Chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường trách nhiệm công

Một phần của tài liệu Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang (Trang 35 - 39)

công tố trong hoạt động điều tra; pháp luật về thực quyền công tố trong hoạt động điều tra của Viện kiểm sát nhân

1.3.1. Chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra công tố trong hoạt động điều tra

Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến trách nhiệm công tố trong tố tụng hình sự, nhất là trong hoạt động điều tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, giáo

dục người phạm tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không được làm oan người vô tội. Ngay từ khi thành lập ngành, các đồng chí Lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo, kết luận rất quan trọng về trách nhiệm của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ quyền tự do, dân chủ của công dân.

Phát biểu của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị tổng kết công tác Kiểm sát toàn quốc năm 1967:

Ngành Kiểm sát là một trong những công cụ của Nhà nước dân chủ nhân dân, có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, góp phần bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, tăng cường chuyên chính đối với bọn phản cách mạng, tăng cường kỷ luật xã hội trong quần chúng nhân dân. Nói đến kiểm tra việc tuân theo pháp luật, cần chú trọng trước hết kiểm tra việc tuân theo pháp luật của các cơ quan Nhà nước, bởi vì sự vi phạm của một số công dân nào đó đối với pháp luật có lẽ không tai hại bằng những sự lạm quyền của các cơ quan chính quyền, các cơ quan quản lý kinh tế, văn hóa và của những người có trách nhiệm thi hành pháp luật. Nếu những người này làm sai pháp luật thì chẳng những vi phạm các quyền tự do dân chủ của nhân dân, mà còn làm trái chủ trương, chính sách là sinh mạng của Đảng, là linh hồn của pháp luật Nhà nước; điều đó sẽ đánh vào nguồn gốc sức mạnh của chế độ ta là sự tín nhiệm và ủng hộ của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Vì vậy, trước hết phải bảo đảm sự tôn trọng pháp luật một cách nghiêm chỉnh và đầy đủ của các cơ quan Nhà nước, của những người thay mặt nhân dân nắm quyền hành chính và công việc quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội.

Để đảm bảo cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh trong nhân dân, ngành Kiểm sát cần kiểm tra các vụ bắt giam và xét xử một cách sáng suốt, thận trọng. Đối với những hành vi phạm pháp của một số công dân, cần có biện pháp xử lý thích đáng, kiên quyết không xử oan một người ngay, nhưng cũng không để lọt một kẻ có tội….[41, tr.21-22]

Kết luận của đồng chí Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác của ngành Kiểm sát năm 1967:

Ngành Kiểm sát trong tình hình mới đã nâng cao ý thức trách nhiệm và nhiệt tình công tác và hướng toàn bộ công tác kiểm sát vào việc bảo vệ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường chuyên chính, bảo đảm dân chủ với nhân dân, phục vụ tốt các công tác trung tâm của Đảng và Nhà nước.... ngành Kiểm sát đã có nhiều cố gắng và tiến bộ mới trong việc đẩy mạnh công tác công tố. Do sử dụng tốt quyền công tố, có Viện kiểm sát đã kiên quyết không phê chuẩn bắt giam những trường hợp không đáng bắt giam, đã đề nghị ngành công an đi sâu hơn nữa vào một số vụ án phản cách mạng; đã minh oan cho một số người bị truy tố và xét xử oan về tội giết người. Trong công tác công tố, ngành Kiểm sát đã chú trọng kết hợp chặt chẽ hai mặt trừng trị và tích cực phòng ngừa... Không có cơ quan Nhà nước nào thay thế ngành Kiểm sát để sử dụng quyền công tố. Bắt giam, điều tra, tha, truy tố, xét xử có đúng người, đúng tội, đúng pháp luật hay không, có đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước hay không, điều đó chính là Viện kiểm sát phải trông nom, bảo đảm làm tốt [41, tr.25].

Chỉ thị 53-CT/TW ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Tăng cường trách nhiệm pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân đối với công tác bắt,

giam, giữ… sai sót trong công tác bắt giam giữ ở địa phương nào thì trước hết Viện kiểm sát nhân dân ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm” [9].

Để hạn chế tình trạng bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; khắc phục những vi phạm quyền tư do, dân chủ của công dân, nhằm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tư pháp, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của VKS trong thực hiện tốt quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Nghị quyết nêu rõ:

Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Hoạt động công tố phải được thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng, nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, xử lý kịp thời những trường hợp sai phạm của những người tiến hành tố tụng khi thi hành nhiệm vụ…[12]. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 chỉ rõ: “Tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra” [14]; đến Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định cần: “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra” “gắn công tố với hoạt động điều tra” [17]. Đây là những kết luận mang tính chất định hướng hết sức quan trọng về trách nhiệm của VKS trong thực hành quyền công tố đấu tranh phòng, chống tội phạm ở giai đoạn điều tra.

Như vậy, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta suốt hơn 50 năm qua. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, công nghệ thông tin, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, tính chất, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tiềm ẩn nguy

cơ gây bất ổn định chính trị, trật tự xã hội, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cải cách tư pháp, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra để ngăn ngừa tình trạng bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không để xảy ra các trường hợp oan, sai.

Một phần của tài liệu Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang (Trang 35 - 39)