Những rào cản này bao gồm hệ thống pháp luật, Hệ thống quản lý hoạt động KHCN,…
Thứ nhất, về hệ thống pháp luật, các quy định về bản quyền và sở hữu trí tuệ chưađược thắt chặt. Việc xử lý những hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ đa phần chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính. Chỉ mới từ năm 2018, Pháp luật mới đưa ra quy định mới: người thực hiện hành vi sẽ có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây cũng là hành động mang tính răn đe cho các đối tượng vi phạm bản quyền và cũng phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập các Hiệp ước kinh tế song phương và đa phương. Dù vậy, những quy định và mức hình phạt liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn chưa thật sự chặt chẽ và thỏa đáng.
Không những thế, các văn bản pháp luật về KH&CN khá cồng kềnh, phức tạp, dẫu liên tục được bổ sung, sửa đổi. Nhưng các quy phạm pháp luật điều chỉnh phát triển KH&CN quy định ở một số văn bản pháp luật tương đối khác nhau, do nhiều cơ quan ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau. Những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa theo hệ thống khiến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các địa phương, các đơn vị, cơ sở, gây khó khăn cho việc thực hiện trong thực tế.
Một số quy định của các văn bản pháp luật chưa có quy định đặc thù cho KH&CN (Luật NSNN, Luật đầu tư, Luật đấu thầu,...), chưa thực sự tạo điều kiện để phát triển KH&CN (Chính sách thuế đối với hoạt động KH&CN của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước). Tình trạng thiếu đồng bộ giữa các quy định của pháp luật hiện hành với văn bản trong lĩnh vực KH&CN; chính sách và cơ chế khuyến khích nguồn đầu tư xã hội, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp vẫn gây ra nhiều khó khăn.
Thứ hai, về hệ thống quản lý hoạt động KHCN, một loạt tồn tại của cơ chế tài chính, đãi ngộ đang cản trở sự phát triển KHCN nước nhà. Trong đó, nổi lên là chế độ
tiền lương còn nhiều bất hợp lý, chưa khuyến khích cán bộ KHCN toàn tâm với sự nghiệp KHCN, có nguy cơ chảy máu chất xám. Thủ tục hành chính quản lý chương trình, nhiệm vụ KHCN còn cồng kềnh, phức tạp, chi phí quản lý hành chính vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tài chính được phân bổ cho các dự án, đề tài, nhiệm vụ.
Cùng với đó, việc giao dự toán cho các đề tài, dự án thường xuyên bị chậm từ 6 tháng đến 1 năm so với kế hoạch. Quá trình đăng ký đề tài mặc dù đã được tháo gỡ, thông qua nhiều Thông tư, Nghị định nhưng việc đăng ký đôi khi còn rườm rà. Những vấn đề này làm niềm đam mê của các nhà khoa học cũng giảm bớt, các dự án mất đi tính thời sự, đặc biệt là công nghệ có chu kỳ ngắn, như công nghệ thông tin hoặc có tính chất thời vụ như cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp.