Tản Đà người đóng vai trò tiên phong trong việc hình thành độ

Một phần của tài liệu Tản Đà và sự hình thành loại hình ký giả - văn nhân chuyên nghiệp giai đoạn giao thời (Trang 39 - 45)

B. PHẦN NỘI DUNG

2.2.Tản Đà người đóng vai trò tiên phong trong việc hình thành độ

ký giả - văn nhân chuyên nghiệp

Trong buổi giao thời 30 năm đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện vấn đề hiện đại hóa, quốc tế hóa nền văn học - văn hóa, phá vỡ khuôn khổ khu vực và việc xã hội dân sự hóa sinh hoạt đời sống tinh thần. Trước đây, sinh hoạt văn hóa truyền thống có 2 bộ phận hoàn toàn khác nhau là văn hóa quan phương cung đình và văn hóa làng xã. Tương ứng với nó, các sinh hoạt văn học nghệ thuật cũng theo hai hướng ấy. Bây giờ, hệ thống báo chí xuất hiện, tác động vào xã hội Việt Nam với đặc điểm là tính xã hội hóa thông tin đã phá vỡ sự ngăn cách giữa 2 nếp sinh hoạt văn hóa như thế và lôi cuốn mọi tầng lớp tham gia vào sinh hoạt đó. Báo chí làm cho sinh hoạt tinh thần vừa mang tính xã hội hóa rộng rãi vừa dân chủ hóa sâu sắc hơn. Nói nôm na rằng, trước đây, ông quan không thèm nói trực tiếp với dân mà nói qua một hệ thống chức sắc làng xã như mõ. Nhưng bây giờ trên báo chí, ông quan ấy phải nói trực tiếp và mọi người đều bình đẳng khi tiếp nhận thông tin. Và văn học nghệ thuật cũng như vậy.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh lại rằng, xã hội Việt Nam được hiện đại hóa một cách cưỡng bức, trong bối cảnh thuộc địa, nô dịch nên quá trình hiện đại hóa ấy cũng là cưỡng bức đầu tiên. Tức là tính chất tự nguyện ở đây xuất hiện từng bước một chứ không phải ngay từ đầu. Chẳng hạn, Nguyễn Đình Chiểu đề kháng tất cả những gì liên quan đến Pháp: không cho con học chữ quốc ngữ, đi ăn cỗ thà lội ruộng chứ không đi đường gạch, thà giặt bằng nước tro chứ không dùng xà bông, không dùng đèn Hoa Kỳ… Nhưng qua các giai

41

đoạn, người ta chấp nhận từng bước một. Trường hợp Trần Tế Xương là một ví dụ. Chỗ ông bị cuốn vào thì vẫn nhập cuộc hăng say, chỗ lại đề kháng rất dữ. Trần Tế Xương mỉa mai người đi học quốc ngữ nhưng trong lối sống, ông bị lôi cuốn thành một người thị dân chứ không phải là nhà Nho về các chừng mực đạo đức, ứng xử xã hội. Đến giai đoạn sau, giữa những năm bản lề của thế kỷ 20, có một sự kiện đánh dấu sự chung cục của Văn học Trung đại, mở ra quá trình hiện đại hóa văn học. Đó là ý thức tự giác, chủ động tiếp nhận cái mới của một bộ phận mà động cơ, nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu cứu nước, duy tân. Họ nhận ra một điều rất đơn giản là không duy tân, không cứu nước được. Chính duy tân, về một nghĩa nào đó là buộc phải làm theo phương thức của xã hội Âu Mỹ. Trong đó có những sinh hoạt tinh thần theo phương thức mới mà báo chí là một trong những kênh quan trọng. Văn học nghệ thuật cũng biến đổi theo hướng đó. Nhưng ở đây có một nghịch lý. Chủ nghĩa hiện thực Phương Tây chống mọi biểu hiện tùy tiện theo lối tự nhiên chủ nghĩa. Với thuộc địa, họ lại muốn dân ngu, lạc hậu để dễ bề cai trị. Nhưng họ không thể tổ chức, quản lý xã hội theo cách nào khác ngoài cách của nước bản địa. Chính điều đó làm cho xã hội Việt Nam hiện đại hóa từng bước một. Ở đây, rõ ràng mục đích chủ quan và ý nghĩa khách quan là khác nhau. Đó chính là tính chất “công cụ không tự giác của lịch sử” theo như cách nói của Marx.

Phương Tây đã có vài thế kỷ phát triển báo chí và có kinh nghiệm rất nhiều về sự tồn tại, lưu hành của loại hình văn chương trên báo chí. Với người Việt Nam lúc bấy giờ, tất cả đều là mới. Các nhà khoa bảng rất có ý thức về vai trò của báo chí. Nhưng họ là những người con nòi của Cựu học nên kinh nghiệm với cái mới là không có, vậy nên phải học cách người Pháp bày cho làm. Bởi vậy mới có hẳn 1 lớp ông quan đi làm báo: Vũ Phạm Hàm, Đào Nguyên Phổ, Kiều Oánh Mậu… nhưng tất cả những kiến thức, kinh nghiệm làm báo họ có được đều là nhờ người Pháp dạy cho. Tản Đà không thuộc lớp

42

người ấy. Ông ý thức về vai trò của báo chí một cách tự phát bởi nhãn quan lich sử của mình. Nhưng lúc bấy giờ, những hạn chế về điều kiện, hoàn cảnh khách quan cũng như hạn chế ngay trong chính bản thân ông đã khiến Tản Đà không tiếp cận được với kinh nghiệm làm báo một cách bài bản và đầy đủ. Những gì ông có được đều là do tự mày mò, học hỏi, thậm chí là tự làm theo cách nghĩ của riêng mình. Bởi vậy, tính chất tùy tiện, tùy hứng và phần nào mang tính tự phát là một biểu hiện rất rõ nét và xuyên suốt trong phong cách làm báo của Tản Đà.

* Trước hết, cần phải hiểu rõ khái niệm: Ký giả - văn nhân “chuyên nghiệp”.

“Ký giả” nghĩa là người làm báo. “Văn nhân” là người viết văn, làm thơ, gọi chung là người sáng tác. Tuy nhiên, đối với Tản Đà, giữa ký giả và văn nhân có mối quan hệ qua lại, gắn bó với nhau và trong một số trường hợp, điều này không thực sự tách bạch. Tản Đà là văn nhân thì đã rõ. Những sáng tác văn chương của ông với cái Tôi ngông nghênh, thị tài và đa tình, không giống ai là một hiện tượng trên văn đàn lúc bấy giờ. Với những cách tân, phá rào của mình, ông được mệnh danh là “hòn gạch nối văn chương”, là dấu nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại. Khái niệm “ký giả” với Tản Đà và cả xã hội lúc bấy giờ, là một khái niệm còn mới mẻ, được xâm nhập từ phương Tây. Gắn liền với khái niệm này là những quan niệm về một nghề mới trong xã hội với một chức danh mới: Nhà báo. Khái niệm “văn nhân” ở đây cũng không còn là những người viết văn, làm thơ theo lối truyền thống, đơn thuần, mà là theo cách chuyên nghiệp, tức là coi việc sáng tác văn thơ là một phương tiện để kiếm sống. Điều này khác hẳn với quan niệm của các nhà Nho trước đây, coi văn chương là cách để “mua vui cũng được một vài trống canh” hay để gửi gắm nỗi niềm, chuyển tải “Tâm, Chí, Đạo”.

43

Bởi vậy, khái niệm “Ký giả - văn nhân chuyên nghiệp” ở đây tức là Tản Đà coi viết văn, làm báo là một nghề, là công cụ để kiếm sống. Điều này chỉ có khi xã hội có một sự phân hóa nhất định, văn thơ, báo chí trở thành một loại hàng hóa, một hình thức dịch vụ hướng tới việc phục vụ nhu cầu tinh thần của con người. Xã hội phát triển, nhu cầu về thưởng thức văn hóa và các sản phẩm tinh thần của con người càng tăng. Từ đó dẫn đến việc hình thành một nghề mới với đội ngũ những người chuyên cung cấp các sản phẩm dịch vụ về tinh thần: người viết văn, làm báo chuyên nghiệp. Như vậy, việc hình thành một đội ngũ các nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp mà Tản Đà là một trong những người tiên phong chính là một xu thế phát triển tất yếu của văn học, báo chí lúc bấy giờ. Cần có một cái nhìn đúng đắn rằng, Tản Đà hoàn toàn không phải là một hiện tượng mang tính đột biến, bất thường. “Hiện tượng” Tản Đà nằm trong dòng chảy của lịch sử, mang dấu ấn của những đổi mới, cách tân và cả những hạn chế đặc định của lịch sử.

Khái niệm chuyên nghiệp bao gồm ở cả hai phương diện: Nội dung và hình thức thể hiện. Về nội dung, tính đối tượng ở đây là rất rõ ràng, đó là hướng tới việc phục vụ số đông quần chúng, hướng tới sở thích, thị hiếu của độc giả. Người viết không phải viết cho mình, viết để giải khuây, gửi gắm nỗi lòng của mình qua trang viết, mà là viết cho người khác đọc. Nội dung sáng tác cũng vì thế mà không thể chỉ bó buộc trong phạm vi của những tâm sự, cảm xúc cá nhân mà mở rộng ra phạm vi xã hội với những vấn đề của hiện thực đời sống, những vấn đề được nhiều người quan tâm. Những thay đổi về nội dung cũng tất yếu dẫn đến thay đổi về hình thức thể hiện. Từ cách miêu tả ước lệ, tượng trưng, người viết phải dùng lối tả thực, cách viết giản dị, dễ hiểu, ngôn ngữ bình dân để hướng đến số đông người đọc. Báo chí, văn chương nói chung muốn đến được với người đọc phải phản ánh được chân thực đời sống xã hội và những tâm tư, tình cảm của con người trong xã hội

44

ấy. Ký giả chính là người có sứ mệnh chuyển tải, khám phá sự phong phú, đa dạng và phức tạp nhiều chiều của đời sống. Tản Đà đã lĩnh hội được sứ mệnh đó và hăm hở, hăng hái hết mình để chèo lái con thuyền An Nam tạp chí. Trên các trang báo, hiện thực cuộc sống ngồn ngộn được phản ánh chân thực, sống động nhất và nó có giá trị như cuốn biên niên sử của thời đại.

Tính chuyên nghiệp về nội dung - hình thức sẽ được chúng tôi phân tích, làm rõ trong phần cuối của luận văn: Khảo sát mục “Việt Nam nhị thập thế kỷ Xã hội thiển đàm” và “Việt Nam nhị thập thế kỷ Ba đào ký”.

* Đặt trong bối cảnh lịch sử - xã hội Việt Nam giai đoạn giao thời. Theo PGS.TS Trần Ngọc Vương, từ sau năm 1908, đã xuất hiện một khoảng chân không (vacuum) trong đời sống tinh thần nói chung, đời sống văn học dân tộc nói riêng. “Trạng thái khủng hoảng lịch sử này có lẽ là trạng thái tất yếu ở những xã hội quá độ, nhất là những thời kỳ quá độ không diễn ra một cách tự nhiên, mà theo lối áp đặt, bị động” [50, 351]. Bộ phận tinh hoa của Nho giáo, người thì bị giết, bị bắt, bị lưu đày, quản thúc, người thì phải trốn tránh, phiêu bạt sang Trung Quốc, Xiêm, Lào, Nhật Bản. Một số khác, hoặc chỉ bày tỏ sự bất mãn, bất phục, bất hợp tác với chính quyền mới bằng thái độ kín đáo, hoặc cộng tác với chính quyền, tham gia vào chính thể mới ở các mức độ mẫn cán khác nhau thì không còn duy trì nổi cảm hứng để có thể có được những sáng tạo tinh thần hấp dẫn, cuốn hút, thậm chí tuyệt đại đa số họ không nghĩ đến việc cầm bút. Chỉ có một nhóm nhỏ những nhà Nho vào đầu thế kỷ XX “bỏ bút lông, cầm bút sắt” tập viết theo các thể loại văn học mới. “Các nhà Nho làm văn” như thế sống trong hoặc gần các đô thị lớn, sự nghiệp văn học của họ gắn chặt với sự ra đời của báo chí, nhà xuất bản. Thời kỳ đầu, thực dân Pháp thậm chí hướng dẫn, hỗ trợ cho chính quyền Nam triều ra các tờ công báo, quan báo, một số quan lại Nam triều được cắt cử sang phụ trách các tờ báo này, chẳng hạn các nhà Nho - ông quan như Vũ

45

Phạm Hàm, Chu Mạnh Trinh, Đào Nguyên Phổ, Kiều Oánh Mậu... với tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, nhưng dần về sau, các “cây bút” nhà Nho chủ yếu làm cộng sự, cộng tác viên cho các tờ báo được sự bảo trợ trực tiếp của chính quyền Pháp hoặc do một số người Việt có quan hệ mật thiết với chính quyền thực dân lập nên, mà hai tờ tiêu biểu nhất cho giai đoạn ba mươi năm đầu thế kỷ XX là Đông Dương tạp chí (1913 - 1918) và Nam Phong tạp chí (1917 - 1933). Do số lượng tác giả còn thưa thớt, tri thức và kinh nghiệm làm văn chương hay báo chí kiểu mới chưa được chuẩn bị, kiến thức chung nặng về cựu học, rất ít người trong số đó biết Pháp văn đến mức thành thục khả dĩ so với những trí thức trẻ Tây học, ...cùng nhiều nguyên nhân khác nữa đã khiến nhóm tác giả này không đưa lại thật nhiều đóng góp đặng có thể thỏa mãn yêu cầu “điều hòa tân cựu, thổ nạp Á Âu” - tôn chỉ được nêu trên Nam Phong tạp chí, thực chất cũng là con đường tốt nhất có thể mà nền văn hóa, văn học Việt Nam trên hành trình hiện đại hóa phải trải qua.

Khoảng chân không của sáng tạo văn học xuất hiện khi đội ngũ tác giả của hệ hình văn học truyền thống đã có dấu hiệu kiệt lực, mà đội ngũ tác giả của hệ hình văn học mới, nói một cách chặt chẽ, lại chưa xuất hiện một cách thực thụ. Trong hoàn cảnh ấy, Tản Đà đã dũng cảm nói lên tiếng nói của người nghệ sỹ muốn được khẳng định tài năng, phẩm giá của mình với tư cách là một ký giả, văn nhân dùng chính ngòi bút để thể hiện mình, để kiếm sống.

Sự lựa chọn của Tản Đà ít nhiều chịu chi phối của hoàn cảnh lịch sử - xã hội lúc bấy giờ. Xã hội đã đổi thay, nhưng lòng người lại dở dang. Tản Đà trước hết vẫn là một nhà Nho từ trong căn cốt, được đào tạo bài bản. Nhưng trước làn gió Tân văn, Tản Đà đã đi theo một hướng mới, coi viết văn, làm báo là một nghề, một phương tiện để kiếm sống như bao công việc khác trong xã hội. Việc đề cao văn chương, báo chí và những sứ mệnh to lớn của nó,

46

cũng đồng nghĩa với việc Tản Đà khẳng định vị trí xã hội của mình. Vị trí của một ký giả - văn nhân cũng giống như bất kỳ một nghề nghiệp nào trong xã hội. Hơn thế, còn đóng vai trò là chủ sự của “cơ quan tiến thủ của quốc dân”, gánh trên vai những sứ mệnh và trách nhiệm nặng nề.

Việc coi sáng tác văn chương, viết báo là một nghề, như bất cứ một nghề nghiệp nào khác trong xã hội - chính là cách để Tản Đà khẳng định giá trị của sáng tác văn học và báo chí với ý nghĩa tự thân của nó, với những chức năng riêng của nó, không phải là công cụ chuyển tải đạo lý hay để mua vui, giải trí. Đây chính là đặc điểm quan trọng phản ánh bước chuyển biến lớn trong tư tưởng cũng như sáng tác của Tản Đà, cũng là của một lớp người mới trong bối cảnh có tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc.

Người mở đường, tiên phong cho sự hình thành một loại hình tác giả mới, đương nhiên không thể tránh được những giới hạn mang tính lịch sử không thể vượt qua. Vì thế, điểm dừng của Tản Đà cũng chính là bước đệm để những thế hệ sau, những nhà thơ trong phong trào thơ Mới có thể cất lên tiếng nói khẳng định bản ngã của mình.

Một phần của tài liệu Tản Đà và sự hình thành loại hình ký giả - văn nhân chuyên nghiệp giai đoạn giao thời (Trang 39 - 45)