III) Một số lý thuyết quản trị hiện đại
1. Trường phái quản trị Tây Âu
1.1/ Mô hình 7-S
Cuối những năm 70 thế kỷ XX xuất hiện những nhân tố mới trong tư duy quản lý, nó giải đáp về nguyên nhân sự thành công của doanh nghiệp. Hai chuyên gia tư vấn của McKinsey & Co. là Tom Peters và Robert Waterman qua nghiên cứu một nhóm công ty hàng đầu tại Mỹ đã xuất bản quyển sách với tiêu đề “In Search of Excellence” bao gồm bảy yếu tố hay còn gọi là mô hình 7-S (structure, strategy, systems, skills, style, staff, super-ordinate goals). Mô hình này dựa trên quan điểm rằng doanh nghiệp không chỉ là một mô hình tổ chức, hơn thế nó được đặc trưng bởi bảy yếu tố. Kết luận then chốt của mô hình này là: Những công ty sẽ thành công, nếu như tất cả các yếu tố của chúng được gây dựng phù hợp với môi trường luôn thay đổi, như là luật pháp, quy định, yêu cầu thị trường. 7 kỹ năng này được chia thành 2 nhóm : nhóm kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.
* Nhóm kỹ năng cứng
- Cơ cấu tổ chức: là cơ sở cho việc chuyên môn hóa, điều phối và hợp tác giữa các bộ phận doanh nghiệp.
- Chiến lược: tạo ra những họat động có định huớng mục tiêu của doanh nghiệp theo một kế hoạch nhất định hoặc làm cho doanh nghiệp thích ứng với môi trường xung quanh. Chiến lược đúng sẽ chi phối về sự thành công hay thất bại.
- Những hệ thống: Bạn hãy truyền đạt những thông tin chính thống đều đặn tới nhân viên nhằm phục vụ cho công việc của họ. Qua đó bạn sẽ gia tăng kết quả công việc và động lực. Nhưng đôi lúc một số thông tin không chính thức chỉ cần lưu hành trong nội bộ ban lãnh đạo. Ví dụ: Một công ty có vấn đề về khả năng chi trả. Trước nguy cơ mất việc làm có thể những nhân viên sẽ rời bỏ công ty. Vì thế người ta có thể giữ kín những thông tin đó cho đến khi vấn đề được giải quyết.
* Nhóm kỹ năng mềm
- Kỹ năng khác biệt: đây là những đặc điểm và khả năng nổi trội của doanh nghiệp, hay nói theo một cách khác là kỹ năng then chốt và đặc điểm khác biệt (USP - unique selling proposition). Nó nâng tầm vị trí của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh.
- Đội ngũ nhân viên: gồm toàn bộ các hoạt động liên quan đến nhân lực như: trình độ nhân lực, quá trình phát triển nhân lực, quá trình xã hội hóa, bồi dưỡng đội ngũ quản lý kế cận, gắn kết nhân viên mới, cơ hội thăng tiến, hệ thống kèm cặp và phản hồi.
- Văn hóa doanh nghiêp: được cấu thành bởi hai nhóm yếu tố: Văn hóa của tổ chức và phong cách quản lý hay cách thức giao tiếp con người với nhau. Văn hóa của tổ chức là những giá trị và chuẩn mực chủ đạo được hình thành trong quá trình tồn tại của tổ chức và trở thành yếu tố bền vững trong doanh nghiệp. Phong cách quản lý thể hiện rõ nét ở những gì nhà quản lý hành động hơn là phát ngôn.
- Những mục tiêu chi phối: là những viễn cảnh được truyền tải tới một nhân viên trong doanh nghiệp hay còn gọi là giá trị chung (Shared Values). Theo nhận định
của hai nhà kinh tế học Peters và Waterman thì những giá trị này có tầm quan trọng định hướng cho sự ổn định của sáu yếu tố còn lại và chúng chỉ chịu tác động thay đổi sau một thời gian dài.
Lý thuyết 7-S hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu quản trị các công ty có qui mô lớn, mang tính cạnh tranh toàn cầu. Lý thuyết này thịnh hành đến tận những năm đầu của thế kỉ 21, nó mở đường cho trào lưu xây dựng những “công ty tuyệt hảo” rất thịnh hành ở Mỹ và các nước châu Âu.