Công tác khảo sát nhằm cung cấp thông tin về đất nền và nước ngầm phục vụ thiết kế nền móng có thể bắt gặp hai dạng sau:
- Khảo sát Đất nền (Soil Investigation) là thuần túy cung cấp các số liệu về địa chất, đất đá, địa tầng, tính chất cơ lý và nước dưới đất. Đó là công tác khảo sát Địa chất Công trình (ĐCCT – Geological Engineering) mà Việt Nam ta thường tiến hành từ trước đến nay.
- Khảo sát Địa kỹ thuật (Geotechnical Investigation) là ngoài khảo sát để cung cấp thông tin về đất nền như trên còn tiến hành phân tích các giải pháp nền móng dựa trên điều kiện đất nền đó kết hợp với thông tin về kết cấu. Dạng này thường gặp ở các nước phương Tây và ở nước ta sau cải cách mở cửa.
3.2.1.1. Nội dung công việc Khảo sát Địa chất
- Lập phương án khảo sát ĐCCT theo yêu cầu kỹ thuật của Chủ đầu tư (thường do tư vấn thiết kế soạn thảo), trên cơ sở các tiêu chuẩn hiện hành hay được kiến nghị. Phương án cần được Chủ đầu tư chấp thuận (sau khi tham vấn Tư vấn thiết kế của mình).
- Triển khai thi công hiện trường: Khoan, đào, lấy các loại mẫu (đất, đá, nước), thí nghiệm hiện trường, đo nước dưới đất.
- Triển khai thí nghiệm trong phòng trên các mẫu đất, đá, nước theo phương án đã đề ra.
- Tiến hành tổng hợp và lập báo cáo kết quả khảo sát. Báo cáo kết quả có thể trình bày dưới hai dạng:
+ Báo cáo kết quả khảo sát đất nền chỉ thuần túy tổng hợp kết quả khảo sát đất nền, mô tả phân chia địa tầng, tổng hợp tính chất cơ lý các lớp, tổng hợp nước dưới đất kèm theo các phụ lục bản vẽ.
+ Báo cáo Địa kỹ thuật là ngoài phần kết quả khảo sát đất nền nêu trên còn có phần 2 là kết quả phân tích các giải pháp nền móng làm cơ sở để kiến nghị.
3.2.1.2. Công tác Tư vấn Giám sát
- Kiểm tra yêu cầu kỹ thuật, phương án và các tiêu chuẩn kiến nghị áp dụng làm cơ sở để kiểm tra – giám sát.
- Với công tác khoan và lấy mẫu: Kiểm tra thiết bị khoan. Kiểm tra và giám sát độ sâu khoan. Khoảng cách, số lượng, chất lượng và quy cách đóng gói mẫu nguyên dạng theo quy định (trong phương án hoặc tiêu chuẩn). Khoảng cách số lượng và quy cách đóng gói mẫu xáo động.
- Với thí nghiệm hiện trường:
+ Với thí nghiệm SPT: kiểm tra thiết bị theo tiêu chuẩn quy định, đặc biệt khả năng rơi tự do của tạ. Kiểm tra khoảng thí nghiệm và giám sát vét sạch đáy, số tạ đóng cho từng hiệp,… và cuối cùng tổng số lượng thí nghiệm (TCXD 226:1999).
+ Với thí nghiệm xuyên tĩnh: kiểm tra loại máy, năng lực máy, số lượng neo, chất lượng cần và mũi xuyên, độ nhạy và số kiểm định đồng hồ áp lực. Giám sát quá trình xuyên và sau đó kiểm tra độ sâu xuyên và đo ghi kết quả (20TCN 174:89).
+ Với thí nghiệm Cắt cánh: kiểm tra đường kính cánh cắt cần tương ứng với trạng thái đất, độ chính xác đồng hồ áp lực và số kiểm định, giám sát tốc độ quay khoảng thí nghiệm và cuối cùng là số lượng thí nghiệm.
+ Với thí nghiệm Nén tĩnh cọc và Bàn nén tải trọng tĩnh: kiểm tra độ an toàn hệ đối tải, kiểm tra sơ đồ chất tải, kiểm tra chủng loại và độ chính xác của kích, đồng hồ đo đi kèm số kiểm định. Giám sát quá trình quan trắc tăng áp lực và chuyển vị của đồng hồ, đặc biệt là chuyển vị nghiêng cọc.
- Với thí nghiệm trong phòng:
+ Kiểm tra và giám sát công tác thí nghiệm phân loại, đặc biệt là loại rây theo yêu cầu, theo phương án và theo tiêu chuẩn.
+ Thí nghiệm cắt trực tiếp cần kiểm tra số kiểm định và hệ số hiệu chỉnh vòng ứng biến, chất lượng và số lượng mẫu thí nghiệm.
+ Với thí nghiệm nén cố kết: cần đặc biệt kiểm tra lại thiết bị, hộp bão hòa, sơ đồ cấp áp lực, giám sát quá trình chuyển vị theo thời gian và thời gian cố kết theo quy định cho một cấp áp lực.
+ Với thí nghiệm nén nở hông (cho đất và cho lõi đá) cần kiểm tra chất lượng lõi, độ chính xác, số kiểm định của vòng ứng biến và hệ số chuyển đổi, giám sát quá trình nén theo đúng vận tốc quy định.
- Yêu cầu nhà thầu khảo sát xác định tiến độ thi công từng loại hình khảo sát làm cơ sở theo dõi và định kỳ lập báo cáo kết quả và tiến độ công trình lên Chủ đầu tư.
3.2.1.3. Tiêu chuẩn áp dụng
a) Tiêu chuẩn Việt Nam
Các tiêu chuẩn về khảo sát cho các công trình xây dựng dân dụng công nghiệp và giao thông:
+ TCVN 4419:1987, Khảo sát cho xây dựng – Nguyên tắc cơ bản. + 22TCN 259:2000, Quy trình khoan khảo sát địa chất công trình.
+ TCXD 160:1987, Khảo sát địa kỹ thuật phục vụ cho thiết kế và thi công móng cọc.
+ TCXD 194:1997, Nhà cao tầng – Công tác khảo sát địa kỹ thuật. + 20TCN 174:89, Đất xây dựng – Thí nghiệm xuyên tĩnh.
+ TCVN 4195 - 4202, Đất xây dựng, Các phương pháp thí nghiệm trong phòng. + TCXD 226:1999, Đất xây dựng, Phương pháp thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn. + 22TCN 259:2000, Quy trình khoan khảo sát địa chất công trình.
+ 22TCN 260:2000, Quy trình khảo sát địa chất công trình cho công trình biển.
b) Tiêu chuẩn Hoa Kỳ: như ASTM hay AASHTO
+ ASTM D 1587: Drilling and Sampling.
+ ASTM D 1586: Standard Penetration Test (SPT).
+ ASTM D 2573: Field Vane Sheart Test in Cohesive Soil (VST).
+ ASTM D 422 & D 423: Particle Size & Test for Atterberge Limits of Soil. + ASTM D 854: Test for Specific Gravity of Soils.
+ ASTM D 2216: Test for Moisture Content of Soil.
+ ASTM D 2850: Test for Strength of Cohesive Soils in Triaxial Compression. + ASTM D 2435: Test for One-dimensional Compression of Soils.
c) Tiêu chuẩn Anh: BS
+ BS 1377-1975: Methods of Tests for Soils for Civil Engineering Purposes. + BS 5930-1981: British Standard Institution – “Code of Practice for Site Incestigation”.
+ BS 8004-1986: Standard of Code of Practice for Foundation.