4.1.1.1. Đối với các tác động liên quan đến chất thải
a. Biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường không khí
- Khu vực công trường, khu chứa vật liệu xây dựng được che chắn bằng tường tạm (bằng gỗ ván hoặc tôn) nhằm giảm thiểu bụi phát tán ra khu vực xung quanh.
- Tưới nước bề mặt đất ở những khu vực thi công, trên các tuyến đường vận chuyển nguyên liệu vật liệu để giảm bụi.
- Che chắn các khu vực phát sinh nhiều bụi, dùng xe nước tưới lên các đống vật liệu xây dựng để giảm thiểu tối đa sự phát tán bụi vào không khí.
- Không dùng các xe chuyên chở nguyên vật liệu quá cũ và không chở vật liệu rời quá đầy, quá tải, đồng thời xe chở vật liệu phải có bạt che kín, tốt nhất là chở nguyên vật liệu (đất, cát, đá) đã được phun ẩm.
- Quản lý tốt và thường xuyên bảo dưỡng xe chuyên chở nguyên vật liệu ra vào công trường để bảo đảm an toàn, tránh rò rỉ nhiên liệu, nguyên liệu rời hay lỏng khi vận chuyển.
- Không đốt các loại phế liệu (bao bì ni lông, bao xi măng...). Thu gom bỏ vào nơi quy định thuê Công ty VSMT tỉnh Quảng Nam thu gom và vận chuyển đổ đúng nơi quy định.
- Không được vận hành máy đóng cọc vào các giờ nghỉ ngơi.
- Lắp đặt các thiết bị giảm tiếng ồn cho các thiết bị có mức ồn cao như máy phát điện, khí nén, máy cưa đá bằng cách dùng bọc giảm âm.
- Đối với các công trình cao tầng phải che chắn bằng vải hoặc bạt để giảm thiểu bụi phát tán đi xa.
- Công nhân xây dựng cần được trang bị các thiết bị bảo hộ lao động như các thiết bị bảo vệ tai, giới hạn thời gian làm việc tại những khu vực có tiếng ồn quá giới hạn cho phép, đeo khẩu trang, quần áo bảo hộ trong thời gian lao động để tránh bụi, mùi và các tác động khác.
- Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở công nhân sử dụng trang bị bảo hộ lao động khi làm việc.
b. Biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường đất, nước
Giai đoạn thi công sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước, đất tại khu vực xây dựng. Do đó cần phải có biện pháp giảm thiểu ở mức thấp nhất.
- Đối với nước thải phát sinh do rửa xe, sẽ lắp đặt máng để thu gom lại nước thải phát sinh do rửa xe. Nước thải này sau khi được dẫn vào bể chứa để gạn lắng bùn, đất sẽ sử dụng để tưới vào khu vực đường giao thông nội bộ để giảm thiểu bụi.
- Đối với nước ngầm sinh ra từ quá trình đào móng: Trong quá trình thi công, phần móng được thiết kế phù hợp với từng khối nhà và dự án sẽ sử dụng các biện pháp thi công như sau để hạn chế lượng nước ngầm. Có thể mô tả 02 phương pháp như sau:
- Đối với công trình từ 1-3 tầng: để hạn chế nước ngầm từ ngoài vào trong móng thì dùng cừ thép chắn xung quanh hố móng.
- Đối với công trình cao tầng hơn: biện pháp hạn chế nước ngầm từ ngoài vào trong hố móng dùng phương pháp ép cọc. Như vậy, lượng nước ngầm vào trong hố móng sẽ bị hạn chế (thông thường chiều cao lớp nước ngầm trong hố móng < 0,5m).
Khi thi công, lượng nước ngầm này được bơm hút ra ngoài. Do lượng nước này ít và chủ yếu là đất cát và chất rắn lơ lửng nên có thể bơm thoát ra ngoài và cho chảy tràn trên bề mặt trong khuôn viên dự án. Lượng nước này sẽ tự thấm xuống đất. Vì vậy, coi như sự ảnh hưởng của yếu tố này là nhỏ và chấm dứt sau khi thi công xong phần móng và hố móng.
- Khu vực tập kết vật liệu xây dựng sẽ được che chắn để tránh nước mưa chảy tràn cuốn theo vật liệu.
- Việc chuẩn bị các bãi trữ, bãi thải sẽ có biện pháp kỹ thuật cùng với hệ thống tiêu thoát nước nhằm hạn chế nước mưa chảy tràn cuốn trôi đất, cát, chất thải xây dựng ảnh hưởng đến môi trường đất, nước tại khu vực.
- Xác định vị trí các bãi thải: vị trí các bãi thải được xác định trên cơ sở tiện lợi thi công, tận dụng tối đa đất đá san gạt, làm mái đảm bảo có độ dốc ổn định tùy theo vật liệu thải, làm bờ bao quanh các bãi thải.
- Hạn chế tối đa việc rò rỉ, hoặc khả năng thấm của dầu mỡ vào tầng nước ngầm. Bên cạnh đó, chủ đầu tư, nhà thầu phải bố trí các kho chứa nguyên vật liệu tại các vị trí an toàn, tránh hiện tượng tràn đổ dầu cũng như có biện pháp ứng cứu kịp thời khi xảy ra rủi ro trong quá trình thi công để hạn chế tối đa khả năng ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt và môi trường đất tại khu vực.
c. Chất thải rắn
- Chất thải xây dựng: Thu dọn vật liệu xây dựng rơi vãi sau mỗi ngày làm việc để
tránh hiện tượng nước cuốn trôi vật liệu. Các loại chất thải xây dựng chủ yếu bao gồm đất, cát, đá, coffa, sắt thép… sẽ được tập trung tại bãi chứa quy định. Loại chất thải rắn này sẽ được chuyển đi đắp các vùng trũng trong khu vực dự án.
- Chất thải sinh hoạt: Lượng rác thải sinh hoạt của công nhân hàng ngày sẽ được
thu gom và đựng trong thùng chứa đúng nơi quy định, che chắn để tránh nước mưa chảy tràn qua các khu vực tập kết rác gây ô nhiễm môi trường, thuê Công ty VSMT tỉnh Quảng Nam vận chuyển đến nơi quy định.
d. Giảm thiểu ô nhiễm do dầu mỡ thải
Ngăn chặn rò rỉ xăng dầu do xe vận chuyển gây ra. Dầu mỡ thải phát sinh tại khu vực dự án phải được thu gom vào trong các thùng chứa thích hợp được đặt trong khu vực dự án. Khu vực tập kết thùng chứa này sẽ được che chắn tránh nước mưa chảy tràn cuốn theo dầu mỡ thải. Chủ dự án sẽ hợp đồng với công ty thu gom có chức năng, vận chuyển và xử lý theo đúng các quy định hiện hành. Đơn vị này phải có giấy phép thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại do các đơn vị chức năng cấp phép.
4.1.1.2. Đối với các tác động không liên quan đến chất thải a. Giảm thiểu tác động sự cố sụt lún công trình:
Dựa vào kết quả khoan khảo sát địa chất tại khu vực, đơn vị thiết kế sẽ thiết kế, bố trí nền móng phù hợp với từng hạng mục tại khu vực, toàn bộ hồ sơ này sẽ được các cơ quan chức năng thẩm định trước khi tiến hành thi công xây dựng.
* Phần móng
- Đối với nhà 12 tầng dùng phương án móng cọc BTCT (phương án dùng móng bè có thể sử dụng tuỳ thuộc vào tình hình địa chất cụ thể).
* Phần thân: Dùng hệ khung không gian BTCT toàn khối chịu lực, mái BTCT,
tường xây gạch rỗng tự mang (tường bao che bên ngoài xây gạch đặc chống thấm). Riêng khối 12 tầng dùng hệ khung không gian kết hợp vách lõi BTCT chịu lực.
Trong quá trình thi công, công tác chia đợt đổ bê tông và phân khu sẽ tuân thủ đúng theo tiêu chuẩn thi công bê tông khối lớn (TIÊU CHUẨN TCXD VN 305:2004). Bên cạnh những phương pháp thi công tiên tiến như vậy, sẽ sử dụng những máy móc hiện đại để quá trình thi công công trình đạt kết quả về mặt chất lượng công trình và ít tác động đến môi trường.
b. Tác động đến môi trường xã hội
Trong giai đoạn thi công, Chủ đầu tư sẽ thành lập Ban quản lý xây dựng để quản lý hoạt động thi công tại công trường, đề ra những nội quy, quy định về giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi, nghiêm cấm đội ngũ công nhân uống rượu bia, đánh bài, gây gổ đánh nhau,... gây mất trật tự công cộng.