Thiên địch của sâu hại rất đa dạng và phong phú, chúng có vai trò rất quan trọng không những góp phần điều chỉnh mật độ quần thể sâu hại phát triển dưới ngưỡng gây hại kinh tế ở một điều kiện cụ thể nào đó mà còn giúp con người hạn chế số lần phun thuốc hóa học trên đồng ruộng, giữ cho môi trường trong sạch, sinh thái ổn định.
Qua các công trình nghiên cứu người ta thấy rằng trong 3 nhóm thiên địch của sâu cuốn lá nhỏ là nhóm bắt mồi ăn thịt, nhóm ký sinh và nhóm vi sinh vật gây bệnh thì nhóm ký sinh đặc biệt là nhóm ký sinh chuyên tính có mối quan hệ rất chặt chẽ, có vai trò rất quan trọng trong việc làm giảm mật độ quần thể sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng (CABI, 1999) [35]. W.H.Reissing và et al. (1986) [52] cho biết trên đồng ruộng vùng nhiệt đới các kẻ thù tự nhiên của sâu cuốn lá nhỏ hoạt động rất tích
cực, chúng tấn công sâu cuốn lá nhỏ ở các pha phát dục. Ngoài nhóm thiên địch bắt mồi và ký sinh, nhóm vi sinh vật gây bệnh cho sâu cuốn lá nhỏ bao gồm các loài nấm, vi khuẩn, vi rút...có vai trò không nhỏ trong việc làm tăng chết tự nhiên của sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng, làm giảm mật độ sâu cuốn lá nhỏ cùng với các nhóm thiên địch khác.
Kẻ thù tự nhiên của sâu cuốn lá nhỏ có vai trò giữ cho quần thể sâu cuốn lá nhỏ dưới ngưỡng gây hại mà tại đó không cần sử dụng biện pháp phòng trừ (CABI, 1999) [35]. Tác giả Copel H.C., J.W.Mertins (1977) [37] các loài côn trùng bắt mồi, nhện ăn thịt và côn trùng ký sinh có vai trò quan trọng trong đấu tranh sinh học.
Số lượng côn trùng các loài ký sinh rất phong phú, ở Trung Quốc có tới 30 loài ong ký sinh, trong đó loài có khả năng ký sinh cao nhất là (Apanteles cypris) và
(Elamus sp). Trong năm tỷ lệ ký sinh sâu non do loài (Apanteles cypris) ở lứa 3
chiếm 36,2%, lứa 4 chiếm 21,6% (CABI, 1999) [35]. Chen và Chiu (1983) [38] cho thấy có 25 loài thiên địch của sâu cuốn lá nhỏ, trong đó có 21 loài ong ký sinh, 2 loài nhện ăn thịt và 2 loài nấm gây bệnh.