B. PHẦN NỘI DUNG
2.4.2. Trong mối quan hệ tương khắc: Phạm Quỳnh
Mối quan hệ giữa Tản Đà và Phạm Quỳnh, thực ra là mâu thuẫn giữa hai người, là câu chuyện thu hút sự chú ý của nhiều người. Đó là cuộc tranh luận của hai văn sỹ, đồng thời là chủ bút của hai tờ báo. Nó thể hiện sâu sắc những quan điểm, tư tưởng trái chiều của hai ông. Tản Đà đại diện cho luồng tư tưởng mới, với những cách tân, đổi mới, ít nhiều mang tính phá cách còn Phạm Quỳnh là chuẩn mực của những tư tưởng giáo điều truyền thống với
62
những khuôn mẫu, rào cản phong kiến. Mâu thuẫn của hai người không chỉ đơn thuần là mâu thuẫn cá nhân mà còn là tiêu biểu cho cách nhìn, quan điểm của hai phái khác nhau trong bối cảnh xã hội giao thời lúc bấy giờ.
Mâu thuẫn giữa hai người được châm ngòi bắt đầu từ việc Phạm Quỳnh mỉa mai, chế giễu cuốn “Giấc mộng con” (xuất bản năm 1917) của Tản Đà. Trên báo Nam Phong số 7, tháng 1/1918, với bài viết nhan đề “Mộng hay mị”, Phạm Quỳnh đã dành cho “Người mộng” Tản Đà những lời lẽ mỉa mai, cay độc:
“Đương buổi quốc văn mới phôi thai này, trông thấy xuất hiện một người nào có biệt tài về nghề nôm, quốc dân tất ai ai cũng vui lòng mà đón rước. Nhưng phải hiểu rằng trong sự hoan nghênh ấy, phần sự thực cũng có mà phần hy vọng cũng nhiều. Ông Khắc Hiếu từ khi xuất bản tập “Khối tình con”, được mấy bài thơ văn từ khúc, có giọng mới, có ý lạ, được quốc dân nhiều người cổ võ, cũng là để tưởng lệ mà mong cho cái văn nghiệp ông mỗi ngày tinh tiến mãi lên. Chớ cứ bình tĩnh mà nói, mấy bài đoản văn, mấy câu dặm dò, dù hay đến đâu, khéo đến đâu, cũng chưa đủ làm sự nghiệp một nhà văn sỹ. Nếu có thế mà đủ xưng là bậc thiên tài thì cũng khá thương thay cho cái hậu vận quốc văn ta. Nhưng ông Hiếu xem ra không hiểu nhẽ đó”.
Bài “Mộng hay mị”, Phạm Quỳnh cũng chủ yếu phê phán Tản Đà chứ không phải là một bài phê bình tác phẩm.
Về mẫu thuẫn giữa Tản Đà và Phạm Quỳnh, Khái Hưng trong bài “Cái duyên của Tản Đà” (1939) viết: “Sự hiềm khích giữa hai nhà văn họ Phạm và họ Nguyễn trong làng văn còn ai không biết. Tản Đà xuất bản “Khối tình con” được ông Phạm Quỳnh khen. Nhưng thi sĩ vừa cho ra đời quyển “Giấc mộng con” liền bị ông chủ bút Nam Phong công kích bằng những lời mát mẻ.
63
Thế là hai người bạn trở nên hai kẻ thù. Rồi trong văn giới, trong nước nữa, họp thành hai phái - không phải văn phái- phái Phạm Quỳnh và phái Tản Đà, công kích nhau, nói xấu nhau, hằn học nhau”.
Mâu thuẫn giữa hai ông chủ báo được nhiều người quan tâm và muốn tìm ra một lời lý giải về thực chất vấn đề. Một người ký tên X.X trong “Bài học Tản Đà” trên 1 tờ báo ở Sài Gòn đã viết:
“Tôi còn nhớ trên tạp chí Nam Phong, chính Thượng Chi đã phê phán Tản Đà 1 cách rất khéo léo. Ông chủ bút Nam Phong cũng nhìn nhận thi tài của Tản Đà nhưng chê tác giả đã đi sai đường… Bài phê bình như thế có công dụng là đuổi nhà thi sĩ ra khỏi “sở làm” của các ông. Nhà thi sĩ buộc lòng phải tách khỏi tập đoàn của mấy nhà “học phiệt” … Còn mấy nhà “học phiệt” thủa đó chỉ là những tay sai của thực dân. Họ có ưu thế, có những đặc quyền, họ không muốn chia sớt cho ai và do đó mà nhà thơ bị loại”.
Trong những lời lẽ rất sâu cay này, Phạm Quỳnh đã bị mỉa mai là tay sai của thực dân và tờ Nam Phong tạp chí của ông được ví với “tập đoàn của mấy nhà học phiệt”. Mâu thuẫn giữa Tản Đà và Phạm Quỳnh, dưới cách phân tích của tác giả trên, chính là mâu thuẫn giữa hai phái làm báo khác nhau. Một là những tờ báo tay sai của chính quyền thực dân, được hưởng đặc quyền đặc lợi thì dễ dàng hoạt động nhưng lại bị chửi là hèn mạt, phản quốc, ôm chân chính quyền. Còn những người làm báo như Tản Đà thì đại diện cho một luồng tư tưởng mới nhưng bị chèn ép và không cẩn thận lại bị chính quyền thực dân gõ vào đầu. Tác giả giấu tên trên lý giải rằng sở dĩ Phạm Quỳnh “chê Tản Đà đi sai đường” và công kích ông là bởi Phạm Quỳnh nhìn nhận thấy rõ thi tài của Tản Đà nên “muốn đuổi nhà thi sĩ ra khỏi “sở làm” của các ông” để dễ bề hoạt động. Điều này phản ánh rất rõ môi trường hoạt động báo chí phức tạp, nhạy cảm trong giai đoạn giao thời lúc bấy giờ khi có sự va chạm và mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ.
64