B. PHẦN NỘI DUNG
2.3. Quan niệm báo chí của Tản Đà
Quan niệm báo chí của Tản Đà được thể hiện trực tiếp và gián tiếp thông qua các phát ngôn, các giai thoại hay trong chính các tác phẩm của ông. Đó là những quan niệm mới mẻ nhưng cũng đầy phức tạp, phản ánh những mâu thuẫn trong chính con người Tản Đà.
* Quan niệm báo chí của ông thể hiện trước hết ở việc đặt tên cho tờ báo.
Trong bài “Kính ngỏ cùng độc giả chư vị”, An Nam tạp chí số 11 - 1930, Tản Đà đã giải thích rõ lý do vì sao ông lại đặt tên cho tờ báo của mình là “An Nam tạp chí”:
47
“Nay cuốn tạp chí in ra là đối với khắp thảy quốc dân mà trần thuyết mọi sự, không phải là riêng đối với những người có học mà thôi. Cho nên lấy quốc hiệu đặt tên mà định là hai chữ “An Nam”, là ý kiến cả tôi như thế. Mong rằng tạp chí lưu hành khắp cả toàn quốc, phàm là người An Nam đều biết có tạp chí An Nam, mà sự hay dở của tạp chí có quan hệ mật thiết với sự thịnh suy của quốc dân, thời tạp chí mới không phụ đặt tên bằng quốc hiệu vậy”.
Tính đối tượng ở đây được Tản Đà khẳng định rất rõ, rằng “không phải là riêng đối với những người có học mà thôi”. Đối tượng của tờ báo là đại bộ phận quần chúng nhân dân với nhiều tầng lớp, địa vị xã hội khác nhau. Điều này cũng có nghĩa nội dung của các tác phẩm phải gần gũi, gắn bó với hiện thực đời sống và không thể chỉ có những nội dung mang tính học thuật. Đặt tên tạp chí là An Nam, Tản Đà đã gửi gắm trong đó một sứ mệnh rất lớn, đó là “in ra khắp thảy quốc dân mà trần thuyết mọi sự”. Bởi vậy nên “sự hay dở của báo chí có quan hệ mật thiết với sự thịnh suy của quốc dân”. Gắn báo chí với dòng chảy của những biến cố lịch sử, sự thịnh suy của đất nước, Tản Đà đã nhận thức rất rõ rằng, báo chí phải thuộc về đời sống, phải là bức tranh thu nhỏ của hiện thực xã hội lúc bấy giờ. Tờ báo gắn mình với vận mệnh của dân tộc, là tiếng nói của nhân dân, cũng là của lịch sử, đất nước.
* Báo chí có vai trò quan trọng trong xã hội, là “cơ quan tiến thủ của quốc dân”.
Trong “Lời yêu cầu của An Nam tạp chí đối với quốc dân An Nam ta” (An Nam tạp chí số 15, tháng 1/1931), Tản Đà đã khẳng định vai trò quan trọng của báo chí với xã hội, thời đại:
“Nước An Nam ta ngày nay đương thời kỳ quá độ, phàm các công việc phải tiến thủ rất cần mà cơ quan thời trông ở Báo giới. Cứ tình hình trong Báo giới hiện nay, mong được có một báo chí nào đủ làm cơ quan tiến thủ
48
của quốc dân thật khó. An Nam tạp chí tự nhận cái thiên chức như đó cũng chỉ là do ở phát nguyện còn sự thực có quả được như thế chăng thời nhờ ở quốc dân ta vậy”.
Đây là một phát ngôn tương đối rõ ràng của Tản Đà về sứ mệnh của báo chí. Ở đây, báo chí đóng vai trò như người đại diện, tiên phong để phản ánh những vấn đề của xã hội trong thời kỳ quá độ. Tuy nhiên, trong bối cảnh báo chí nở rộ theo nhiều khuynh hướng, mục đích khác nhau, Tản Đà nhận thấy rằng, cần phải đưa báo chí đi đúng đường của nó, tức là đưa nó trở về với quỹ đạo phát triển tự nhiên, vốn có, không chịu sự chi phối, áp đặt hay lệ thuộc về đường hướng, tư tưởng. Có như thế mới mong được là “cơ quan tiến thủ của quốc dân”. Với An Nam tạp chí, Tản Đà tự nhận lấy thiên chức đó, coi đó là một mục đích, tiêu chí phấn đấu của mình. Tản Đà ôm tham vọng đó và thẳng thắn tuyên bố một cách công khai, quyết liệt. Điều đó phần nào thể hiện cái Tôi rất rõ của ông và sự tự ý thức về năng lực, giá trị của mình.
* Quan niệm báo chí bao gồm cả quan niệm về người làm báo (gồm cả ký giả - văn nhân).
Theo Tản Đà, người làm báo phải là “người có học thức, có duyệt lịch, có công tâm với xã hội, có giá trị với công chúng nếu không đủ đại lược như thế thời mong gì làm ích cho quốc dân”. Ngoài tri thức, Tản Đà đã đặc biệt đề cao và nhấn mạnh tới đạo đức của người làm báo. Đó chính là sự công tâm, khách quan, trung thực của nhà báo khi phản ánh các vấn đề hiện thực. Đây có thể nói cũng chính là tiêu chí của mọi thời với người làm báo. Có như thế, báo chí mới có thể được ví như “công cụ không tự giác của lịch sử”. Đặt ra vấn đề này và coi đó là một tiêu chí quan trọng với người làm báo, Tản Đà xứng đáng là người đóng vai trò tiên phong trong việc hình thành đội ngũ ký giả - văn nhân chuyên nghiệp giai đoạn giao thời lúc bấy giờ.
49
Cùng với việc đặt ra những tiêu chí với người làm báo, Tản Đà cũng đồng thời khẳng định nghề làm báo là một nghề cao quý và nâng người làm báo lên một vị trí xã hội nhất định.
Trong bài “Người làm văn” (Đông Pháp thời báo, số 641-1927), Tản Đà đã chia người làm văn ra làm ba hạng:
Một là những người có thì giờ thanh nhàn mà làm chơi thành văn như các ông giáo học các trường, các ông làm việc ở các sở, các nhà dật sĩ ở thôn quê, các bậc văn hòa trong nữ giới, ngẫu nhiên cảm xúc mà viết ra bài văn, lai cảo cho các nhà báo, đó là một hạng người phong lưu thứ nhất trong văn giới hiện thời.
Hai là những người làm văn in ra thành cuốn, hoặc luận thuyết, hoặc tiểu thuyết, hoặc thơ ca, trước là muốn dự một phần chiếu trong làng văn, sau nữa cũng có tính về phần lời lỗ.
Ba là các người làm văn trong báo giới, ăn lương của tòa báo mà viết văn.
Tản Đà tự nhận mình là loại người thứ ba này. Ông coi mình so với hai hạng người trên kém vẻ thanh cao, nhưng lại hơn bể trách nhiệm. Điều này đã được tác giả phân tích, lý giải rất cụ thể, kín kẽ:
“Các báo quán đã là một đạo quân tiên phong trong trận tiến thủ của xã hội, thời phàm các người viết văn trong báo giới đều là một tên lính trong đội tiên phong. Oai nghiêm thay! Hùng dũng thay. Ngọn bút sắt tung hoành có quan hệ đến vận hội của đồng bào hai mươi lăm triệu. Vậy thời trước khi chúng ta cầm ngọn bút mà viết một bài văn xã thuyết, thời đàm, vận văn, tiểu thuyết, đều phải nên hết lòng trân trọng, tưởng như có mấy trăm nghìn độc giả đứng chung quanh. Những người độc giả kia mỗi người mỗi việc, cũng không ai có nhiều thì giờ mà xem xét kỹ về tờ báo, quyển tạp chí mà trích
50
những chỗ hay chỗ dở làm chi, nhưng nếu có một người xét thấy chỗ không phải của chúng ta, thời tức là chúng ta có lỗi với người đó”.
Một lần nữa, Tản Đà lại khẳng định báo chí với vai trò là đội quân tiên phong trong trận tiến thủ của xã hội. Và người viết văn chính là một tên lính trong đội tiên phong ấy. Hình ảnh “ngọn bút sắt tung hoành” gửi gắm rất nhiều hoài bão của Tản Đà về một con đường tiến thân, thành danh mới trong xã hội mà ngọn bút chính là công cụ. Đạo đức của người làm báo vì vậy có hơi hướng của một kẻ sỹ với các hình ảnh “tung hoành”, “oai nghiêm”, “hùng dũng” - một cách thể hiện kín đáo nhưng sâu sắc của Tản Đà về quyền năng của báo chí.
Về đạo đức của người làm văn, lám báo, Tản Đà cũng khẳng định, người làm văn, làm báo phải “tế tâm’, “trì thủ” và giải thích rõ lý do như sau:
“Nay ví như có một bài văn hay, đăng ở một tờ báo không biết là của ai, thời xã hội cứ biết ở văn mà không có thiên khinh thiên trọng, nếu như nghe biết bài văn ấy của một bậc vĩ nhân, một nhà đạo đức như cụ Phan Sào Nam, cụ Phan Tây Hồ, thời bài ấy lại có giá trị thêm, lại nếu như nghe biết bài văn là của một người xưa nay vô phẩm hạnh hoặc mại quốc bất lương, thời bao nhiêu cái hay trong bài văn còn chăng có ít vậy…. Và cứ chính lý mà mói, tự mình không thương nước mà viết ra những lời ái quốc, tự mình vô phẩm hạnh mà viết ra những giọng luân thường, vậy thời để lừa gạt ai. Dẫu có lừa gạt được ai chăng, ắt cũng có ngày bại lộ vậy. Nguy lắm thay mà sợ lắm thay!”.
Đây chính là cách nói thể hiện quan điểm “Văn là Người”. Tuy nhiên, nếu trong văn chương truyền thống, cái Tôi được giấu kín, có chăng cũng chỉ là cách nói bóng gió kiểu “có bóng mây hơi nước đến dân xã”. Người viết giấu mình vào trong và thường được ẩn dụ trong hình ảnh những kẻ sĩ với nhiều tâm sự. Đến đây, Tản Đà cho rằng, với trách nhiệm của mình, người cầm bút phải bày tỏ rõ quan điểm của mình, nhưng phải xuất phát từ tấm lòng
51
trong sáng, không vẩn đục. Báo chí không phải là những lời hô hào suông, bởi vậy, nó phải xuất phát từ cái tâm của người cầm bút mới có sức lay động tới xã hội.
* Quan niệm về tự do ngôn luận trong báo chí
Ngay từ lúc này, Tản Đà đã nhận thức rõ được vai trò của sự phản biện xã hội, về tự do ngôn luận trong báo chí. Đây cũng chính là một chức năng, đặc điểm quan trọng của báo chí:
“Phàm là một bài viết đã đăng lên báo trương, dù hay dở thế nào, tất có ảnh hưởng đến xã hội… Mội bài viết đã công hành trong báo giới, tiếp xúc đến xã hội, thời phàm người trong xã hội, nhất là trong báo giới, ai có ý kiến gì đối với bài nói đó, thực nên tỏ bầy” (Đọc bài “Tự do diễn đàn” là ở trong báo Trung Bắc ngỏ cùng ai các bạn thanh niên” (An Nam tạp chí số 23, 1931).
Bày tỏ quan niệm, thái độ với một vấn đề xã hội nêu trên báo chí hay sự tranh luận với tác giả về bài viết là một cách thể hiện trách nhiệm cũng như quyền tự do, dân chủ trong xã hội. Điều này phản ánh mối quan hệ qua lại hai chiều giữa báo chí và độc giả, báo chí và xã hội. Tạo điều kiện rộng rãi cho người đọc được bày tỏ thái độ đối với tờ báo cũng là cách Tả Đà thu hút độc giả và thể hiện sức mạnh của báo chí, như mong muốn của ông, là “cơ quan tiến thủ của quốc dân”.
Ở một bài khác, Tản Đà cũng nhấn mạnh rằng, bình luận là một quyền của người đọc, và nó là động lực để người cầm bút có trách nhiệm hơn với công việc của mình:
“Vì chúng ta có quyền viết văn thời những người xem văn cũng có quyền bình luận. Sự bình luận đó mà là phải, thời cổ lệ cho chúng ta thực nhiều, sự bình luận đó mà là do một người không hiểu văn, thời cũng không hại chi cho
52
ta mà cũng là cổ lệ cho chúng ta càng thêm gắng sức cố công vậy. Cho nên các bạn làm văn trong báo giới, đối với những lời bình luận của độc giả chỉ nên giữ một thái độ rất ôn hòa”. (Người làm văn, Đông Pháp thời báo số 641-1927).
Sự tôn trọng đối với ý kiến của độc giả cũng là một trong những đặc điểm về sự “chuyên nghiệp” trong cách làm báo của Tản Đà lúc bấy giờ do ảnh hưởng từ văn hóa Phương Tây. Trong văn chương truyền thống, người viết chỉ cốt bày tỏ tâm tư, tình cảm, thái độ của mình mà không cần quan tâm đến người tiếp nhận như thế nào. Nói cách khác, khi văn chương, báo chí đã trở thành một thứ hàng hóa, dịch vụ trong xã hội thì người viết phải quan tâm tới “khách hàng” của mình là ai, có nhu cầu gì để phục vụ.
* Tính đấu tranh, phản biện xã hội của báo chí
“Chúng ta may được để thân vào báo giới, cầm quyền phủ việt của quốc dân, thời phàm các loại hung nhân phải trọng phạt nghiêm hình để hả lòng cho công chúng, Một sự hình phạt đó, tuy cũng là bất đắc dĩ, song mà có bổ cứu cho thế đạo nhân tâm thực chẳng ít, thời chúng ta cũng không thể được khoan dung. Đó là cái chức trách của chúng ta đối với quốc dân, còn như cái tình đồng bào đổng chủng cùng nhau, thời như sao cũng có như sao vậy”.
(Người làm văn, Đông Pháp thời báo số 641-1927).
Tản Đà đã mở ra một xu hướng làm báo chống tiêu cực và dùng báo chí như một công cụ đắc lực để chống lại cái xấu, cái ác, góp phần cải biến xã hội: “Thời phàm các loại hung nhân phải trọng phạt nghiêm hình để hả lòng cho công chúng… Đó là cái chức trách của chúng ta đối với quốc dân”. Ẩn sau câu nói ấy là một mơ ước của ông về một con đường dấn thân mới bằng cuộc cách mạng về văn hóa, tư tưởng mà báo chí chính là một vũ khí sắc bén. Tính chiến đấu là một trong những đặc trưng quan trọng của báo chí so với các loại hình sáng tác khác. Chính nhờ tính chiến đấu này mà quyền lực
53
của báo chí được nâng cao và tác động xã hội của nó trở nên rộng rãi hơn. Tính phản biện xã hội, thực chất cũng chính là những tác động của báo chí đối với xã hội. Sự phản biện ấy thể hiện tính dân chủ rộng rãi và sâu sắc khi tất cả mọi người đều có quyền bày tỏ ý kiến và bình đẳng với việc tiếp nhận thông tin. Chính bởi đặc điểm này nên báo chí mới là công cụ đắc lực để nối dài hơn tới đông đảo quần chúng nhân dân trong xã hội.
Tóm lại, với những quan niệm về báo chí rất mới mẻ, tiến bộ này, Tản Đà được coi là người đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và phát triển báo chí trong giai đoạn giao thời đầu thế kỷ XX. Đây là những tiền đề quan trọng để những nhà báo sau này có điều kiện xây dựng và phát triển một nền báo chí hiện đại với những đặc trưng cơ bản của nó.