Nguyên nhân chủ quan

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở việt nam hiện nay (Trang 45 - 49)

Thứ nhất, là do nền kinh tế của nước ta còn kém phát triển, điểm xuất

phát đi lên xây dựng CNXH rất thấp, với đặc điểm cơ bản là một nước nông nghiệp lạc hậu, nền sản xuất công nghiệp còn chưa phát triển cao. Do đó, đại

bộ phận người lao động có thu nhập thấp, đời sống vật chất và tinh thần chưa được bảo đảm. Đặc biệt, ở vùng nông thôn, miền núi, trung du đời sống của người dân còn ở dưới mức nghèo khổ so với mức trung bình của thế giới.

Nền kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân thấp sẽ không tạo ra được điều kiện vật chất để người lao động có thể học tập văn hóa, học nghề và học cao hơn để có thể nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực chất lượng cao ít về số lượng và kém về chất lượng.

Thứ hai, là người lao động Việt Nam vẫn còn mang những đặc điểm

của người sản xuất nhỏ, lối làm ăn manh mún, tản mạn, tự cấp, tự túc. Thêm vào đó, là do áp dụng và duy trì quá lâu nền kinh tế theo cơ chế hành chính tập trung quan liêu bao cấp đã tạo cho người lao động thói ỷ nại, trông chờ, thiếu tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo. Do đó, khi bước sang nền kinh tế thị trường thì tác phong công nghiệp của người lao động còn yếu.

Mặt khác, do hậu quả của cuộc chiến tranh còn để lại rất nặng nề cả về người và của. Hiện nay có tới hàng triệu người trong độ tuổi lao động bị tàn phế, mất sức lao động do nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chính bản thân họ, với xã hội và thế hệ con cháu sau này.

Thứ ba, là sự nghiệp GD - ĐT được coi là quốc sách hàng đầu, là nhân

tố ảnh hưởng trực tiếp nhất cho sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên công tác GD - ĐT của chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể:

+ Đội ngũ giáo viên nhìn chung chất lượng giảng dạy còn yếu: hiện có rất nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo: “từ năm 2000 - 2001 số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo ở bậc học Mầm non còn tới 58%, cấp tiểu học còn 52%, THCS còn 15%” [4, 132]. Vẫn còn hiện tượng giáo viên dạy

không đúng chuyên ngành đào tạo. Đặc biệt đội ngũ giảng viên CĐ, ĐH hiện nay còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Thời gian giảng viên lên lớp qúa nhiều, không có thời gian và sức lực giành cho việc nghiên cứu khoa học và học tập nâng cao trình độ. Do đó, chất lượng giảng dạy của giáo viên còn thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo lao động.

+ Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy còn thiếu thốn và lạc hậu.

+ Nội dung chương trình và phương pháp giáo dục còn chậm đổi mới ở tất cả các cấp học.

Nhìn chung về nội dung và phương pháp giảng dạy vẫn còn nặng về lý thuyết, áp đặt kiến thức một chiều, chưa khuyến khích được tính năng động, sáng tạo của người học, chưa phát huy hết khả năng tư duy và năng lực thực hành, thiếu cập nhật thông tin, xa rời thực tiễn. Do đó, GD - ĐT nhìn chung chưa tiếp cận kịp thời với những tri thức mới, tiên tiến, hiện đại trong khu vực và trên thế giới. Đó là lý do nguồn nhân lực nước ta vẫn còn yếu về chất lượng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đánh giá của ngân hàng thế giới (WB) nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (xếp thứ 11/12 nước Châu á tham gia xếp hạng của WB, năm 2010).

Công tác quản lý GD - ĐT chậm đổi mới và còn nhiều bất cập, việc quản lý còn buông lỏng dẫn đến mất cân đối trong cơ cấu đào tạo trình độ và cơ cấu ngành nghề. Đặc biệt giáo dục chưa gắn với nhu cầu sử dụng nên còn nặng về đào tạo ĐH, chưa chú trọng đúng mức đến đào tạo nghề dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề.

Đó là nguyên nhân làm cho sự nghiệp GD - ĐT còn nhiều bất cập dẫn đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nước ta còn thấp.

Thứ tư, là do dân số tăng nhanh, làm cho lực lượng lao động vượt quá so với sự phát triển của nền kinh tế gây nên tình trạng thất nghiệp, khó khăn trong giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động, là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự hạn chế về thể lực và trí lực của nguồn nhân lực nước ta.

Thứ năm, là do việc giải quyết các chính sách xã hội liên quan đến việc

sử dụng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế như chính sách: tiền lương, thu nhập, chăm sóc sức khỏe … đặc biệt là những chính sách lên quan đến việc đào tạo nhân tài, sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, … dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám”, gây lãng phí nhân tài.

Do đó, nguồn nhân lực nước ta có nhiều ưu điểm nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, chúng ta cần phải xây dựng được một hệ thống những giải pháp phù hợp để khắc phục những hạn chế đó, để phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở việt nam hiện nay (Trang 45 - 49)