Qua xem xét thực tế tại Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 có thể rút ra một số nhận xét chung về công tác phân tích tình hình tài chính của đơn vị như sau:
Trong thời gian gần đây Tổng công ty đã có sự quan tâm nhất định đến công tác phân tích tình hình tài chính phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và các đối tượng quan tâm ngoài doanh nghiệp. Việc phân tích dựa trên các thông tin trên báo cáo tài chính nhằm đưa ra các thông số và đánh giá chung về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tổng công ty mới chỉ so sánh một số chỉ tiêu đơn giản về tổng tài sản, nguồn vốn chủ sở hữu, công nợ... chưa so sánh các chỉ tiêu cần tính với chỉ tiêu chung của ngành. Do vậy Tổng công ty chưa có cơ sở để nhận xét về tình hình của mình so với ngành đang hoạt động.
Việc phân tích chủ yếu theo định kỳ theo quý, năm kết thúc niên độ kế toán và thường được lồng ghép vào báo cáo tài chính năm hoặc phân tích theo sự vụ cần thiết. Công tác phân tích tình hình tài chính chưa trở thành một hoạt động thường xuyên phục vụ cho việc ra quyết định sản xuất kinh doanh. Thông tin thu được từ việc phân tích chủ yếu sử dụng cho ban lãnh đạo Tổng công ty , Hội đồng quản trị để đánh giá , tổng kết hoạt động tài chính của một kỳ theo quy định và để báo cáo trong các hội nghị tổng kết. Đôi khi việc phân tích cũng để phục vụ xem xét đánh giá một số vấn đề tài chính để đưa ra quyết định kinh doanh mới phục vụ cho các
đối tượng cho vay khi Tổng công ty hoặc các doanh nghiệp thành viên có nhu cầu vay vốn, hoặc các đối tượng liên doanh , liên kết khi doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư. Do vậy việc phân tích tài chính thường không được tiến hành thường xuyên mà theo thời điểm phát sinh nhu cầu. Số liệu phân tích tập hợp chậm, nội dung phân tích đơn giản, đại khái, ý nghĩa của thông tin thu được chưa cao. Phương pháp phân tích chủ yếu là so sánh, đối chiếu giản đơn, hầu như chưa có sự liên hệ so sánh các chỉ tiêu để tìm ra nguyên nhân tổng
quát ảnh hưởng đến một sự việc, chưa tìm ra bản chất của đối tượng phân tích. Các chỉ tiêu sử dụng phân tích là các chỉ tiêu theo quy định chung thể hiện ở bảng thuyết minh báo cáo tài chính cụ thể là theo mẫu số B09-DN ban hành theo Quyết định 167/2000/QĐ-BTC ngày 25/10/2000 và các thông tư hướng dẫn bổ sung theo các chuẩn mực kế toán. Cho nên các số lượng các chỉ tiêu này so yêu cầu của quá trình phân tích còn thiếu quá nhiều. Nội dung kinh tế của các chỉ tiêu chưa thống nhất . Việc thu thập số liệu đòi hỏi trong thời gian ngắn , thiếu sự kiểm tra đối chiếu cho nên thông tin thu được chưa chính xác ảnh hưởng đến kết luận chung của quá trình phân tích.
Tổng công ty chưa tính toán phân tích cơ cấu , tỷ trọng chi tiết cụ thể của từng loại vốn khác nhau trong tổng các loại nguồn vốn để thấy sự biến động của chúng trong năm tài chính, chưa phân tích để tìm ra mối liên hệ , nhân tố tác động đến sự biến động đó. Số liệu tính toán chưa có sự liên hệ chặt chẽ với nhau để thấy một bức tranh toàn cảnh về tình hình và khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Dưới góc độ hiệu quả sản xuất kinh doanh Tổng công ty mới chỉ đưa ra phân tích các chỉ tiêu tổng quát, đơn giản như chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu, tổng tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu chưa đi sâu phân tích tốc độ luân chuyển của các loại vốn trong doanh nghiệp, vòng quay vốn...
Tình hình xem xét các báo cáo kết quả kinh doanh cũng diễn ra tương tự. Tổng công ty mới chỉ xem so sánh các thông số tuyệt đối và tương đối trên báo cáo kết quả kinh doanh. Thông thường đầu năm Tổng công ty thường xây dựng một hệ thống các chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu , sản lượng, thu nhập người lao động...sau
đó so sánh với thực tế để biết mức độ hoàn thành kế hoạch. Doanh nghiệp mới chỉ so sánh mức độ tăng giảm lợi nhuận của từ bộ phận và tổng thể nhưng chưa có sự liên hệ so sánh giữa các chỉ tiêu với nhau về mực độ tăng giảm, chưa xác định nguyên nhân nội tại của việc tăng giảm lợi nhuận là do tăng doanh thu hay giảm chi phí hay nguyên nhân khác. khi phân tích cũng chưa thấy mức độ ảnh hưởng lớn hay nhỏ của từng nhân tố đến hiệu quả sản xuất kinh doanh chung. Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chưa quan tâm đến việc theo dõi lưu chuyển của các dòng tiền tệ cũng như hoạt động đầu tư tài chính (trừ ngành ngân hàng, tài chính) nhằm đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh.
Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt, điều này có thể dẫn tới một số doanh nghiệp sẽ bị phá sản, giải thể, hoặc sát nhập. Việc phân tích rủi ro đối với các doanh nghiệp là cần thiết vì thông qua việc phân tích có thể có các biện pháp dự phòng tài chính để đối phó với các tổn thất có thể xảy ra do ảnh hưởng của các nguyên nhân khách quan , chủ quan. Tuy nhiên việc phân tích rủi ro trong sản xuất kinh doanh hiện nay vẫn chưa thực sự được quan tâm chú ý.
Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do Tổng công ty chưa có bộ phận chuyên trách làm công tác phân tích nghiên cứu dự báo tài chính. Hơn nữa bản thân cán bộ lãnh đạo của doanh nghiệp cũng chưa ý thức được vai trò quan trọng của công tác này đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với một số đơn vị thành viên không phải giám đốc nào cũng có thể hiểu hết được các chỉ tiêu trong báo cáo tài chính. Việc nâng cao trình độ nhận thức và trình độ chuyên môn cho cán bộ các doanh nghiệp quyết định chất lượng của công tác phân tích tình hình tài chính Tổng công ty.
Với sự bùng nổ và phát triển của thị trường xây dựng, CIENCO 1 có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước. Hiện nay Tổng công ty được đánh giá có năng lực đấu thầu khá so với các đối thủ cạnh tranh và có uy tín đối với các chủ đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên với đặc thù của ngành Tổng công ty cũng có những khó khăn chung về vốn, thiết bị và con người.
Để đứng vững trong cơ chế thị trường hiện nay hoạt động tài chính có vai trò không nhỏ. Việc thường xuyên phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp giúp các nhà quản lý điều hành công việc kịp thời và có hiệu quả. Hiện nay chất lượng phân tích tình hình tài chính chưa được như mong đợi. Cho nên hoàn thiện công tác phân tích tình hình tài chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp là rất cần thiết.