7.1.1.1 Khái niệm.
Trong nền kinh tế thị trường, hàng hóa, dịch vụ công cộng do Nhà nước và tư nhân cùng cung cấp. Tuy nhiên, hàng hóa, dịch vụ công cộng có đặc điểm là khi một người đã sử dụng thì không làm giảm số lượng sẵn có đối với người khác, không thể loại bất cứ ai ra khỏi việc tiêu dùng này trừ phi phải trả giá rất đắt. Việc sản xuất và cung cấp hàng hóa dịch vụ công cộng đòi hỏi chi phí sản xuất lớn, thời gian thu hồi vốn dài, tỷ suất lợi nhuận thấp, thậm chí không có lãi. Vì vậy, tuyệt đại đa số hàng hóa, dịch vụ công cộng là do Nhà nước sản xuất và cung cấp cho xã hội. Hàng hóa, dịch vụ công cộng có thể thu hồi vốn trực tiếp là những hàng hóa dịch vụ công cộng có thể phân bổ được cho người sử dụng, Nhà nước thu hồi vốn đầu tư thông qua việc thu phí, lệ phí của người hưởng lợi trực tiếp. Hàng hóa, dịch vụ công cộng không thể thu hồi một cách gián tiếp thông qua việc phân phối lại của xã hội
Để đảm bảo công bằng và có thể bù đắp toàn bộ hay một phần chi phí mà Nhà nước bỏ ra đầu tư thì Nhà nước cần thiết phải thu phí, lệ phí đối với những hàng hóa, dịch vụ công cộng mà nhà nước đầu tư, cung cấp cho xã hội. Đối với các dịch vụ công quyền do Nhà nước cung cấp, để đảm bảo quản lý nhà nước về xã hội, an ninh, quốc phòng thì ngoài biện pháp quản lý khác, Nhà nước còn sử dụng công cụ lệ phí để kiểm soát, quản lý các hoạt động này.
Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được tổ chức, cá nhân
khác cung cấp các dịch vụ được quy định trong pháp lệnh phí, lệ phí.
Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà
nước hoặc tổ chức được ủy quyền phục vụ trong việc quản lý nhà nước được quy định trong pháp lệnh phí, lệ phí.
7.1.1.2 Đặc điểm phí, lệ phí
So với các loại thuế khác thì phí, lệ phí và các khoản thu khác có các đặc điểm
như sau:
- Thu phí, lệ phí giúp cho nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế nhằm kiểm soát có hiệu quả các hoạt động kinh tế, xã hội theo khuôn khổ của pháp luật; giúp cho người dân nâng cao ý thức trách nhiệm đối với giá trị vật chất và tin thần của cộng đồng xã hội;
-Thuế, phí, lệ phí cùng là nguồn thu của ngân sách nhà nước, được nhà nước sử dụng làm công cụ quản lý vĩ mô nền kinh tế, thực hiện công bằng xã hội.
- Người nộp phí, lệ phí được hoàn trả trực tiếp bằng các dịch vụ theo yêu cầu do cơ quan nhà nước hay tổ chức cá nhân cung cấp. Người nào có nhu cầu nhiều thì phải trả phí, lệ phí nhiều hơn.
- Lệ phí được thu gắn với việc cung cấp dịch vụ hành chính của Nhà nước hoặc Nhà nước ủy nhiệm cho một tổ chức nào đó thực hiện. Việc thu lệ phí có tính pháp lý cao đi đôi với việc cung cấp các thủ tục hành chính, pháp lý mà Nhà nước đảm nhận gắn với chức năng quản lý nhà nước, không nhằm mục đích bù đắp chi phí, không mang tính ngang giá.
- Phí được thu với mục đích bù đắp chi phí, các dịch vụ, công việc được thu phí là rất rộng, đa dạng ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội hoặc đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước. Đối tượng cung cấp các hàng hóa, dịch vụ công cộng được thu phí là Nhà nước và tư nhân có điều kiện, khả năng cung cấp các dịch vụ mà người nộp yêu cầu.