Yếu tố môi trường

Một phần của tài liệu Mô tả một số yếu tố liên quan tới hành vi quan hệ tình dục khôngan toàn của nhóm nam bán dâm đồng giới tại Hà Nội năm 2009-2010 (Trang 27 - 29)

- Sự kì thị của gia đình và xã hội

Mặc dù đã có nhận thức về tầm quan trọng của nhóm đồng giới nam trong việc phát triển dịch HIV/AIDS, nhưng nhận thức về nguy cơ của nhóm mại dâm bị hạn chế bởi sự kỳ thị ở mức độ cao đối với cả hai loại hành vi là quan hệ đồng tính và mại dâm. Một nghiên cứu được thực hiện qua những cuộc phỏng vấn với 18 mại dâm nam tuổi từ 17 đến 40 cho thấy nghề mại dâm nam vẫn bị định kiến rất nhiều ở Hồng Kông, xã hội cho rằng đó là một nghề thiếu văn hóa, những NBDĐG bị cho là những nạn nhân hay những công cụ tình dục thiếu tri thức và kỹ năng [15].

Một nghiên cứu mới được tiến hành năm 2009 do Trung tâm phòng chống STDs/HIV/AIDS (SHAPC) tiến hành về đề tài: “Tình dục đồng giới nam tại Việt Nam, sự kỳ thị và hệ quả xã hội” tại 6 thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Nghiên cứu này đề cập đến những áp lực từ phía gia đình, cộng đồng và dư luận xã hội lên người đồng tính khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống ngay cả ở giai đoạn học sinh, đi làm và không được sự hậu thuẫn của gia đình. Nghiên cứu này cho rằng: “Sự kỳ thị của gia đình và cộng đồng đối với người đồng tính nam đã làm cho cuộc sống của người đồng tính nam, đặc biệt là “bóng lộ” gặp khó khăn về nhiều mặt, hoặc gây ra những hệ quả xấu không chỉ cho người đồng tính nam mà còn cho xã hội. Một thực tế cần phải nhìn nhận đó là nhiều người đồng tính nam, khi bỏ nhà ra đi họ không có việc làm ổn định, họ kiếm sống bằng những nghề lao động tự do hoặc phải sống bằng những nghề mà xã hội không mong muốn như lô đề, cờ bạc, trộm cắp… Họ dễ bị đẩy vào hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc phải li thân, li hôn với vợ do bị gia đình ép lập gia đình; do bị kỳ thị họ cũng khó khăn tìm kiếm được bạn tình và dễ bị bạo lực tình dục” [3].

- Khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khởe

Tại quận Mombasa-trung tâm kinh tế và du lịch của Kenya NBDĐG phải đối mặt với định kiến từ xã hội và xa lánh từ gia đình, họ bị cấm chia sẻ đời sống tình dục và cấm tìm đến các dịch vụ sức khỏe, nhu cầu phòng tránh HIV cho những người này phần lớn bị bỏ qua nên nạn dịch HIV càng trở nên tồi tệ hơn.

Ở Việt Nam, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của nhóm NBDĐG vẫn chưa được quan tâm nhiều, một số nghiên cứu trong nhóm NQHTDĐG đã cho thấy hạn chế của nhóm này trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Tỷ lệ đã từng làm xét nghiệm HIV của NQHTDĐG tại Hà Nội (20%) cũng như tỷ lệ những người đã nhiễm HIV có biết về tình trạng nhiễm HIV của họ (10%) thấp nhất trong các nhóm đối tượng có nguy cơ. Trong nhóm NQHTDĐG, tỷ lệ đã từng làm xét nghiệm HIV của nhóm tự nhận chỉ bán dâm là 12%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ

trung bình (20%). Ngoài ra chỉ có khoảng 40% nam giới có QHTDĐG đã từng nhận được BCS. Trong đó, tỷ lệ của nhóm bán dâm là thấp nhất (22%) [5].

1.4.3.Hoàn cảnh cụ thể mỗi lần mua bán dâm

Hình thức quan hệ cũng như việc sử dụng BCS khi QHTD phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi lần mua bán dâm. Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, ba yếu tố thường được đề cập đến là địa điểm bán dâm, việc sử dụng chất kích thích/ma túy trước khi quan hệ và các yếu tố liên quan đến khách hàng [16]. Trong đó, khách hàng thường là yếu tố quan trọng, quyết định hình thức quan hệ, cũng như việc sử dụng BCS khi quan hệ. Khoảng 2/3 số khách hàng thường yêu cầu hình thức quan hệ mà họ muốn trong quá trình mua dâm. Một nghiên cứu sâu về những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tình dục trong QHTD nam – nam đã được tiến hành năm 2007 tại Trung Quốc cho thấy, thực hành tình dục trong nhóm này bị chi phối rất lớn bởi mạng lưới xã hội mà họ có quan hệ, sự yêu cầu của khách hàng trong lần quan hệ tình dục đó [12].

Các kết quả nghiên cứu sơ bộ nói trên cho thấy tầm quan trọng của nhóm NBDĐG trong dịch HIV/AIDS cũng như tầm quan trọng của việc nghiên cứu đầy đủ hơn trong nhóm này. Những khác biệt về đặc điểm kinh tế xã hội, về quá trình tiếp cận và phát triển của tình dục đồng tính nam, về môi trường văn hóa và chính trị ảnh hưởng đến sự “chấp nhận” quan hệ tình dục đồng giới đều có ảnh hưởng đáng kể đến sự khác biệt trong đặc điểm nhân khẩu và xã hội cũng như trong nguy cơ lây nhiễm HIV và STIs trên nhóm NBDĐG.

Một phần của tài liệu Mô tả một số yếu tố liên quan tới hành vi quan hệ tình dục khôngan toàn của nhóm nam bán dâm đồng giới tại Hà Nội năm 2009-2010 (Trang 27 - 29)