra lượng hàng hoá mua bán tại chợ. Người tiêu dùng mang hàng của mình đến trạm cân đối chứng để biết được cân của người bán đủ hay không. Song song với việc kiểm soát hàng hoá, trạm cân đối chứng cũng thường xuyên tuyên truyền phổ biến Pháp lệnh Đo lường; các văn bản pháp quy quy định cụ thể về danh mục phương tiện đo phải kiểm định Nhà nước; các yêu cầu về hàng đóng gói sẵn, sai số cho phép trong bán lẻ thương mại; các quy định xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vi phạm Pháp lệnh Đo lường. Đồng thời, hướng dẫn cho người bán, người mua cách kiểm tra kết quả phép đo trên cân đối chứng. Từ đó đã giúp cho nhân dân, các hộ kinh doanh trong chợ và người tiêu dùng nắm được các quy định Nhà nước về đo lường.
Tất cả các quầy trong chợ đều phải nộp thuế: thuế chợ, thuế chỗ ngồi,..theo ngày, theo tháng, theo năm cho ban quản lý chợ. Một phần thuế nộp cho thành phố để có chính sách sửa chữa, tu bổ hàng năm, một phần nộp vào ngân sách thương nghiệp của thành phố. Mức thu thuế ở các chợ cũng tuỳ thuộc vào quy mô, mặt hàng của từng chợ. Để đảm bảo an ninh cho người và chợ, tạo ra tâm lý yên tâm, công bằng cho người đến chợ, thành phố đã ra quy định thu thuế và lệ phí cố định tại các chợ. Các chợ có quy mô khác nhau qua đó biết được tầm vóc, mức độ hàng hoá, số lượng khách hàng, bức tranh kinh tế của thành phố.
Nhằm phát triển thương nghiệp, mở rộng giao lưu buôn bán giữa thành phố với các khu vực khác trong tỉnh, giữa tỉnh với thành phố, hiện nay bên cạnh sự nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông trong thành phố thì mạng lưới chợ của thành phố cũng đang trong quá trình nâng cấp, cải tạo để phát huy tốt vai trò của chợ cũng như mở rộng ngành thương mại của tỉnh. Các chợ xây dựng mới mọc lên với quy mô khá khang trang và bố trí gian hàng tiện lợi cho người mua. Tiêu biểu như chợ Trung Tâm thành phố, chợ Nông Trang, chợ Gát. Sự thay đổi về quy mô, cấu trúc của chợ đã chứng tỏ sự phát triển kinh tế thương nghiệp của thành phố Việt Trì.
• Tiểu kết
Mạng lưới chợ ở thành phố Việt Trì từ 1986 đến 2007 đã có sự thay đổi so với thời kỳ trước. Ở thời kỳ này, chợ đã phát triển về số lượng và loại hình chợ phong phú, xuất hiện các loại chợ mới như chợ siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cư dân trong vùng. Cùng với sự phát triển của kinh tế thành phố, kích thích thương nghiệp phát triển, chợ đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới.
Hàng hóa ở chợ rất phong phú và đa dạng, từ các loại hàng hóa thông thường đến các loại hàng hóa cao cấp. Bên cạnh các loại hàng của
Việt Nam còn có một phần rất quan trọng là hàng hóa của nước ngoài đặc biệt là hàng của Trung Quốc.
Trong xu thế phát triển kinh tế hiện nay, chợ là thị trường tiêu thụ, là bộ mặt kinh tế của thành phố. Chợ góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế của thành phố, góp phần ổn định chính trị, văn hoá, nâng cao đời sống nhân dân, tạo điều kiện cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá Phú Thọ nói riêng và đất nước nói chung.
Chương 3