* Nhà nước và chính trị
Trước nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành xây dựng giao thông ở Việt Nam mà số lượng các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia lĩnh vực này ngày một đông đảo, cuộc cạnh tranh trên thị trường ngày càng quyết liệt hơn. Nhằm đưa hoạt động xây dựng vào khuôn khổ Nhà nước ta đã đang và sẽ ban hành cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh .
Trong khoảng gần 10 năm trở lại đây do tính phức tạp trong việc quản lý mà các văn bản pháp luật liên tục được ban hành và thay đổi liên tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngàn. Hệ thống văn bản quản lý đầu tư xây dựng cơ bản thay đổi nhiều lần từ Nghị định 42/CP đến Nghị định 52/CP, sửa đổi số 12/CP, 07/CP và được nâng lên thành Luật Xây dựng, còn Quy chế đấu thầu bắt đầu từ Nghị định 43/CP đến Nghị định 88/CP, sửa đổi 14/CP, 66/CP và hiện nay Quốc hội đang thảo luận để ban hành Luật Đấu thầu trong năm 2006. Ngoài ra còn có hệ thống các Quyết định, thông tư hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn trong việc lập dự toán, quy trình xây dựng...
Việc thường xuyên thay đổi chính sách đã gây không ít khó khăn không chỉ cho các chủ đầu tư mà còn ảnh hưởng rất lớn đển năng lực đấu thầu và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn định mức xây dựng cơ bản 24/2005 do Bộ Xây dựng mới ban hành ngày 29/7/2005 thay thế cho định mức 1242/1998 trước đây có nhiều bất cập khi áp dụng. Đơn cử việc quy định định mức thi công đào nền đường mở rộng bằng 1,15 và 1,05 định mức nhân công và máy của định mức đào nền đường mới là chưa hợp lý bởi tác nghiệp của nhà thầu bị ảnh hưởng do có lưu lượng xe qua lại làm năng suất giảm hơn so với việc mở đường mới. Do vậy khi đấu thầu có công việc như vậy đơn giá sẽ thấp nhưng lại phải đảm bảo chất lượng thi công, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao.
Phải thừa nhận một thực tế là Nhà nước ta thông qua các quy định trong các văn bản cụ thể đã thể hiện sự ưu đãi, bảo hộ đối với các doanh nghiệp nhà nước khi tham gia đấu thầu quốc tế. Điều đó tác động trực tiếp đến năng lực đấu thấu của các doanh nghiệp trong đó có Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1. Mặt khác các thủ tục hành chính phức tạp và sự chậm chễ trong giải ngân vốn dự án, sự phân quyền rắc rối , khó hiểu giữa cơ quan ra quyết định đầu tư và cơ quan thực hiện đầu tư là kẽ hở tạo điều kiện cho việc thất thoát xây dựng cơ bản và gây khó khăn về thanh quyết toán vốn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xây dựng luôn ở thế bị động về vốn khi thi công công trình do phụ thuộc vào chủ đầu tư . Nguyên nhân chủ quan do sự quan liêu tham nhũng cửa quyền của một số cán bộ công chức,
nguyên nhân khách quan bởi vì các công trình giao thông thường có giá trị lớn, thời gian thi công dài, trong khi đó kinh phí cho dự án thường hạn hẹp , nhỏ giọt . Do vậy việc thiếu vốn ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sản xuất của Tổng công ty.
Đứng trước những tồn tại bức xúc như vậy đòi hỏi Nhà nước và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý đầu tư, chính sách đấu thầu cho phù hợp thực tế, đồng thời có phương án huy động vốn khả thi cho mỗi dự án đầu tư tránh để thiệt thòi cho các doanh nghiệp xây dựng.
* Những đối thủ cạnh tranh
Nắm bắt tìm hiểu kỹ về đối thủ cạnh tranh có vai trò quan trọng đối với vấn đề thắng thầu của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1. Ngoài nguồn vốn trong nước cho xây dựng hạ tầng, hiện nay nước ta còn nhận được nhiều khoản viện trợ, khoản vay từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu á, Viện trợ phát triển chính thức... Do vậy Việt Nam đã mở cửa cho các nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay trên thị trường xây dựng giao thông , những đối thủ cạnh tranh của CIENCO 1 chia thành 2 nhóm là các doanh nghiệp xây dựng trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài.
Thuộc nhóm đối thủ cạnh tranh trong nước nổi bật là các Tổng công ty xây dựng lớn : CIENCO 4 , CIENCO 5 ,CIENCO 6 , CIENCO 8, Thăng Long, Sông Đà, Trường Sơn, Licogi... các doanh nghiệp này đã và đang tạo ra sức cạnh tranh quyết liệt và phức tạp trên thị trường xây dựng Việt Nam. Mỗi Tổng công ty có lợi thế riêng về địa bàn hoạt động hoặc chuyên sâu về một lĩnh vực riêng. Qua khảo sát thực tế CIENCO 1 vẫn có thế mạnh hơn về năng lực đấu thầu trên các mặt trình độ máy móc thiết bị, tài sản, vốn , nhân lực do vậy sản lượng hàng năm của CIENCO 1 luôn cao hơn các doanh nghiệp nói trên, tuy nhiên CIENCO 1 vẫn chưa có nhân tố nổi bật hơn các đối thủ cạnh tranh khác. Ngoài những Tổng công ty lớn nêu trên còn có các doanh nghiệp độc lập, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương. Các doanh nghiệp này quy mô nhỏ, năng lực đấu thầu yếu, nhưng họ lại có quan hệ
mật thiết với chính quyền các địa phương, khả năng quyết định nhanh chóng, di chuyển cơ động, am hiểu thị trường giá cả khu vực do vậy họ có thể thắng thấu ở nhiều công trình nhỏ mà thị phần của CIENCO 1 còn bỏ ngỏ. Đối với các công trình quy mô lớn các doanh nghiệp này chưa đủ năng lực để tham gia, nhưng không vì thế mà coi thường đối thủ vì họ có thể liên kết với các đối thủ của CIENCO 1 để dự thầu
Thuộc nhóm đối thủ cạnh tranh nước ngoài của CIENCO 1 là hơn 300 nhà thầu nước ngoài đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến năm 2003 đã thực hiện 503 công trình và hạng mục công trình trên lãnh thổ Việt Nam với vai trò là tổng thầu hoặc nhà thầu chính. Các nhà thầu này, đặc biệt là các tập đoàn xây dựng đến từ Nhật Bản có ưu thế về trình độ tổ chức quản lý, năng lực tài chính và đặc biệt có kinh nghiệm và công nghệ hiện đại . Hơn nữa họ còn được sự hậu thuẫn của Chính phủ của họ - những nước tài trợ hoặc cho Việt Nam vay vốn thực hiện dự án.
Từ thực tế trên đòi hỏi CIENCO 1 phải phải xây dựng chiến lược thị trường , chiến lược đầu tư và kinh doanh đúng đắn để đáp ứng được những cạnh tranh sôi động của thị trường. Trong điều kiện như vậy việc liên kết với các nhà thầu trong và ngoài nước trong đấu thầu cũng là một giải pháp tạo sức mạnh tổng hợp.
* Quyền lực của nhà cung cấp
Các nhà cung cấp hiển nhiên có ảnh hưởng lớn đến năng lực đấu thầu của doanh nghiệp bởi chi phí nguyên vật liệu và máy chiếm từ 70-80% giá trị công trình. Đối với CIENCO 1 hai nhà cung cấp quan trọng nhất là tài chính và nguyên vật liệu.
Do đặc thù của hoạt động kinh doanh xây dựng là thời gian kéo dài , giá trị lớn , trong khi đó vốn của Tổng công ty lại phải phân bổ để thực hiện nhiều dự án , vốn chủ sở hữu nhỏ nên để đảm bảo cho sản xuất kinh doanh CIENCO 1 phải tìm nguồn tài trợ từ các ngân hàng. Nhờ năng lực và uy tín của mình mà CIENCO 1 đã có mối quan hệ thường xuyên lâu dài có thể đảm bảo cho vay vốn kịp thời khi cần thiết với nhà tài chính hàng đầu của Việt nam hiện nay như: Ngân hàng Công
Thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng ANZ, CITY bank. Tuy nhiên khi thi công các dự án ở xa Tổng công ty còn gặp khó khăn khi đặt vấn đề cung cấp tín dụng đối với các tổ chức tín dụng ở địa phương bởi khả năng cấp vốn của các tổ chức này không đáp ứng được đòi hỏi của những dự án lớn.
CIENCO 1 đã thiết lập và duy trì mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp vật liệu xây dựng như thép, xi măng, cát, đá, sỏi, nhựa đường ... những vật liệu chủ yếu để xây dựng công trình. Điều này giúp Tổng công ty giảm bớt phần nào áp lực về vốn khi nhu cầu vật liệu tăng cao, luôn được bạn hàng cung cấp vật liệu tốt đảm bảo thi công công trình đạt chất lượng.
Để chủ động cung ứng vật liệu và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, CIENCO 1 đã thành lập các xí nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu như mỏ đá Yên Cư, Xí nghiệp đá Quốc lộ 1A, đồng thời thành lập các trạm trộn bê tông nhựa tại nhiều địa phương ...Những đơn vị này giữ vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vật liệu cho các dự án lớn góp phần giảm giá thành tạo thêm sức cạnh tranh cho Tổng công ty.
Do ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong nước và thế giới mà thời gian qua giá nguyên vật liệu không ngừng tăng cao, do vậy khi lập giá dự thầu CIENCO 1 cần tính toán kỹ lưỡng để tránh rủi ro khi đấu thầu. Việc giữ ổn định giá cả có vai trò quan trọng từ hoạt động điều tiết vĩ mô của Nhà nước.
* Quyền lực của chủ đầu tư
Chủ đầu tư của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 chính là các khách hàng của đơn vị bao gồm chủ đầu tư trong nước và ngoài nước. Họ có tác động rất lớn đến năng lực đấu thầu của Tổng công ty.
Chủ đầu tư trong nước chính là các cơ quan quản lý do nhà nước giao quyền hạn nhất định trong lĩnh vực thực hiện đầu tư. Trong những năm qua , nhờ việc hoàn thành suất sắc những công trình trọng điểm của nhà nước như Quộc Lộ 5, Quốc lộ 1A, Đường ôtô Bắc Thăng Long - Nội Bài, Cảng Cái Lân, Sân bay Quốc
tế Nội Bài... mà CIENCO 1 đã tạo được uy tín , gây được thiện cảm của Nhà nước và các ban quản lý.
Chủ đầu tư nước ngoài được xem là những khách hàng “khó tính” bởi họ có kinh nghiệm tham gia quản lý dự án quốc tế, yêu cầu gắt gao về chất lượng, tiến độ , biện pháp thi công, tài chính ... nhưng giá cả phải thấp nhất. Các dự án mà CIENCO 1 tham gia với chủ đầu tư nước ngoài không những đều đáp ứng tốt các đòi hỏi của chủ chủ đầu tư mà còn đề xuất và thực hiện thành công nhiều sáng kiến trong thi công như dùng công nghệ bấc thấm xử lý nền đất yếu, công nghệ đúc hãng trong thi công cầu... Những sáng kiến đó góp phần giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thi công nên đã tạo sự tín nhiệm lớn đối với các nhà đầu tư
nước ngoài, tạo ưu thế nổi bật so với các doanh nghiệp cạnh tranh.