Khái niệm, mục tiêu và yêu cầu của phân tích tài chính dự án

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động phân tích tài chính các dự án đầu tư xây dựng tại công ty cổ phần đầu tư và thương mại dầu khí nghệ an (Trang 26 - 29)

1.3.1.1. Khái niệm

Phân tích hiệu quả tài chính dự án là tập hợp các hoạt động nghiên cứu, phân tích, đánh giá các chỉ tiêu tài chính của dự án trên cơ sở dòng tiền dành cho và phát sinh từ dự án, theo các quan điểm khác nhau của các chủ thể tham gia vào dự án.

Nói như thế, có nghĩa là phân tích tài chính dự án đầu tư là đánh giá tính hiệu quả tài chính của dự án dưới giác độ của các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư vào dự án. Mối quan tâm chủ yếu của các tổ chức và cá nhân này là việc đầu tư vào dự án có mang lại một lợi nhuận thích đáng hoặc đem lại nhiều lợi nhuận hơn so với việc đầu tư vào các dự án khác hay không. Phân tích tài chính có nhiệm vụ cung cấp các thông tin cần thiết để các nhà đầu tư có thể đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn.

Chính vì vậy, mỗi một nhà đầu tư đứng trên những quan điểm khác nhau sẽ có những mục tiêu khác nhau trong công tác phân tích tài chính dự án đầu tư.

Đứng trên quan điểm nhà tài trợ, phân tích tài chính dự án đầu tư thực chất là phân tích, đánh giá để lựa chọn dự án đầu tư có hiệu quả tài chính cao, có khả năng hoàn vốn vay đúng thời hạn.

Đứng trên quan điểm chủ đầu tư, phân tích tài chính dự án đầu tư cung cấp các thông tin cần thiết để chủ đầu tư lựa chọn được phương án đầu tư tốt nhất mang lại lợi nhuận cao nhất.

Đứng trên quan điểm quản lý nhà nước, phân tích tài chính dự án đầu tư là phân tích, đánh giá để lựa chọn đầu tư sao cho đảm bảo các lợi ích của người tham gia đầu tư và cả những đóng góp của dự án đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Theo các giai đoạn của dự án đầu tư, hoạt động phân tích tài chính dự án đầu tư cũng phải được thực hiện trong cả 3 giai đoạn của dự án, đó là : chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và vận hành kết quả sau đầu tư. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị đầu tư là rất quan trọng vì nó quyết định đến khả năng thành công hay thất bại của dự án. Dựa vào kết quả phân tích hiệu quả tài chính của giai đoạn này mà chủ đầu tư quyết định chấp thuận hay không chấp thuận dự án.

Quá trình phân tích hiệu quả tài chính dự án đầu tư thường gồm các nội dung sau :

- Xác định các thông số của dự án và ước lượng các dòng tiền dành cho và phát sinh từ dự án ;

- Xác định suất chiết khấu hợp lý cho dự án ;

- Tính toán và phân tích các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính dự án ; - Phân tích rủi ro của dự án

1.3.1.2. Mục tiêu, vai trò và yêu cầu của phân tích tài chính dự án

Mục tiêu :

Xem xét, đánh giá tình hình kết quả hoạt động của dự án đầu tư trên góc độ hạch toán kinh tế của đơn vị thực hiện dự án. Cụ thể là xem xét các chi phí sẽ phải thực hiện kể từ khi soạn thảo cho đến khi kết thúc dự án, xem xét thu nhập mà đơn vị thực hiện dự án sẽ hoặc phải đạt được.

Vai trò của phân tích tài chính dự án đầu tư

Hầu hết các dự án đầu tư hiệu quả kinh tế thường được đặt lên hàng đầu và ở đâu có hiệu quả cao thì các nhà đầu tư sẽ hướng tới. Do vậy, phân tích tài chính dự án là một nội dung quan trọng trong quá trình soạn thảo dự án, mục đích của phân tích tài chính dự án là nhằm đánh giá tính khả thi của dự án về măt tài chính thông qua việc xem xét:

- Thứ nhất là xem xét nhu cầu và sự cung ứng các nguồn lực về vốn cả về quy mô và đảm bảo đúng thời điểm cần huy động để thực hiện có hiệu quả dự án đầu tư, phải xác định rõ quy mô đầu tư, cơ cấu các loại vốn và các nguồn huy động;

- Thứ hai là xem xét tình hình, kết quả và hiệu quả hoạt động của dự án trên phương diện hạch toán kinh tế của đơn vị thực hiện dự án. Cần xem xét những chi phí thực hiện từ khi soạn thảo dự án cho tới khi kết thúc dự án đưa dự án vào sử dụng, xem xét các lợi ích mà đơn vị thực hiện dự án thu đựơc do thực hiện dự án.

Kết quả của của quá trình phân tích trên là căn cứ để chủ đầu tư quyết định có nên đầu tư hay không? Hiệu quả càng cao sẽ càng thu hút các nhà đầu tư bởi mối quan tâm chủ yếu của họ là mang lại lợi nhuận.

Yêu cầu của việc thẩm định dự án đầu tư bao gồm:

- Nắm vững các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước, ngành địa phương và quy chế quản lý kinh tế, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước.

- Nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp, các mối quan hệ làm ăn của doanh nghiệp.

- Nắm bắt được tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới, khu vực, của nước có liên quan đến việc thực hiện dự án.

- Nghiên cứu và kiểm tra một cách khách quan, khoa học và toàn diện về nội dung dự án và tình hình sử dụng vốn, có sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và chuyên gia để đưa ra các nhận xét và kết luận, kiến nghị chính xác.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động phân tích tài chính các dự án đầu tư xây dựng tại công ty cổ phần đầu tư và thương mại dầu khí nghệ an (Trang 26 - 29)