Tóm tắt chương 4

Một phần của tài liệu Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phân tích phản ứng của các biến số vĩ mô trước cú sốc chính sách tiền tệ thông qua mô hình Keynes mới nhằm nâng cao chất lượng dự báo kinh tế vĩ mô của Việt Nam (Trang 40)

Đầu tiên, chương 4 trình bày kết quả nghiên cứu của mô hình ước lượng theo phương pháp FGLS. Theo đó, các biến số đều có ý nghĩa thống kê và đóng góp vào kết quả nghiên cứu. Tiếp đến, kết quả ước lượng mô hình Keynes mới SVAR giúp xác định biến số vĩ mô có ảnh hưởng chủ yếu trước tác động từ cú sốc cấu trúc; biến số đóng vai trò giải thích chính khi ảnh hưởng đến các biến số còn lại. Cuối cùng, mô hình Keynes mới DSGE cho thấy sự phù hợp về phương pháp tiếp cận và tương thích giữa lí thuyết và dữ liệu thực tế nhằm xây dựng một mô hình dự báo có ý nghĩa cho Việt Nam.

CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN, HÀM Ý CHÍNH SÁCH VÀ HẠN CHẾ 5.1. Tóm tắt các kết quả chính của luận án

5.1.1. Khẳng định vai trò của CSTT trong việc ổn định vĩ mô tại Việt Nam

Thứ nhất, nghiên cứu cho thấy TTTD có mối quan hệ thuận chiều với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) và tỷ lệ lạm phát (CPI).

Thứ hai, kết quả nghiên cứu cho thấy CSTT tại Việt Nam có ảnh hưởng mạnh hơn so với công cụ ATVM đến TTTD - biến số quan trọng khi đánh giá sự ổn định tài chính. Ngược lại, hai công cụ đại diện cho chính sách ATVM (tỷ lệ dự trữ thanh khoản (LIQ) và tỷ lệ cho vay trên huy động tiền gửi ngắn hạn (LDR)) tác động cùng chiều đến TTTD lần lượt 0,63% và 0,79%.

Thứ ba, kết quả nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng cho thấy sự hiệu quả của CSTT trong việc kiểm soát TTTD nhưng các công cụ này nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng của CSTT là ổn định giá cả (price stability), kiểm soát lạm phát hơn là ổn định tài chính (Vũ Hải Yến và Trần Thanh Ngân, 2016).

5.1.2. Các biến số vĩ mô có phản ứng động trước các cú sốc chính sách

Từ phương trình đường cong IS động, kết quả cho thấy hệ số hồi quy trong mô hình NKPC khẳng định tỷ giá đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tổng cầu làm gia tăng sản lượng của nền kinh tế có độ mở như Việt Nam. Bên cạnh đó, độ lệch sản lượng là một biến quan trọng cho biến động lạm phát. Ngoài ra, hệ số ước tính từ quy tắc CSTT cho thấy vai trò của LSCS (lãi suất danh nghĩa) tác động để lãi suất thực thay đổi để ổn định lạm phát và sản lượng của nền kinh tế.

Đầu tiên, kết quả mô phỏng phản ứng động cho thấy, cú sốc LSCS dương có hiệu ứng làm giảm sản lượng và lạm phát. Lãi suất đồng nội tệ cao hơn tương đối làm tỷ giá giảm, chứng tỏ không có dấu hiệu tồn tại hiện tượng exchange rate puzzle tại Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu, trong khi về vấn đề CSTT thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát, kết quả phân rã phương sai cho thấy, cú sốc tổng cầu dương tăng dần theo thời gian chứng tỏ lạm phát vẫn tăng khi có cú sốc CSTT ở những kỳ đầu tiên và điều đó chứng tỏ tồn tại hiện tượng price puzzle tại Việt Nam. Tiếp đến, cú sốc tăng tỷ giá làm giảm sản lượng và lạm phát nhưng làm tăng lãi suất. Trong khi đó, cú sốc lạm phát lại làm giảm sản lượng trong bối cảnh lãi suất tăng để kiềm chế lạm phát. Cơ chế tỷ giá của Việt Nam trong giai đoạn này vận hành theo cơ chế lý thuyết. Đặc biệt, trong một nền kinh tế nhỏ, mở có kiểm soát dòng vốn tương đối chặt chẽ như Việt Nam thì qua ảnh hưởng của CSTT đến tỷ giá có thể thấy thông điệp của Chính phủ hướng đến việc điều hành tỷ giá linh hoạt hơn thay vì neo chặt, nhằm giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Cuối cùng, cú sốc cầu tăng có tác động làm lãi suất giảm. Động thái này cho thấy vai trò quyết định của NHNN trong việc đảm bảo sự ổn định vĩ mô bằng công cụ lãi suất, giảm sự phụ thuộc vào cung ứng tiền tệ. Giảm lãi suất nhằm hỗ trợ các chủ thể trong nền kinh tế, kích thích đầu tư nhưng theo dõi sát diễn biến của tỷ giá để đảm bảo cả hai mục tiêu tăng trưởng cao và lạm phát ổn định (Chu Khánh Lân, 2018).

5.1.3. Mô hình dự báo Keynes mới có ý nghĩa phân tích chính sách

Kết quả nghiên cứu cho thấy sự phù hợp về phương pháp tiếp cận, sự tương đồng giữa thông tin tiền nghiệm và kết quả hậu nghiệm, từ đó mở ra cơ hội xây dựng một mô hình dự báo sao cho việc sử dụng tham số đầu vào tương thích với diễn biến điều hành thực tế của NHNN, nhằm mô phỏng kết quả dự báo thực sự có ý nghĩa phân tích chính sách.

5.2. Hàm ý chính sách

Qua kết quả nghiên cứu, luận án làm rõ hơn hàm ý chính sách đối với các vấn đề vĩ mô của nền kinh tế.

5.2.1. NHNN trong việc sử dụng các công cụ của CSTT

Thứ nhất, Việt Nam cần phải thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu thay vì phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng, đó là tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động, trình độ tổ chức quản lý sản xuất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm… nhằm tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng GDP trong dài hạn (Trần Thọ Đạt & Đỗ Tuyết Nhung, 2011).

Thứ hai, CSTT đóng vai trò hết sức quan trọng khi đánh giá sự ổn định tài chính tại Việt Nam. Trong đó, NHNN cần quan tâm đến công cụ DTBB và LSCS vì ảnh hưởng quan trọng của nhóm biến này đến sự ổn định vĩ mô của Việt Nam.

Thứ ba, NHNN cần phải xây dựng một khuôn khổ chính sách ATVM hiệu quả, phù hợp với Việt Nam.

5.2.2. Về việc thực thi chính sách tiền tệ

Thứ nhất, thay đổi quan điểm về sự kết hợp giữa CSTT nới lỏng (thắt chặt) với sự giảm (tăng) của lãi suất danh nghĩa ngắn hạn.

Thứ hai, CSTT có thể rất hiệu quả trong việc khôi phục một nền kinh tế yếu kém ngay cả khi lãi suất ngắn hạn thấp.

Thứ ba, tỷ giá nên được điều hành linh hoạt và phối hợp nhịp nhàng hơn nữa.

Thứ tư, tránh những dao động không dự tính trong lạm phát (mức giá thay đổi) là mục tiêu quan trọng của CSTT, cung cấp yếu tố cơ bản cho ổn định lạm phát như là mục tiêu chính trong dài hạn của CSTT.

5.2.3. Mô hình Keynesian mới phục vụ công tác dự báo vĩ mô

5.3. Hạn chế của nghiên cứu

Bên cạnh một số đóng góp, nghiên cứu này cũng còn tồn tại một số hạn chế. Mặc dù đây là những hạn chế không ảnh hưởng lớn đến ý nghĩa nghiên cứu nhưng cũng cần phải xem xét thận trọng:

5.3.1. Về dữ liệu, cách sử dụng biến trong mô hình

Đầu tiên, dữ liệu nghiên cứu hiện tại là phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhưng chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai, độ bao phủ của nghiên cứu chưa rộng.

5.3.2. Về phương pháp tiếp cận và đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam

Thứ nhất, kênh kỳ vọng không thể được sử dụng để phân tích độc lập với các kênh truyền dẫn khác. Thứ hai, cần thiết một môi trường minh bạch, công chúng có sự tin tưởng nhất định đối với các quyết sách của NHTW. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

5.3.3. Về kết quả nghiên cứu

Một là, LSCS còn chịu tác động nhiều từ mệnh lệnh hành chính vốn chỉ phù hợp với thị trường tài chính sơ khai.

Hai là, sự kiểm soát dòng vốn quốc tế chặt chẽ của Việt Nam, điều này tạo nên sự ổn định không bền vững cho tỷ giá vì trong xu hướng hội nhập quốc tế.

Ba là, nghiên cứu mô hình Keynesian mới DSGE chưa đầy đủ.

5.4. Tóm tắt chương 5

Chương 5 tóm tắt kết quả nghiên cứu của luận án, khẳng định vai trò của CSTT trong việc ổn định vĩ mô tại Việt Nam thông qua việc kiểm soát TTTD, kết quả mô phỏng phản ứng động của các cú sốc cấu trúc của mô hình Keynes mới SVAR và khẳng định sự phù hợp của mô hình Keynes mới DSGE trong việc xây dựng một mô hình dự báo vĩ mô cho Việt Nam.

Chương 5 đưa ra hàm ý chính sách cho NHNN trong việc thực thi CSTT, đề xuất mô hình Keynes mới phục vụ công tác dự báo. Tuy nhiên, luận án còn tồn tại một số hạn chế trong cách thu thập dữ liệu, tính toán và sử dụng biến trong mô hình, phương pháp tiếp cận, đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam và độ tin cậy của kết quả nghiên cứu còn phụ thuộc vào sự minh bạch, độ tin cậy của NHNN.

Một phần của tài liệu Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phân tích phản ứng của các biến số vĩ mô trước cú sốc chính sách tiền tệ thông qua mô hình Keynes mới nhằm nâng cao chất lượng dự báo kinh tế vĩ mô của Việt Nam (Trang 40)