- Làm quen với đề mở từ lớp 6 theo sự định hướng và hướng dẫn của giáo viên.
- Cùng với giáo viên thu thập tài liệu có liên quan đến đề mở, tham khảo những bài văn hay của các bạn, anh chị viết từ đề mở...
- Cần nhớ các bước tạo lập văn bản đã học (4 bước : tìm hiểu đề, tìm ý và lập dàn bài, viết thành văn, kiểm tra sửa chữa) để vận dụng vào việc làm đề mở. Bởi vì khi làm một đề mở trước hết cũng phải tuân thủ các bước tạo lập văn bản như bất kỳ bài văn nào.
- Đặc biệt, cần chú ý nhất ở khâu tìm hiểu đề, tìm ý : Yêu cầu và mục đích phần này là:
+ Xác định dạng đề cụ thể để có cách làm bài phù hợp.
+ Xác định biên độ mở của đề, đảm bảo đúng cách viết theo hướng mở thể hiện sự sáng tạo, có quan điểm riêng đúng đắn, thuyết phục, không sai lạc, không thiếu ý.
Nghĩa là, tuy viết bài theo hướng mở, nhưng vẫn cần đảm bảo tính đúng đắn, phổ quát của vấn đề và đảm bảo có nội dung ý nghĩa tích cực, giàu tính nhân văn, tránh suy diễn lệch lạc; các phương thức biểu đạt sử dụng và kết hợp phải hợp lí, nhuần nhuyễn. Do đó, người học sinh cần đọc kĩ đề để:
+ Xác định đối tượng, nội dung trọng tâm và phạm vi của đề
+ Xác định kiểu văn bản và phương thức biểu đạt, hình thức trình bày phù hợp
Ví dụ với đề "Tiếng đồng hồ tích tắc trong đêm khuya", học sinh cần xác định lựa chọn phương thức biểu cảm hoặc nghị luận, có thể là chọn kết hợp cả hai; và có thể chọn hình thức viết thư, viết nhật kí, hay viết bài văn nghị luận, biểu cảm thông thường.
-. Không ngừng học tập, tìm hiểu, nắm vững kiến thức và những kĩ năng cơ bản để vận dụng linh hoạt, hiệu quả
- Thường vấn đề đặt ra trong đề bài là những tình huống hay, bất ngờ, giàu ý nghĩa, gợi suy nghĩ cho người viết về cuộc sống, về văn học... nên cần có trí tưởng tượng, có khả năng sáng tạo.
- Cần có vốn kiến thức xã hội và văn học một cách sâu rộng để lựa chọn đưa vào bài chính xác, sáng rõ, thuyết phục.
- Luôn có tính chủ động, linh hoạt trước mọi tình huống, biết thể hiện quan điểm riêng của mình một cách hợp lí.
- Cần có ý thức vừa học trong sách vở, thấm nhuần,cảm nhận sâu sắc về tác phẩm, về nhân vật, từng tác giả, từng nhân vật; vừa học trong đời sống,làm "cầu nối" giữa tác phẩm với đời thường.
- Thường đề mở khi làm sẽ kết hợp tổng hợp nhiều dạng bài, tuy nhiên vẫn có nghiêng về một kiểu nổi bật như biểu cảm hay nghị luận, thuyết minh, kể chuyện...Vì vậy cần biết lựa chọn phù hợp.
- Nắm chắc đặc trưng từng kiểu văn bản, kĩ năng làm từng dạng bài tập làm văn đã học, chủ động lựa chọn và kết hợp linh hoạt cách viết phù hợp với đề ra và phù hợp với cấp học, lớp học.
- Tham khảo thật nhiều tài liệu có liên quan để qua đó bước đầu tự rút ra các kỹ năng làm bài theo đề mở.
- Chăm đọc, chăm viết, viết càng nhiều càng tốt để va chạm với nhiều đề, nhiều tình huống, khiêm tốn học hỏi, đúc rút kinh nghiệm...để làm đề mở ngày một "lên tay".