a) Quan niệm về dân chủ và nền dân chủ
Dân chủ và thực hiện dân chủ là nhu cầu khách quan của con người. Ngay trong công xã thị tộc (thời nguyên thủy), thủ lĩnh đứng đầu bộ tộc được người dân của bộ tộc bầu ra hoặc phế bỏ. Điều này cho thấy quyền dân chủ ra đời từ rất sớm.
Đến thời Hy Lạp cổ đại, khi mà nhà nước dân chủ chủ nô Aten ra đời (khoảng thế kỷ VI trước công nguyên) thì khái niệm dân chủ được hiểu là: việc cử ra hay phế bỏ người đứng đầu là do “quyền và sức mạnh của nhân dân”. Chỉ đến giai đoạn này thì danh từ dân chủ mới chính thức được sử dụng.
Dân chủ theo tiếng Hy Lạp cổ là từ ghép của hai chữ: Demos (nhân dân, quần chúng) + Kratos (sức mạnh, quyền lực) = quyền lực, sức mạnh thuộc về nhân dân.
Như vậy, về thực chất ngay từ thế kỷ VI (tr.CN) với hình thức nhà nước đầu tiên trong lịch sử, giai cấp đứng ở vị trí trung tâm lãnh đạo xã hội, áp bức bóc lột – giai cấp chủ nô đã dùng pháp luật và bộ máy thống trị của mình để chiếm mất quyền lực đông đảo của quần chúng nhân dân lao động là những người nô lệ.
Nhân loại suốt 2600 năm qua đã trải qua “4 chuyên”: chuyên chính chủ nô; chuyên chế phong kiến; chuyên chính tư sản; chuyên chính vô sản. Thực chất của chuyên chính hay chuyên chế đều là một thứ chính trị của một giai cấp nào đó lãnh đạo xã hội. Giai cấp chuyên chính chỉ bị phế truất khi có các cuộc cách mạng xã hội.
Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, nhân dân lao động giành được chính quyền, làm chủ tư liệu sản xuất chủ yếu. Nhà nước xã hội chủ nghĩa do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua chính đảng của nó trở thành nhà nước đầu tiên thực hiện quyền lực của nhân dân.
Kế thừa những những quan niệm của C.Mác, Ph.Ăngghen và từ thực tiễn phát triển của xã hội đương thời, V.I.Lênin đưa ra quan niệm về dân chủ như sau:
Thứ nhất, dân chủ là sản phẩm tiến hóa của lịch sử, dân chủ là một nhu cầu khách quan của nhân dân lao động, dân chủ là quyền lực của nhân dân.
Thứ hai, dân chủ với tư cách là một phạm trù lịch sử, phạm trù chính trị gắn với một kiểu nhà nước và một giai cấp cầm quyền do đó không có dân chủ “phi giai cấp, dân chủ chung chung”.
Trong xã hội có giai cấp, việc thực hiện dân chủ cho những tập đoàn người này là đã hạn chế dân chủ của tập đoàn người khác. Mỗi chế độ dân chủ gắn liền với nhà nước đều mang bản chất của giai cấp thống trị. Điều này là tất yếu cho mọi chế độ dân chủ, kể cả chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, dân chủ còn được hiểu với tư cách là một hệ giá trị phản ánh trình độ phát triển cá nhân và cộng đồng xã hội trong quá trình giải phóng xã hội, chống áp bức, bóc lột và nô dịch để tiến tới tự do, bình đẳng.
Như vậy, trải qua các chế độ xã hội khác nhau vớib “4 chuyên” khác nhau: chuyên chính chủ nô; chuyên chế phong kiến; chuyên chính tư sản; chuyên chính vô sản. Tương ứng với “4 chuyên” là bốn chế độ dân chủ với mức độ phát triển khác nhau như: dân chủ chủ nô, dân chủ phong kiến (quân chủ), dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa .
Trong xã hội có giai cấp và nhà nước, quyền lực của nhân dân được thể chế hóa bằng chế độ nhà nước, pháp luật và cũng từ khi xã hội có giai cấp, dân chủ được thực hiện dưới hình thức mới - hình thức nhà nước với tên gọi là “chính thể dân chủ” hay “nền dân chủ”.
Nền dân chủ hay chế độ dân chủ là hình thái dân chủ gắn với bản chất, tính chất của nhà nước, là trạng thái được xác định trong những điều kiện lịch sử cụ thể của xã hội có giai cấp, nền dân chủ do giai cấp thống trị đặt ra được thể chế hóa bằng pháp luật.
b) Những đặc trưng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Sự hình thành và phát triển của dân chủ xã hội chủ nghĩa đánh dấu bước phát triển mới về chất của dân chủ. Lần đầu tiên trong lịch sử, chế độ dân chủ cho tuyệt đại đa số nhân dân được hình thành.
Sự hình thành nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là quá trình lâu dài. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, được hình thành phát triển dần dần, từng bước phù hợp với quá trình phát triển của kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, dân chủ xã hội chủ nghĩa có các đặc trưng sau:
Một là, dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa có bản chất của giai cấp công nhân, vừa có tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc.
Hai là, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa có cơ sở kinh tế là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu của toàn xã hội.
Ba là, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích của toàn xã hội. Tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và mọi công dân đều được tham gia vào công việc nhà nước, đều được bầu cử, ứng cử và đề cử vào các cơ quan nhà nước các cấp.
Bốn là, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa cần có và phải có những điều kiện tồn tại với tư cách là nền dân chủ rộng rãi nhất nhưng vẫn là nền dân chủ có tính giai cấp trong đó chuyên chính và dân chủ là hai mặt, hai yếu tố quy định lẫn nhau, bổ sung cho nhau.
c) Tính tất yếu của việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là quá trình tất yếu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Dân chủ là động lực của quá trình phát triển xã hội, của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội do đó dân chủ phải được mở rộng để phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân, để nhân dân tham gia vào công việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là quy luật của sự hình thành tự hoàn thiện của hệ thống chuyên chính vô sản, hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng là quá trình vận động và thực hành dân chủ, đưa các giá trị, chuẩn mực, nguyên tắc của dân chủ vào đời sống thực tiễn nhằm chuyển giao quyền lực thực sự về cho nhân dân, huy động sức mạnh toàn dân vào việc sáng tạo ra xã hội mới.
Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là đáp ứng nhu cầu của nhân dân, là điều kiện, tiền đ ề thực hiện quyền lực, quyền làm chủ của nhân dân, là điều kiện để người dân đựoc sống trong bầu không khí thực sự dân chủ.
Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng chính là quá trình thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, chống biểu hiện cực đoan, vô chính phủ, ngăn ngừa mọi hành vi coi thường kỷ cương, pháp luật.
Tóm lại, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là một quá trình tất yéu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, của quá trình vận động biến dân chủ từ khả năng trở thành hiện thực, để nền dân chủ “ngày càng tiến tới cơ sở hiện thực, tới con người hiện thực... và được xác định là sự nghiệp của bản thân nhân dân.
2. Xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa
a) Khái niệm nhà nước xã hội chủ nghĩa
Chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng: Nhà nước là công cụ chuyên chính của một giai cấp, nó ra đời không phải để điều hoà mâu thuẫn giai cấp mà do mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa là tổ chức mà thông qua đó, Đảng của giai cấp công nhân thực hiện vai trò lãnh đạo của mình đối với toàn xã hội; là một tổ chức chính trị thuộc kiến trúc thượng tầng dựa trên cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội; đó là nhà nước kiểu mới, thay thế cho nhà nước tư sản, nhờ kết quả của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; là hình thức chuyên chính vô sản được thực hiện trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa là tổ chức cơ bản nhất của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, là cơ quan quyền lực, vừa là bộ máy hành chính, vừa là tổ chức quản lý kinh tế, văn hóa xã hội của nhân dân, được thực hiện thông qua hai chức năng chủ yếu là chức năng thống trị giai cấp và chức năng xã hội.
b) Đặc trưng, chức năng và nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa
Đặc trưng của nhà nước xã hội chủ nghĩa .
Bất kỳ nhà nước nào cũng có những đặc trưng cơ bản là: Quản lý dân cư trên một vùng lãnh thổ nhất định; có một hệ thống các cơ quan quyền lực chuyên nghiệp mạng tính cưỡng chế đối với mọi thành viên trong xã hội; hình thành hệ thống thuế khóa để nuôi bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, do bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa mang bản chất của giai cấp công nhân nên nhà nước xã hội chủ nghĩa còn có một số đặc trưng sau:
Một là, nhà nước xã hội chủ nghĩa không phải là công cụ đàn áp một giai cấp nào đó mà thực hiện một chính sách giai cấp vì lợi ích của tất cả những người lao động nhưng đồng thời duy trì vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với nhà nước.
Hai là, nhà nước xã hội chủ nghĩa là công cụ của chuyên chính giai cấp nhưng vì lợi ích của tuyệt đại đa số nhân dân, trấn áp những kẻ chống đối phá hoại sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa .
Ba là, nhà nước xã hội chủ nghĩa coi mặt tổ chức xây dựng là đặc trưng cơ bản của nhà nước xã hội chủ nghĩa của chuyên chính vô sản.
Bốn là, nhà nước xã hội chủ nghĩa nằm trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ, đảm bảo cho nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Năm là, nhà nước xã hội chủ nghĩa là kiểu nhà nước đặc biệt, nhà nước không còn nguyên nghĩa mà là “nửa nhà nước”, nhà nước tự tiêu vong khi cơ sở kinh tế xã hội cho sự tồn tại của nhà nước không còn nữa.
Chức năng và nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa
Nhà nước xã hội chủ nghĩa có hai chức năng cơ bản là: bạo lực và tổ chức xây dựng:
Chức năng bạo lực: Chức năng bạo lực tức là nhà nước sử dụng các công cụ như luật pháp và các công cụ bạo lực để đập tan sự phản kháng của kẻ thù chống lại sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, giữ vững an ninh xã hội.Chức năng bạo lực là chức năng truyền thống của nhà nước nhưng đối với nhà nước xã hội chủ nghĩa, chức năng bạo lực không phải là chức năng căn bản và quan trọng nhất.
Chức năng tổ chức xây dựng: Là chức năng cơ bản của nhà nước xã hội chủ nghĩa, đặc trưng cho bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chức năng tổ chức xây dựng chính là việc nhà nước sử
dụng công cụ luật pháp và các công cụ kinh tế, tổ chức để tập hợp lực lượng của xã hội nhằm sáng tạo ra xã hội mới. Thực hiện chức năng đối ngoại nhằm mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau vì sự phát triển và tiến bộ xã hội đối với nhân dân các nước trên thế giới.
Nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa .
Từ hai chức năng trên, nhà nước xã hội chủ nghĩa có những nhiệm vụ chính là: Quản lý kinh tế, xây dựng và phát triển kinh tế; cải thiện không ngừng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quản lý văn hóa - xã hội, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, thực hiện giáo dục đào tạo con người phát triển toàn diện, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
c) Tính tất yếu của việc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa
Nhà nước là công cụ để giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình là xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản do đó giai cấp công nhân tất yếu phải xây dựng nhà nước mình, chỉ có như vậy mới thực hiện được chuyên chính vô sản, trấn áp được các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sự cần thiết phải xác lập chuyên chính vô sản, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa còn xuất phát từ thực tiễn của thời kỳ quá độ. Đó là thời kỳ còn tồn tại các giai cấp bóc lột, nhiều xu hướng chính trị vận động khác nhau trong đó có xu hướng chống chủ nghĩa xã hội do đó cần phải có nhà nước để trấn áp, lôi kéo các lực lượng xã hội vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Để mở rộng dân chủ đối với các tầng lớp nhân dân cũng đỏi hỏi phải củng cố nhà nước vững mạnh và có thiết chế nhà nước phù hợp do đó quá trình xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa là quá trình tất yếu gắn với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.