1. Khái niệm nền văn hóa xã hội chủ nghĩa
a) Khái niệm văn hóa, nền văn hóa
Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra bằng lao động và hoạt động thực tiễn trong quá trình lịch sử của mình. Văn hóa là biểu hiện trình độ phát triển xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định.
Khi nghiên cứu quy luật phát triển của xã hội loài người, chủ nghĩa Mác-Lênin đã khái quát các loại hình hoạt động của xã hội thành hai hoạt động cơ bản là “sản xuất vật chất” và “sản xuất tinh thần”. Với ý nghĩa như vậy, theo nghĩa rộng, văn hóa bao gồm cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần:
Văn hóa vật chất là năng lực sáng tạo của con người được thể hiện và kết tinh trong sản phẩm vật chất.
Theo nghĩa hẹp, văn hoá được hiểu chủ yếu là văn hoá tình thần.
Văn hóa tinh thần là tổng thể các tư tưởng, lý luận và giá trị được sáng tạo ra trong đời sống tinh thần và hoạt động tinh thần của con người.
Như vậy, nói tới văn hoá là nói tới con người, là nói tới việc phát huy những năng lực thuộc bản chất của con người nhằm hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội. Do vậy, văn hoá có mặt trong mọi hoạt động của con người, dù đó là hoạt động trên lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội, hay trong tư tưởng, tinh thần...
Văn hóa trong xã hội có giai cấp bao giờ cũng mang tính giai cấp. Điều kiện sinh hoạt vật chất của mỗi xã hội và của mỗi giai cấp khác nhau, đặc biệt là của giai cấp thống trị là yếu tố quyết định hình thành các nền văn hóa khác nhau.
Nền văn hóa là biểu hiện cho toàn bộ nội dung, tính chất của văn hóa được hình thành và phát triển trên cơ sở kinh tế - chính trị của mỗi thời kỳ lịch sử, trong đó ý thức hệ của giai cấp thống trị chi phối phương hướng phát triển và quyết định hệ thống các chính sách, pháp luật quản lý các hoạt động văn hóa.
Kinh tế là cơ sở của nền văn hóa còn chính trị là yếu tố quy dịnh khuynh hướng phát triển của nó, tạo nên ý thức hệ của nền văn hóa. Chính vì vậy, một nền chính trị lạc hậu tất yếu sẽ không tạo ra một nền văn hoá tiến bộ. Do đó, nền văn hoá của bất cứ thời kỳ nào của lịch sử cũng đồng thời có sự kế thừa, sử dụng những di sản của quá khứ và sáng tạo ra những giá trị văn hoá mới.
Trong xã hội có giai cấp và quan hệ giai cấp, các giai cấp thống trị của mỗi thời kỳ lịch sử đều in dấu ấn của mình trong lịch sử phát triển của văn hoá và tạo ra nền văn hoá của xã hội đó, tạo ra những giai đoạn khác nhau trong lịch sử phát triển văn hoá.
b) Khái niệm nền văn hóa xã hội chủ nghĩa
Sự ra đời của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là một tất yếu trong quá trình phát triển của lịch sử, là sự phát triển tự nhiên, hợp quy luật khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã lỗi thời và phương thức sản xuất mới xã hội chủ nghĩa hình thành.
Chủ nghĩa xã hội được xác lập với hai tiền đề quan trọng là tiền đề chính trị (giai cấp công nhân và nhân dân lao động dành được chính quyền) và tiền đề kinh tế (chế độ sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất chủ yếu được thiết lập), đó cũng chính là những tiền đề hình thành nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Vậy, nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là gì? Nền văn hóa xã hội củ nghĩa là nền văn hoá được xây dựng và phát triển tren nền tảng hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhằm thỏa mãn nhu cầu không ngừng tăng lên về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đưa nhân dân lao động thực sự trở thành chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.
c) Đặc trưng của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Nền văn hoá xã hội chủ nghĩa có những đặc trưng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, chủ nghĩa Mác Lênin giữ vai trò chủ đạo và là nền tảng tư tưởng, quyết định phương hướng phát triển nội dung của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa .
Thứ hai, là nền văn hóa có tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc thể hiện mục đích và động lực nội tại của quá trình xây dựng xã hội mới và nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, là nền văn hóa được hình thành, phát triển một cách tự giác, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua chính Đảng Cộng sản, có sự quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Nền văn hoá xã hội chủ nghĩa không hình thành một cách tự phát. Trái lại, nó phải được hình thành và phát triển một cách tự giác, có sự quản lý của nhà nước và có sự lãnh đạo của chính đảng của giai cấp công nhân. Mọi sự coi nhẹ hoặc phủ nhân vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và vai trò quản lý của nhà nước đối với tinh thần của xã hội, đối với nền văn hoá xã hội chủ nghĩa đều nhất định sẽ làm cho đời sống văn hoá tinh thần của xã hội phát triển lệch lạc, mất phương hướng.
2. Tính tất yếu của việc xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa
Cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng triệt để toàn diện do đó đòi hỏi phải thay đổi phương thức sản xuất tinh thần để phù hợp với phương thức sản xuất mới của chủ nghĩa xã hội.
Xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là tất yếu trong quá trình cải tạo tâm lý, ý thức và đời sống tinh thần của chế độ cũ để lại nhằm giải phóng nhân dân thoát khỏi ảnh hưởng tư tưởng, ý thức lạc hậu của xã hội cũ, đưa quần chúng nhân dân trở thành chủ thể sản xuất và tiêu dùng, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần.
Xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là tất yếu trong quá trình nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân, khắc phục tình trạng thiếu hụt văn hóa, tạo điều kiện để chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, nâng cao trình độ và nhu cầu văn hóa của nhân dân.
Xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là tất yếu xuất phát từ yêu cầu khách quan: văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
3. Nội dung và phương thức xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa
a) Nội dung cơ bản của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa
Một là, nâng cao trình độ dân trí, hình thành đội ngũ trí thức của xã hội mới. Chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của quần chúng nhưng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người mới xã hội chủ nghĩa do vậy con người cần phải được chuẩn bị tốt về tinh thần, trí lực, tư tưởng...do đó nâng cao dân trí là nhu cầu cấp bách và lâu dài. Nâng cao dân trí phải gắn liền với sự nghiệp giáo dục đào tạo, bồi dưỡng để hình thành đội ngũ trí thức mới, có tri thức hiện đại, mang bản sắc văn hóa dân tộc.
Hai là, xây dựng con người mới phát triển toàn diện. Con người là sản phẩm của xã hội và tạo nên xã hội. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải xây dựng con người mới, đó là yêu cầu khách quan. Con người mới xã hội chủ nghĩa được xây dựng là con người phát triển toàn diện, có tinh thần và năng lực xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, có tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế trong sáng, có lối sống tình nghĩa và có tính cộng đồng cao.
Ba là, xây dựng lối sống mới xã hội chủ nghĩa. Lối sống là dấu hiệu biểu thị sự khác biệt giữa những cộng đồng người khác nhau; là tổng thể các hình thái hoạt động của con người, phản ánh điều kiện vật chất, tinh thần và xã hội của con người.Lối sống mới xã hội chủ nghĩa được hình thành trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng xã hội, mở rộng dân chủ.
Bốn là xây dựng gia đình văn hóa xã hội chủ nghĩa. Gia đình là một hình thức cộng động đặc biệt, ở đó con người chung sống với nhau bởi hai mối quan hệ cơ bản là quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống.
Gia đình là một hình thức tổ chức cơ bản trong đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa-xã hội đặc thù được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục giữa các thành viên.
Xã hội loài người đã trải qua các hình thức: gia đình huyết tộc, gia đình đối ngẫu, gia đình một vợ, một chồng. Bởi vậy, xây dựng gia đình văn hóa mới xã hội chủ nghĩa cần chú ý các vấn đề sau:
- Xây dựng cơ sở kinh tế xã hội của gia đình.
- Cách mạng tư tưởng văn hóa có tác động trực tiếp đến việc xây dựng gia đình văn hóa mới xã hội chủ nghĩa .
- Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong thời kỳ quá độ, các yếu tố cũ và mới của gia đình tồn tại đan xen vào nhau nên gia đình chịu nhiều yếu tố chi phối từ tâm tư, tình cảm, tâm lý của nhiều giai cấp khác nhau trong xã hội vì vậy gia đình cũng có vai trò không giống nhau đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Gia đình văn hóa mới xã hội chủ nghĩa được xây dựng phát triển trên cơ sở giữ gìn phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ tàn tích của ché độ hôn nhân và gia đình phong kiến, đồng thời tiếp thu những giá trị tiến bộ của nhân loại về gia đình.
- Trong xây dựng gia đình văn hóa mới xã hội chủ nghĩa phải chú trọng cả viẹc xây dựng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với xã hội. Tạo quan hệ yêu thương, gắn bó, bình đẳng, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau.
b) Phương thức xây dựng nền văn hoá xã hội chủ nghĩa
Thứ nhất, giữ vững và tăng cường vai trò chủ đạo của hệ tư tưởng giai cấp công nhân trong đời sống tinh thần của xã hội.
Thứ hai, không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của nhà nước Xã hội chủ nghĩa đối với hoạt động văn hóa.
Thứ ba, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa phải theo phương thức kết hợp việc kế thừa những giá trị trong di sản văn hóa dân tộc với tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn hóa nhân loại.
Thứ tư, tổ chức và lôi cuốn quần chúng nhân dân vào các hoạt động sáng tạo văn hóa.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân lao động chính là chủ thể sáng tạo và cũng là những người hưởng thụ những thành tựu của văn hoá. Chính vì vậy, để phát huy hết tính sáng tạo của quần chúng nhân dân Đảng và Nhà nước cần phải tổ chức thực hiện nhiều phong trào nhằm lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hoá.