3.3.1.1 Tiếp tục hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật.
Hiện nay, trong hệ thống Pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có 2 bộ luật liên quan đến việc phát triển khoa học công nghệ, đó là luật Khoa học và công nghệ ban hành 18/06/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 và Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua vào ngày 29/11/2005, có hiệu lực từ 1/7/2006. Đây là hai bộ luật giúp định hướng cho việc phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ tại Việt Nam, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người làm công việc nghiên cứu khoa học công nghệ. Vì vậy, luật pháp có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo khoa học công nghệ được phát triển một cách đúng hướng, bền vững và xa hơn là có những bước đột phá trong tương lai.
Tuy nhiên, các bộ luật trên vẫn còn một số hạn chế cần được điều chỉnh hoặc bổ sung để trở nên tối ưu hơn và phù hợp với tình hình phát triển trong nước và quốc tế. Việc hoàn thiện này muốn có hiệu quả nhất cần phải được thông qua các buổi làm việc, tiếp xúc thực sự giữa những người lập pháp với các đối tượng là nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kỹ sư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, ...
Ngoài ra, cần nhanh chóng cập nhật tình hình thế giới, nắm bắt sự biến chuyển trong cơ cấu tổ chức, phương pháp hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ để học hỏi, rút kinh nghiệm cho luật Việt Nam. Tăng cường hơn nữa sự đa dạng các đối tượng phát minh, sáng chế khoa học công nghệ đang được pháp luật bảo hộ, nâng cao mức độ bảo vệ trước những vi phạm có thể xảy ra do “lách luật”. Như vậy, khoa học công nghệ sẽ có điểm tựa vững chắc để phát triển, phòng trừ được những trường hợp tranh chấp không đáng có xảy ra dẫn đến thiệt hại về kinh tế.
3.3.1.2 . Đổi mới cơ chế hoạt động và quản lý của các tổ chức khoa học công nghệ
a) Cơ chế hoạt động
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã cùng phối hợp với Bộ KH&CN thường xuyên đổi mới về cơ chế tài chính, đặc biệt là cơ chế tài chính cho các đề tài dự án. Với sự đổi mới này, 3 năm gần đây, cơ chế thanh toán, quyết toán kinh phí KH & CN đã có tiến bộ rất lớn. Những điểm mới này nên được tiếp tục phát huy. Các Thông tư 55, 27 (Thông tư liên tịch số: 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN và 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC) trong lĩnh vực tài chính cho KH&CN đã có bước đổi mới toàn diện, theo tinh thần khoán và khoán với sản phẩm cuối cùng. Người giao nhiệm vụ phải tự tuyển chọn, tự chịu trách nhiệm với kết quả đầu ra.
Nhờ vậy, việc tiến hành nghiên cứu sẽ được diễn ra hiệu quả hơn, không bị phụ thuộc vào các nhân tố bên ngoài. Ngoài ra, quyết toán kinh phí cũng nên được cải thiện nhanh gọn hơn nữa về thủ tục, rút ngắn về thời gian cũng giúp các dự án nghiên cứu
b) Cơ chế quản lý
Quản lý tài sản hữu hình: giám sát việc phân bổ, sử dụng vốn, thiết bị sao cho hiệu quả hợp lí, tránh sự mập mờ dẫn đến tiêu cực. Gắn tài sản hữu hình với trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ. Tiếp tục hoàn thiện hơn nữa Luật Quản lí & Sử dụng tài sản công.
Quản lý tài sản vô hình: việc sửa Luật KH&CN năm 2013 cũng như Luật Chuyển giao công nghệ đã có bước đột phá lớn khi giao quyền sở hữu nghiên cứu khoa học cho các tổ chức chủ trì để tiếp tục phát triển và thương mại hoá, gắn với quá trình tự chủ và xã hội hoá tiếp theo đó.
Cùng với đó, cần phối hợp nhuần nhuyễn quản lý tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Việc quản lý một cách có hệ thống này là cơ sở để các tổ chức KH&CN tiếp tục phát triển, thương mại hoá, tạo điều kiện cho các tổ chức này phát huy thế mạnh, từ đó có thể tự chủ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
c) Tăng cường nguồn vốn đầu tư cho hoạt động R&D.
Đảm bảo nguồn vốn cho R&D chiếm không dưới 2% ngân sách chính phủ. Không để các dự án, các công trình nghiên cứu về khoa học công nghệ bị thiếu hụt vốn dẫn đến chậm trễ thực hiện cũng như các dự án tiềm năng không thể tiến hành. Cần nhớ rằng trong thời đại hiện nay, khoa học công nghệ đổi mới từng phút từng giây và muốn phát triển, chúng ta không có quyền chậm chạp so với thế giới.
Trích một phần vốn của các dự án đầu tư để tiến hành nghiên cứu, phản biện, đánh giá những vấn đề khoa học và công nghệ có liên quan tới nội dung, chất lượng dự án.
Có cơ chế để doanh nghiệp dành một phần vốn cho nghiên cứu đổi mới, cải tiến công nghệ và đào tạo nhân lực. Phần vốn này không chịu thuế.
Tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân rót vốn cho các dự án nghiên cứu khoa học công nghệ phù hợp có khả năng tạo ra đột phá về sản phẩm hoặc quy trình sản xuất cho doanh nghiệp tại các viện, trường đại học,...
Nhà nước chú trọng đầu tư cho những lĩnh vực khoa học và công nghệ đặc thù của Việt Nam như công nghệ thông tin.