Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh hà tĩnh lãnh đạo phát triển tiểu thủ công nghiệp 1996 2006 (Trang 63 - 75)

Đại hội XV của Đảng bộ Hà Tĩnh diễn ra (từ ngày 04 - 01 - 2001 đến ngày 06 - 01 - 2001) trong thời điểm có ý nghĩa lịch sử trọng đại tiếp nối giữa hai thế kỷ, là dấu mốc quan trọng của chặng đường phấn đấu và trưởng thành của Đảng bộ từ ngày tái lập tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIV đã đánh giá, đúc rút những bài học kinh nghiệm, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, phát

huy tiềm năng và mọi nguồn lực, phấn đấu đưa Hà Tĩnh thoát khỏi tỉnh nghèo.

Phương hướng chung được Đại hội đề ra là: “Tranh thủ thuận lợi và thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy nội lực, những bài học, kinh nghiệm và những kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới, tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá nhiều thành phần, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản lý nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng, ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn và các vùng kinh tế trọng điểm. Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát huy truyền thống cách mạng và bản sắc văn hoá, quan tâm đến nhân tố con người. Chăm lo các vấn đề xã hội như giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo; chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị. Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và có bản lĩnh vững vàng trước mọi tình huống. Từng bước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tạo được một số bước đột phá, phấn đấu thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, vươn lên giàu mạnh” [12, tr.41-42].

Từ phương hướng chung trên, Đại hội đã đề ra những chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu đến năm 2005 của tỉnh là: Nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 8%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2005: Nông, lâm, ngư nghiệp 40 đến 42%, công nghiệp và xây dựng 20 đến 22%, thương mại - dịch vụ 36 đến 38%. Giá trị thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4,5 triệu đồng; sản lượng lương thực bình quân đầu người trên 400kg. Phấn đấu hàng năm vượt chỉ tiêu giao thu trên 10%, huy động các nguồn thu, giảm sự mất cân đối thu, chi ngân sách. Kim ngạch xuất khẩu từ 40 đến 45 triệu USD.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể và các giải pháp lớn phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, trong đó nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế được đặt lên hàng đầu. Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn tiếp tục được coi là trọng điểm. Nhưng ở giai đoạn tới , tỉnh cũng “dồn sức phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp” [12, tr.45]. Xác định củng cố và phát triển có hiệu quả các cơ sở công nghiệp hiện có. Khai thác tiềm năng đất đai, lao động, nguyên liệu, cơ sở vật chất kỹ thuật và các lợi thế khác, mở thêm một số cơ sở công nghiệp vừa và nhỏ theo hướng du nhập công nghệ mới, hiện đại nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh với thị trường nội địa, hội nhập với thị trường khu vực và thế giới. Tập trung khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống và du nhập nghề mới. Có các chính sách khuyến khích về đất đai, địa điểm, ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ vốn, đào tạo nâng cao tay nghề và tìm kiếm thị trường; nhằm phát huy hiệu quả các ngành nghề, nguồn lao động, thiết thực xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Chủ động xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư và tích cực phối hợp với các ngành Trung ương xúc tiến lập các dự án thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Vũng Áng, khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo - đường 8 và chuẩn bị cho dự án mỏ Sắt Thạch Khê.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm: ngành công nghiệp khai thác 10%, công nghiệp chế biến 16%; công nghiệp điện, nước 18%, xây dựng 13%. Nâng cao chất lượng các mặt hàng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Đại hội cũng xác định hướng tập trung của lĩnh vực công nghiệp trong thời gian tới. Tỉnh phấn đấu cho ra đời được một số khu công nghiệp, như: Vũng Áng, Hồng Lĩnh, Gia Lách… Đưa sản lượng chế biến thuỷ sản xuất khẩu đạt 3,5 đến 4 ngàn tấn, 5 triệu lít bia, 7 triệu lít nước khoáng, 800 đến 1000 tấn chèn đen, sản xuất 170 đến 180 triệu viên gạch. Phát triển nhanh nghề may mặc, cơ khí đóng tàu, chế biến gỗ dân dụng chất lượng cao, vật liệu

học, chế biến bột giấy, dăm gỗ, thức ăn gia súc, nông, lâm sản xuất khẩu khác. Đồng thời với khai thác hợp lý quặng Ilmennite, triển khai dự án sản xuất Zircol siêu mịn, dự án chế biến măng gan; khai thác than, đá, cát, sỏi các loại, đáp ứng nhu cầu sản xuất trên địa bàn.

Những nội dung nêu trên đã khẳng định quyết tâm của Tỉnh uỷ trong việc lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm, dồn sức vào phát triển CN, TTCN . Đây là bước chuyển lớn của tỉnh trong chuyển dịch CCKT.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 4 đã ra Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trong những năm tới”. Nghị quyết đã đánh giá thực trạng phát triển CN, TTCN từ sau ngày tái lập tỉnh, khẳng định “Trong hơn 10 năm qua, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh ta đã có sự chuyển biến và phát triển đáng kể, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khá; tỷ trọng giá trị trong cơ cấu GDP của tỉnh ngày càng tăng. Nhiều cơ sở sản xuất mới được thành lập, một số cơ sở cũ được đầu tư nâng cấp. Đã hình thành được các lĩnh vực, các ngành sản xuất có tính chất trọng điểm của tỉnh: khai thác và chế biến khoáng sản: sản xuất chế biến vật liệu xây dựng; chế biến nông, lâm , hải sản, thực phẩm, đồ uống; ngành cơ khí; may mặc… Một số sản phẩm, hàng hoá đứng vững được trên thị trường, được tiêu thụ với lượng lớn ở trong và ngoài nước như: Ilmennite, Zircol, Rutin, hải sản đông lạnh, nông, lâm sản, đá xây dựng, gạch ngói nung… Tổng giá trị hàng hoá và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành tăng đáng kể. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường có nhiều tiến bộ. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã có sự phát triển khá đa dạng, củng cố và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, tìm tòi và du nhập một số ngành nghề mới, công nghệ mới và một số nhân tố. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã đóng góp tích

cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà: góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế” [31, tr.1].

Tuy nhiên vấn đề phát triển CN, TTCN ở Hà Tĩnh giai đoạn này còn có những hạn chế và tồn tại. So với những điều kiện, tiềm năng và đòi hỏi của tỉnh thì kết quả phát triển CN,TTCN trong thời gian qua chưa tương xứng, chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra, hiệu quả thấp, chưa góp phần tích cực vào việc chuyển dịch CCKT của tỉnh theo hướng CNH, HĐH. Tỷ trọng cơ cấu CN, TTCN trong GDP còn quá thấp, sự phát triển của CN, TTCN còn chậm so với các ngành kinh tế khác. Các doanh nghiệp công nghiệp quốc doanh hầu hết có quy mô nhỏ bé, thiết bị công nghệ lạc hậu, quản lý và tổ chức kinh doanh còn yếu nên hoạt động kém hiệu quả, nhiều xí nghiệp làm ăn thua lỗ. Các sản phẩm CN, TTCN nhìn chung chất lượng thấp, giá thành cao, sức cạnh tranh hạn chế, công tác tiếp thị yếu nên thiếu thị trường tiêu thụ. Các cơ sở sản xuất TTCN nhỏ bé, chưa được tập trung đầu tư nên phát triển chậm chủ yếu là tự phát; số làng có nghề và làng nghề quá ít, sản phẩm chưa có khả năng cạnh tranh, chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh. Một số nghề truyền thống đang có xu hướng mai một dần.

Ngoài những nguyên nhân khách quan là Hà Tĩnh không nằm trong khu vực trọng điểm ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp của Trung ương, xa các trung tâm đô thị, thương mại lớn của cả nước; số cơ sở công nghiệp Trung ương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ít; lại là một tỉnh nghèo, kinh tế thuần nông, sản xuất hàng hoá chậm phát triển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển công nghiệp còn xuất phát điểm, thì nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Ban Chấp hành Đảng bộ đã nghiêm túc chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do nhận thức và quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ Đảng ở một số nơi còn hạn chế, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức điều hành còn nhiều yếu

Trong chỉ đạo thực hiện còn thiếu các giải pháp đồng bộ và thiếu tập trung thống nhất cao, nhất là khi đứng trước tình hình khó khăn. Trong thực hiện cơ chế chính sách chung của Nhà nước, tỉnh còn lúng túng trong việc vận dụng chuyển đổi các cơ chế về quản lý, cho vay, khuyến khích đầu tư, thanh quyết toán… Việc bố trí cơ cấu đầu tư cho phát triển công nghiệp chưa tương xứng với yêu cầu đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu theo hướng CNH, HĐH. Một số chính sách về đầu tư, thị trường, nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm… chưa kịp thời và còn lúng túng, do đó chưa xử lý được những khó khăn, vướng mắc ở một số cơ sở sản xuất. Chưa đề ra được các cơ chế chính sách thông thoáng, hấp dẫn nhằm thu hút các nguồn vốn, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển CN, TTCN. Cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý ở tỉnh, các ngành nhìn chung còn rất hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý xây dựng phát triển CN, TTCN, do đó còn lúng túng trong hoạch định chiến lược phát triển CN, TTCN. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ quản lý doanh nghiệp, cán bộ chuyên môn còn nhiều thiếu sót. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, kể cả quản lý hành chính và quản trị kinh doanh hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu. Ở hầu hết các cơ sở sản xuất thiếu nghiêm trọng cán bộ kỹ thuật giỏi và đội ngũ thợ kỹ thuật lành nghề. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ chưa được coi trọng, chậm có cơ chế, chính sách đãi ngộ và thu hút cán bộ giỏi công nhân kỹ thuật bậc nghề cao về công tác trên địa bàn. Công tác quản lý, giáo dục cán bộ chưa được chú ý đúng mức, không đảm bảo quy trình và thiếu thường xuyên đã dẫn tới tình trạng có một bộ phận cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức kém, cơ hội về kinh tế, gây thất thoát, lãng phí về tài sản của Nhà nước và nhân dân, làm suy giảm nguồn lực phát triển.

Từ thực tế nêu trên và thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV “dồn sức phát triển CN, TTCN”, nghị quyết đã xác định phương hướng như sau:

Phát triển CN, TTCN phải nhằm thực hiện mục tiêu chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH; gắn với sản xuất hàng hoá; phục vụ cho phát triển nông nghiệp, thương mại - dịch vụ; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc.

Phát triển CN, TTCN trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế và các nhu cầu của tỉnh; gắn với nguyên liệu, thị trường, giải quyết lao động, tăng thu ngân sách.

Trên cơ sở đánh giá đúng và phát huy các yếu tố nội lực của tỉnh; tranh thủ, khai thác triệt để các nguồn lực bên ngoài; ưu tiên thu hút mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước; gắn với mở rộng tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển CN, TTCN trên địa bàn của tỉnh và tạo thành động lực mạnh mẽ của quần chúng nhân dân.

Phải gắn việc củng cố, tổ chức lại sản xuất với đầu tư phát triển; cùng với việc thành lập một số cơ sở sản xuất mới, tập trung củng cố các cơ sở sản xuất hiện có; gắn phát triển CN với TTCN, với hình thành các khu công nghiệp và các vùng kinh tế trọng điểm. Một số chỉ tiêu cụ thể được đề ra: đảm bảo tốc độ tăng trưởng CN, TTCN bình quân hàng năm 15% để đến năm 2005 giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng đạt 1000 tỷ đồng, chiếm 22% trong GDP của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu từ 40 - 45 triệu USD. Ngành khai khoáng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 10%, công nghiệp chế biến 16%, công nghiệp điện, nước 18%, xây dựng 13%.

Để thực hiện được phương hướng và chỉ tiêu nêu trên, Nghị quyết đã xác định 5 nhiệm vụ quan trọng để phát triển CN, TTCN của Hà Tĩnh là:

Nhiệm vụ có ý nghĩa hàng đầu là phải tiếp tục xây dựng được sự thống nhất nhận thức về quan điểm phát triển CN, TTCN trong toàn Đảng bộ và nhân dân. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành phải đảm bảo sự tập trung cao, có quyết tâm và thực sự năng động, sáng tạo; bám

sát định hướng của Nghị quyết gắn với việc tạo thời cơ, tạo điều kiện và môi trường phát triển.

Tập trung khai thác có hiệu quả năng lực các cơ sở sản xuất - kinh doanh hiện có, nhất là các dự án mới đầu tư, các dự án khai thác còn ở mức thấp, đẩy nhanh và đưa vào khai thác sớm các dự án đang được thực hiện dở dang.

Mở rộng, nâng cấp một số cơ sở sản xuất cũ, mở ra một số dự án mới, tập trung xây dựng và phát triển các khu công nghiệp.

Tập trung phát triển công nghiệp ngoài quốc doanh, TTCN như khôi phục, phát triển các làng nghề; phát triển các ngành cơ khí, dịch vụ sửa chữa phục vụ nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải…

Xây dựng vùng cây, con nguyên liệu hàng hoá để phát triển công nghiệp chế biến.

Trong nội dung Nghị quyết, Đảng bộ cũng đã nêu ra các giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể để đưa phương hướng và nhiệm vụ trở thành thực tế; với một số giải pháp cơ bản như: Tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước; kiểm tra, đánh giá đúng thực tế hiệu quả sản xuất kinh doanh, vốn, trang thiết bị, công nghệ của các doanh nghiệp để có giải pháp kịp thời và đồng bộ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế để thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư phát triển CN, TTCN theo hướng ưu đãi ở mức cao nhất.

Phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế bao gồm các hình thức cổ phần, hợp tác và hợp tác xã, cá thể, tư nhân. Tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về vốn đầu tư phát triển các chương trình, mục tiêu, dự án, cũng như hỗ trợ về hoạt động tư vấn. Tăng cường quan

hệ hợp tác, liên kết với các tổng công ty, các tổ chức và tư nhân trong tỉnh, trong nước và nước ngoài để đầu tư phát triển CN, TTCN trên địa bàn của tỉnh, giúp đỡ và nâng cao chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm trong cung cấp thông tin, kinh nghiệm quản lý.

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh hà tĩnh lãnh đạo phát triển tiểu thủ công nghiệp 1996 2006 (Trang 63 - 75)