7. Bố cục khóa luận
2.2.1 Từ địa phương
Nước ta có nhiều vùng, miền khác nhau, ở mỗi vùng lại có những điều kiện lịch sử- địa lí, hoàn cảnh sống khác nhau, nên cách sử dụng ngôn ngữ giữa các vùng cũng khác nhau. Sự khác biệt diễn ra trên nhiều phương diện của ngôn ngữ, chúng tôi chỉ đề cập đến lớp từ địa phương.
Từ địa phương ít được sử dụng trong các văn bản thuộc các phong cách ngôn ngữ như phong cách ngôn ngữ chính luận, hành chính hay khoa học, nhưng lại rất phổ biến trong phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Đặc biệt, các từ địa phương sử dụng nhiều nhất trong giao tiếp hàng ngày của nhân dân ở mỗi địa phương nhất định. Tuy vậy, trong văn chương các từ địa phương vẫn được nhà văn dùng để phản ánh cuộc sống, cách sinh hoạt của người dân để làm nổi bật đăc trưng của ngôn ngữ nhân vật theo từng vùng (phản ánh cuộc sống sinh động của người Nam Bộ).
Nam Bộ là quê hương của một số nhà văn nổi tiếng như: Hồ Biểu Chánh, Phạm Vân, Sơn Nam, Nguyên Hùng, Nguyễn Quang Sáng…các sáng tác của họ cũng xuất hiện nhiều các từ địa phương, đem đến cho bạn đọc nhiều khám phá mới mẻ về ngôn ngữ Nam Bộ.
Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn trẻ của Nam Bộ. Chị đã kế thừa truyền thống văn chương của các nhà văn Nam Bộ đi trước. Truyện ngắn của chị xuất hiện các từ địa phương với tần số cao. Có thể kể đến một số từ địa
phương như: Cằn nhằn, té, càm ràm, hoài, xả giàn, cự đụt, mằn, nhậu, bới, nà, ráng, ống quyển, mướn, bậy, hịch hạc, mủ mỉ, mần mần, khăn rằn, xài, cà lơ, bưng, bồng, giả đò, ca, cải lương, lu, cà ràng, lái bông, khui, nhóc, rụm bà
chè, cương, thiếu điều, thớt mù u, rẻ rề, bển, khơi khơi, trộ, rầy, rượt, vẹt, ghe, chà, thương hồ, vọt miệng, cà chớn, khọm rọm, bầy hầy, mắc, rức, xà quần, rơ, rang, cần xé, vạc, bắt thèm, đọt…
Ví dụ 12: “Má tôi vọt miệng: Uả, chị có cháu à”. [13,130]
Vọt miệng có nghĩa là buột miệng, tự nhiên thốt ra lời nói, do xúc cảm
tác động mà không kịp giữ lại, nén lại. Câu nói của má do cảm xúc dâng trào, không kịp nghĩ gì khi đối diện với tình địch của mình, đã đánh trúng vào nỗi đau của nhân vật (tác giả gọi là dì), khi nhắc đến nỗi đau mất con của dì. Dù là không cố ý, nhưng đã khiến cho má phải ân hận day dứt cả đời. Câu văn ngắn gọn nhưng dư âm của nỗi đau thì còn rất lớn.
Ví dụ 13: “Có những chuyện chắc má biết, tại má hỏi vậy thôi, chớ Điệp lặn lội vô đây đâu phải để nói chuyện với má mấy câu lỉnh lảng như nước đìa”. [11,10]
Cách so sánh mà tác giả dùng ở đây rất độc đáo, đậm màu sắc Nam Bộ.
Lỉnh lảng là ở tình trạng ít gắn bó, gắn kết nhau, nước đìa là nước ở ao, đào
sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá. Như vậy câu nói trên có nghĩa Điệp lặn lội đến tìm mẹ đồng nghĩa với việc đã tha thứ cho má Điệp vì đã bỏ Điệp lại cho bà ngoại khi Điệp còn đỏ hỏn. Cuộc nói chuyện của một đứa trẻ không biết đến tình yêu thương của má với má mình tất yếu sẽ ngượng ngùng, tẻ nhạt mà Nguyễn Ngọc Tư gọi là “lỉnh lảng như nước đìa”, những từ ấy đã phản ánh chính xác không khí cuộc nói chuyện giữa Điệp và má. Cách dùng từ ngữ rất quen thuộc với người dân Nam Bộ - đặc biệt là những cư dân sống ở đồng bằng sông Cửu Long, cuộc sống gắn bó với kênh rạch, mương, đìa.
Lớp từ địa phương xuất hiện trong các truyện ngắn giúp Nguyễn Ngọc Tư phản ánh đặc trưng cuộc sống của người miền Nam, đồng thời còn nhấn mạnh hơn đến tính chất riêng biệt về sản vật, địa danh, cách xưng hô, các hoạt động của miền đất này.