Giữ gìn và cải tạo môi trường tự nhiên trong sạch góp phần

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội đến sức khỏe con người và vấn đề nâng cao sức khỏe con người Việt Nam hiện nay (Trang 137 - 140)

cao sức khỏe con người và cộng đồng

Để con người có sức khỏe tốt cả về thể chất và tinh thần, yếu tố môi trường đóng một vai trò quan trọng. Con người muốn có một cuộc sống khỏe mạnh thì phải được sống trong môi trường tự nhiên trong lành không bị ô nhiễm; môi trường xã hội lành mạnh, bảo đảm về an ninh trật tự, không có tệ

nạn xã hội, văn minh và tiến bộ.

Việt Nam nằm ở Đông Nam Châu Á, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, là nơi có nhiều thiên tai, bão lụt, vừa trải qua những cuộc chiến tranh lớn, kéo dài, môi trường tự nhiên đã bị tàn phá nặng nề… Ngày nay, bước vào thời kỳ CNH - HĐH trong điều kiện còn nghèo về kinh tế, lạc hậu về kỹ thuật, trình độ dân trí còn thấp, điều đó, dẫn tới sự xuất hiện mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và ô nhiễm môi trường tự nhiên, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm giải quyết. Thực tế cho thấy ở nước ta những năm qua, kinh tế càng phát triển thì môi trường tự nhiên ngày càng bị ô nhiễm nặng nề, điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các cơ chế tự nhiên, sinh học và tác động tiêu cực đến sức khỏe nhân dân, làm thay đổi cơ cấu bệnh tật ở nước ta…

Bảo vệ môi trường hiện nay là một yêu cầu cấp thiết, đối với cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và của mọi công dân. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường. Điển hình là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị (khoá IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước; Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị; Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi); các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật bảo vệ môi trường… Các chỉ thị, nghị quyết, văn bản, pháp qui này đi vào cuộc sống đã từng bước tạo ra một số chuyển biến tích cực trong các hoạt động gìn giữ, bảo vệ môi trường, song vẫn còn nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đất nước. Để ngăn chặn khắc phục và xử lý có hiệu quả những hành vi gây ô nhiễm môi trường hiện nay ở nước ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Tiếp tục hoàn thiện và triển khai có hiệu quả hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó, cần phải xây dựng những chế tài xử phạt thực sự đủ mạnh, đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm, từ các hình thức cưỡng chế hành chính cho đến xử phạt hình sự. Bên cạnh đó, cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường đối với các nhà máy, các khu công nghiệp theo tiêu chuẩn

quốc tế. Các cơ quan quản lý phải thường xuyên tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm hướng tới xây dựng môi trường tốt đẹp, thân thiện hơn đối với con người. Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường một cách thường xuyên, định kỳ và đột xuất; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tập trung đầu tư nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác môi trường; trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của các lực lượng này.

Chú trọng công tác qui hoạch, phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề, các khu đô thị, đảm bảo tính khoa học, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng toàn diện cả trước mắt và lâu dài theo qui luật phát triển. Từ đó, có chính sách qui hoạch phù hợp, tránh tình trạng qui hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo như ở một số địa phương trong thời gian vừa qua, gây khó khăn cho công tác quản lý nói chung, quản lý về môi trường nói riêng. Đối với các khu công nghiệp, cần có qui định bắt buộc các công ty phải đầu tư hạ tầng, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lý nước thải và rác thải.

Chú trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thẩm định đánh giá tác động của môi trường từ các dự án đầu tư. Trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn có ý kiến tham mưu chính xác cho cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc cấp hay không cấp giấy phép đầu tư. Việc quyết định các dự án đầu tư cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích trước mắt với ảnh hưởng tiêu cực lâu dài của nó đối với môi trường. Thực hiện công khai, minh bạch các qui hoạch các dự án đầu tư, tạo điều kiện để mọi tổ chức và các công dân có thể tham gia phản biện xã hội về tác động của môi trường của những qui hoạch dự án đó.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp

luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của mỗi công dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa con người - thiên nhiên và xã hội. Qua đó, mỗi người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, từ bỏ những thói quen xấu gây ô nhiễm môi trường.

Nhà nước, các cơ quan, tổ chức xã hội và nhân dân cần phải thống nhất trong việc cải tạo, xây dựng môi trường sống thân thiện, sạch sẽ về mặt vệ sinh, đẹp về thẩm mỹ, có thể phòng chống được bão lụt và hạn chế thấp nhất những tác hại của thiên tai. Chính phủ cần xây dựng chiến lược bảo vệ, cải tạo môi trường tự nhiên một cách đồng bộ và dài hạn; xây dựng các phương án cụ thể chống biến đổi khí hậu toàn cầu và tình trạng nước biển dâng đã và ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người Việt Nam; nâng cao hiệu quả trong việc hợp tác quốc tế để giải quyết vấn đề môi trường, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc tận dụng các ý kiến chuyên gia, các số liệu về môi trường toàn cầu, các phương tiện cảnh báo thảm họa thiên tai như động đất, sóng thần…

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội đến sức khỏe con người và vấn đề nâng cao sức khỏe con người Việt Nam hiện nay (Trang 137 - 140)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)