1.2.3.1. Nghiên cứu về sự phân bố sâu cuốn lá nhỏ
Sâu cuốn lá nhỏ là một trong những loài sâu gây hại chính nhiều vùng trồng lúa trên thế giới, loài (Cnaphalocrocis medinalis Guenee) có phân bố rộng. Bản đồ phân bố được CIE thể hiện năm 1987 sau đó Khan và et al có bổ sung rồi được Barrion hoàn chỉnh (1988) [43].
Ở châu Á, hầu hết các nước đều xuất hiện loài dịch hại này. Điển hình là Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladet, Brunay, Butan...Ở châu Đại Dương sâu cuốn lá nhỏ gây hại ở quần đảo Xamoa, đảo Carolin...Như vậy sâu cuốn lá nhỏ phân bố chủ yếu vùng Nam và Đông Nam Châu Á, thuộc những nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa và cũng là nơi có diện tích trồng lúa lớn nhất thế giới, gần đây sâu cuốn lá nhỏ trở thành dịch hại chính trên cánh đồng lúa ở Chia - Nan (W.C.Lin) [57].
1.2.3.2. Nghiên cứu về phạm vi ký chủ sâu cuốn lá nhỏ
Ký chủ chính của sâu cuốn lá nhỏ là cây lúa, chúng còn gây hại trên lúa mì, cao lương, đại mạch. Ngoài ra chúng còn có trên một số ký chủ phụ như: Cỏ lá tre, cỏ môi, cỏ lồng vực, cỏ gà nước, cỏ bấc...(CABI, 1999) [35].
Theo Barrion và et al. (1991) [33] sâu cuốn lá nhỏ có 19 loài ký chủ khác nhau với phổ ký chủ tương đối rộng. Sâu cuốn lá nhỏ có thể tồn tại khi trên đồng ruộng thiếu ký chủ chính, sự chu chuyển của chúng qua các mùa vụ nhờ các ký chủ phụ là các cây trồng hoặc các cây dại quanh ruộng lúa.
1.2.3.3. Nghiên cứu về thành phần sâu cuốn lá
Ở Châu Á W.H. Ressing, E.A. Heinrichs và et al. (1985) [54] đã xác định 4 loài sâu cuốn lá là Cnaphalocrocis medinalis, Marasmia exigua, Marasmia patnalis
và Marasmia ruralis. Sự khác biệt giữa 4 loài này chủ yếu phân biệt thông qua đặc
điểm vân cánh. Loài (Cnaphalocrocis medinalis) được phân biệt bởi nét đặc trưng là giữa 2 vân ngang màu tro xám có một vân cụt to đậm, loài (Marasmia exigua) có nét đặc trưng trên đôi cánh là vân ngang, giữa trên đôi cánh ngoài hình gấp khúc, còn loài (Marasmia patnalis) thì ở mép trên đôi cánh ngoài có viền nâu đậm tới vân ngoài của cánh, vân ngang giữa gián đoạn không liền nét. Khác với 3 loài trên, loài (Marasmia ruralis) có nét đặc trưng là ở giữa mép trên của đôi cánh ngoài có điểm đen to hình Ovan nằm ngang, mép ngoài của cánh có viền nâu mảnh. Đặc điểm chi tiết về phân loại và các giai đoạn phát dục của (Cnaphalocrocis medinalis) đã được Barrion A.T, J.A Litsinger, E.B Medina, R.M (1991) [33] mô tả rất chi tiết.
1.2.3.4. Nghiên cứu về đặc điểm hình thái sâu cuốn lá
Các pha phát dục của sâu cuốn lá nhỏ đã được Kotama (1969) và Barrion A.T, J.A Litsinger, E.B Medina, R.M (1991) [33] nghiên cứu rất chi tiết.
- Trứng được đẻ thành từng quả rải rác hoặc thành cụm từ 3 - 8 trứng ở mặt dưới lá lúa, trong 24 giờ trứng thành thục dài 0,93 mm màu vàng sáng, hình ovan, mặt bụng phẳng, mặt trên gồ lên ở đoạn giữa.
- Sâu non mới nở có màu trắng sữa, đầu nâu đậm hoặc đen sau chuyển sang màu trắng xám hoặc vàng sáng, trên cơ thể có nhiều lông ngắn. Tuổi 1 cơ thể nhỏ có chiều dài 2 mm, rộng 0,2 mm; tuổi 2 dài 4,4 mm, rộng 0,68 mm; tuổi 3 dài 7 mm, rộng 1,2 mm; tuổi 4 cơ thể mập mạp dài 9 - 10 mm, rộng 0,68 mm; tuổi 5 đầu nâu sáng, cơ thể được bao phủ bởi các lông cứng màu nâu nhạt, sâu đẫy sức dài 16 mm, rộng 1,8 mm, cuối tuổi 5 sâu non nhả tơ tạo kén trong tổ cũ, cơ thể chuyển màu vàng nhạt, nằm im từ 24 - 48 giờ, giai đoạn tiền nhộng chuyển sang màu nâu sáng.
- Nhộng nằm ở trong tổ cuốn, màu sắc chuyển từ nâu sáng thành nâu đỏ, nhộng có chiều dài 9 - 12 mm, rộng 1,6 - 3 mm, nhộng có các rãnh sinh dục rõ ở đốt bụng thứ 8, con đực là ở đốt bụng thứ 9.
- Trưởng thành có màu nâu vàng, vân mép cánh rộng màu nâu đậm, có 3 vân ngang hình lượn sóng ở cánh trước, vân trong và vân ngoài là vân liền, vân giữa là vân cụt, sải cánh dài 17 - 20 mm, con đực có túm lông màu nâu nhạt hoặc trắng xám sắp xếp trên mạch C của cánh trước.
1.2.3.5. Nghiên cứu về đặc điểm sinh vật học và sinh thái học của sâu cuốn lá nhỏ
Theo Pathak M.D, Z.R. Khan (1994) [51] sâu cuốn lá nhỏ là loài biến thái hoàn toàn, vòng đời sâu cuốn lá nhỏ từ 33 - 34 ngày. Theo Dale (1994) [39] vòng đời sâu cuốn lá nhỏ khoảng 24 - 39 ngày, trong thời gian phát dục pha trứng 3 - 6 ngày, pha sâu non từ 15 - 30 ngày, nhộng 4 - 8 ngày.
Sâu cuốn lá nhỏ trải qua 5 tuổi, thời gian phát dục sâu cuốn lá nhỏ phụ thuộc vào thời gian sinh trưởng cây lúa và nhiệt độ. Ở nhiệt độ 250C giai đoạn lúa đẻ nhánh thời gian phát dục là 15,5 - 16,5 ngày, nhưng ở giai đoạn làm đòng thời gian phát dục 18,5 - 20,5 ngày. Thời gian phát dục pha nhộng ở nhiệt độ 250C, 270C, 300C tương ứng là 7,6; 5,8 và 5,3 ngày (CABI, 199) [35].
Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ hoạt động về ban đêm. Trứng thường đẻ rải rác hoặc thành từng ổ 10 - 12 quả xếp dọc theo gân chính lá lúa. Lượng trứng đẻ nhiều nhất vào đêm thứ 4 - 7, sau khi trưởng thành vũ hóa, một con cái có thể đẻ 300 quả trứng. Sâu non từ tuổi 2 trở đi cuốn lá làm tổ và nằm trong đó gặm chất xanh của lá
chỉ để lại gân lá, khi đẫy sức sâu làm nhộng ngay trong tổ hoặc xuống bẹ lá phía dưới để hóa nhộng (Pathak M.D, Z.R. Khan, 1994) [51], Reissig W.H và et al. (1986) [53].
Tại Ấn Độ sâu cuốn lá nhỏ phát sinh 5 - 6 lứa trong một năm, tại Korala trong điều kiện nhân nuôi giai đoạn trứng là 4 ngày, sâu non có 5 tuổi, thời gian các tuổi trung bình là 3,0; 5,0; 3,8; 4,0; 5,4 ngày từ tháng 10 đến tháng 3, tổng thời gian phát dục của sâu non trung bình là 24,2 ngày, giai đoạn nhộng dài nhất là 7,4 ngày. Trong điều kiện nhân nuôi thời gian trứng 3 - 4 ngày, sâu non 15 - 17 ngày, nhộng 6 - 7 ngày, trưởng thành sống 2 - 3 ngày, mỗi con trưởng thành đẻ trung bình 100 quả trứng.
Ở Philippine đặc điểm sinh vật học sâu cuốn lá nhỏ được nhiều tác giả nghiên cứu như: Olanes và Sison (1941), Lim (1962), Barrion và et al. (1987, 1991), Mun Y.D (1982) [47]. Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian từ trứng đến trưởng thành là 25 - 52 ngày. Trong đó thời gian trứng 3 - 6 ngày, sâu non 15 - 36 ngày, nhộng 6 - 9 ngày.
Ở Bangladet sâu cuốn lá nhỏ phát sinh mỗi năm 5 - 6 lứa. Vòng đời sâu cuốn lá nhỏ trung bình 40,7 ngày, dao động trong khoảng 34 - 47 ngày. Trong điều kiện nhân nuôi thời gian trứng 5,6 ngày, sâu non 25 ngày, nhộng 6,6 ngày và trưởng thành trước đẻ trứng là 1 - 3 ngày (A Lam M.Z, 1964) [32].
1.2.3.6. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát sinh phát triển và sự gây hại của sâu cuốn lá nhỏ
Theo Dale, (1994) [39], Pathak M.D, Z.R. Khan (1994) [51] ở các nước vùng Á nhiệt đới và Châu Á sâu cuốn lá nhỏ phát sinh quanh năm nhưng phát triển mạnh trong mùa mưa. Các nước có mùa đông lạnh sâu cuốn lá nhỏ phát sinh từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ cũng di chuyển theo mùa từ Trung Quốc đến Nhật Bản và Triều Tiên (Dale, 1994) [39].
Việc sử dụng phân bón không hợp lý đặc biệt phân đạm sẽ tác động lớn đến mật độ sâu cuốn lá nhỏ. Bón phân đạm với liều lượng 30, 60, 90, 120 và 150 kg/ha
cho giống lúa ngắn ngày kết quả là tỷ lệ lá bị hại theo lượng đạm bón (CABI, 1999) [35].
Kết quả nghiên cứu của Jaswant Singh (1984) [42] ô không bón đạm, 30, 60 và bón 150 kg/ha có tỷ lệ lá bị hại tương ứng 10,53%, 11,0%, 15,3% và 16%. Kết quả trên chỉ ra rằng lượng phân đạm có mối quan hệ chặt chẽ với sự gây hại của sâu cuốn lá nhỏ, bón đạm càng cao thì tỷ lệ gây hại càng lớn và ngược lại.
Việc sử dụng nhiều phân bón sẽ làm tăng mật độ sâu cuốn lá nhỏ, đặc biệt phân đạm. Bón phân kali với liều lượng hợp lý làm giảm khả năng gây hại của sâu cuốn lá nhỏ, lượng phân bón liên quan đến khả năng đẻ trứng của trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ. Kết quả nghiên cứu của Liang G.W và et al. (1984) [46] bón đạm ở liều lượng 6, 12, 18 và 24 kg/N số lượng trứng thu được tương ứng là 72, 76, 121 và 161 quả/khóm.
Mật độ cấy ảnh hưởng đến số lượng sâu cuốn lá nhỏ, mật độ cấy dày thường có mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao hơn so mật độ cấy thưa. Theo kết quả nghiên cứu của Thangamuthu và et al. (1982) [56] với nền phân bón 70kg N/ha cấy ở 4 mật độ 10 x 15cm; 15 x 20cm; 20 x 20cm; và 30 x 20cm. Kết quả điều tra sau 55 ngày cấy tỷ lệ lá bị hại ô 10 x 15cm là 36% nhưng ô 15 x 20cm tỷ lệ lá hại chỉ 12%.
Theo Shen C.Y, Z.C. Lu, (1984) [55] các giai đoạn sinh trưởng lúa khác nhau mức độ hại của sâu cuốn lá nhỏ khác nhau. Sản lượng của lúa giảm nhiều nhất nếu sâu cuốn lá nhỏ gây hại vào lúc lúa trỗ, trung bình vào giai đoạn lúa đẻ nhánh và nhẹ nhất ở giai đoạn chín sữa, gieo cấy sớm, tập trung mức hại nhẹ hơn so cấy muộn.
Các giống lúa khác nhau thì mức độ gây hại của sâu cuốn lá nhỏ cũng khác nhau. Theo Majunder và Pathak (1984) [48] có nhận xét giống lúa bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại nặng thường là những giống có bản lá to màu xanh đậm, chiều cao cây và chiều dài lá lớn hơn các giống khác. Tuy nhiên ở vùng Đông Nam Á chưa có giống nào chống chịu sâu cuốn lá nhỏ.
1.2.3.7. Biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ
Ngày nay với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững, biện pháp đấu tranh sinh học trong đó nguyên lý cơ bản là lợi dụng các thiên địch của sâu hại để khống chế, điều chỉnh mật độ chúng dưới ngưỡng gây hại đang là biện pháp đang được khuyến khích để góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, giữ cân bằng sinh thái ngoài tự nhiên.
Việc ứng dụng biện pháp đấu tranh sinh học để xây dựng hệ thống phòng trừ tổng hợp đang gặp phải khó khăn đó là do việc sử dụng thuốc hóa học ngày càng gia tăng do thiếu hiểu biết về sinh thái của người dân. Thuốc hóa học có tác dụng tiêu diệt dịch hại nhanh nhưng làm cho thiên địch bị giảm trên đồng ruộng do nhiễm phải thuốc. Theo nghiên cứu các nhà khoa học thì ong ký sinh dễ mẫm cảm với thuốc trừ sâu, nhất là thuốc có phổ tác động rộng, độ độc cao. Ở Trung Quốc khi điều tra trên ruộng phun thuốc 1 lần/vụ thì tỷ lệ trứng sâu cuốn lá nhỏ bị ký sinh là 3,5%, tỷ lệ ký sinh sâu non 25,6%, tỷ lệ ký sinh nhộng 17%. Trong khi đó ở ruộng phun thuốc nhiều lần thì tỷ lệ ký sinh sâu non là 13% (CABI, 1999) [35].
Theo Barrion A.T, J.A Litsinger (1980) [34] ở Philippine phát hiện có nhiều thiên địch bắt mồi ăn thịt như nhện Lycosa, Oxyopes, Tetragnatha sp. và 6 loài kiến, những loài kiến này 1 giờ có thể tiêu diệt 4 - 10 sâu cuốn lá nhỏ.
Đấu tranh sinh học là một trong giải pháp phòng trừ sâu hại tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế, an toàn môi trường và giữ cân bằng sinh thái. Việc lợi dụng kẻ thù tự nhiên của sâu cuốn lá nhỏ để khống chế mật độ của chúng dưới ngưỡng gây hại là mục tiêu trong công tác bảo vệ thực vật với nhiều giải pháp như: nuôi, lây thả thiên địch, nhập nội, bảo vệ và tăng cường hoạt động của thiên địch bằng cách hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, không sử dụng thuốc có độ độc cao với thiên địch, tạo môi trường thuận lợi cho thiên địch phát triển.
Tại Nhật Bản loài (Trathala flavobitalis) có thể giết chết sâu non từ 34 đến 54% trong giai đoạn từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, tính trung bình suốt vụ tỷ lệ này là 12%. Có 2 loài ong ký sinh là (Itoplectis narganyae) và (Brachymeria
Tại Quảng Đông, Trung Quốc loài ong (Trichogramma Japonicum Aslimead) đã được sử dụng để diệt trứng sâu cuốn lá nhỏ có tác dụng làm giảm tỷ lệ lá bị sâu hại là 92,8% so với đối chứng. Ong (Apanteles cypris) cũng là loài ong ký sinh chuyên tính sâu tuổi nhỏ rất phổ biến tại Trung Quốc. Việc phun lên cây lúa chất Kairomon và chất tiết từ tuyến nước bọt của sâu non đã làm tăng tỷ lệ ký sinh lên tới 15 - 25% (theo Hu và Chen, 1987) [35].
Tại philippine có 83 loài bắt mồi ăn thịt, 55 loài ký sinh và 6 loài nấm tấn công lên tất cả các giai đoạn phát dục của sâu cuốn lá nhỏ, tuy nhiên các loài bắt mồi ăn thịt là quan trọng nhất. Những loài bắt mồi ăn thịt thuộc giống Grylidae gồm
Metioche và Anaxipha ăn trứng và ong Ophionae spp ăn sâu non. Các loài ký sinh
quan trọng gồm Copidosomopsis nacoleiae, Cotesia angustibasis, Cardiochiles
philippinensis và Macrocentrus cnaphalocrocis, trong suốt mùa mưa nếu lượng mưa
vừa phải thì quần thể nấm Zoophthora radicans có thể tiêu diệt toàn bộ quần thể sâu non (Barrion và et al., 1991) [33].
- Biện pháp sử dụng giống
Hiện nay, việc sử dụng giống kháng sâu cuốn lá cũng được các nhà khoa học quan tâm nhiều. Majuner và Pathak (1984) [48] có nhận xét những giống lúa bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại nặng là những giống lúa có bản lá to, xanh đậm, chiều cao cây và chiều dài lá lớn hơn các giống khác.
Theo Pathak M.D, Z.R. Khan (1994) [51] việc bố trí tỷ lệ hợp lý các giống lúa kháng sâu cuốn lá nhỏ là một giải pháp nhằm giảm áp lực sâu cuốn lá nhỏ đồng thời tăng tính đa dạng sinh học trên đồng ruộng hạn chế thiệt hại do loài này gây ra. Đây là một biện pháp chủ động an toàn sinh thái và nên thực hiện trong biện pháp phòng trừ tổng hợp.
Jaswant và Dhaliwai (1983) [35] có nhận xét rằng những giống lúa được gọi là kháng sâu cuốn lá nhỏ chỉ thể hiện tính kháng trong từng điều kiện cụ thể của từng địa phương. Tại Ấn Độ người ta khảo nghiệm 384 giống lúa đối với sâu cuốn lá nhỏ tại 2 địa phương Gurdaspur và Kapurthala. Kết quả nhận được 15 giống kháng
ở Gurdaspur và 2 giống kháng ở Kapurthala, nhưng chỉ có một giống kháng chung cho cả 2 địa phương trên, đó là giống IET. 7776. Điều này chứng tỏ rằng công việc tuyển chọn giống chống chịu với sâu cuốn lá nhỏ đang còn là vấn đề khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
- Biện pháp canh tác
Trong các biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ thì biện pháp canh tác là một biện pháp có ảnh hưởng đến mật độ sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng. Cần chú ý tiêu diệt ký chủ phụ quanh bờ là nơi cư trú của chúng mỗi khi chuyển vụ, là nguồn sâu quan trọng để chuyển sang vụ sau, cỏ bấc là một trong những cây ký chủ chính để sâu cuốn lá nhỏ tồn tại và phát triển. Những ruộng lúa gần mương máng nhiều cỏ bấc thì có mật độ sâu cao hơn nhiều nơi khác.
Phương pháp bón phân cân đối, hợp lý NPK, đặc biệt không nên bón phân đạm quá muộn, quá nhiều (tức là không nên bón đạm khi cây lúa chuyển sang giai đoạn tượng khối sơ khởi), nếu bón muộn sẽ kéo dài thời gian sinh trưởng cây lúa, bộ lá xanh non thu hút trưởng thành đến tập trung và đẻ trứng, yếu tố này rất thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ phát sinh và gây hại.
Mật độ cấy cũng ảnh hưởng lớn đến mật độ sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng, không nên cấy với mật độ quá dày, cấy mật độ vừa phải 22,5 x 20cm có tác dụng hạn chế mật độ sâu cuốn lá nhỏ. Việc bố trí thời vụ gieo cấy cũng ảnh hưởng đến