5. Cấu trúc luận văn
2.1.2. Các hướng tiếp cận từ ngữ trong thơ
Do những đặc trưng nêu trên, từ ngữ trong tác phẩm nghệ thuật trở thành vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Tuy nhiên, ở mỗi ngành khoa học khác nhau, từ ngữ trong tác phẩm văn học lại thường được các nhà nghiên cứu tiếp cận ở những góc độ khác nhau. Nhà từ vựng học thống kê vốn từ của nhà văn, nhà thơ, khảo sát những lớp từ nổi bật (từ Hán Việt, từ địa phương, tiếng “lóng”…) đặt những từ này trong tương quan với các lớp từ khác trong vốn từ toàn dân để rút ra hiệu quả nghệ thuật mà lớp từ đó mang
lại cho tác phẩm cũng như thấy được dấu ấn riêng của người sáng tác trong cách sử dụng lớp từ đó. Nhà ngữ pháp học quan tâm đến đặc điểm cấu tạo của từ ngữ mà nhà văn thường sử dụng. Người làm phong cách xem xét từ ngữ trong tác phẩm dưới góc độ phong cách chức năng và sự lựa chọn từ ngữ của người nghệ sĩ. Nhà thi pháp học thống kê tần số sử dụng của một số lớp từ nổi bật, qua đó, rút ra quan niệm nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ… Như vậy, từ ngữ trong tác phẩm nghệ thuật được tiếp cận dưới rất nhiều góc độ. Trong luận văn này, chúng tôi chỉ đưa ra hai hướng tiếp cận mà chúng tôi cho là có hiệu quả nghệ thuật hơn cả, đó là hướng tiếp cận từ góc độ phong cách học và hướng tiếp cận từ góc độ thi pháp học.
“Trong những nét chung nhất, phong cách học được hiểu là khoa học nghiên cứu sự vận dụng ngôn ngữ, nói khác đi, đó là khoa học về các quy luật nói và viết có hiệu lực cao”. Theo đó, một trong những đối tượng nghiên cứu cơ bản của phong cách học đó là nguyên tắc lựa chọn, sử dụng các phương tiện ngôn ngữ, trong đó có từ ngữ.
Mỗi từ được nhà văn, nhà thơ lựa chọn đều có giá trị biểu cảm bởi khi sáng tác họ không thể bỏ qua một thao tác quan trọng, đó là lựa chọn và sử dụng từ ngữ. Cảm xúc mà từ ngữ trong tác phẩm văn học đưa lại, xét cho cùng, chính là do sự lựa chọn cách biểu đạt có giá trị tạo nên. Và do đó, phong cách học nghiên cứu từ ngữ trong tác phẩm nghệ thuật bằng cách khảo sát và phân tích các kiểu lựa chọn ấy. Như vậy, khi tìm hiểu từ ngữ, người làm phong cách chú ý đến mặt biểu cảm của từ ngữ được lựa chọn, đối lập nó với các kiểu lựa chọn khác có giá trị ngữ nghĩa tương đương. Đồng thời khảo sát những từ ngữ thuộc cùng một kiểu lựa chọn của tác giả. Nếu những từ ngữ thuộc kiểu lựa chọn đó có mặt trong tác phẩm với một tần số cao thì đó là dấu hiệu để nhận ra phong cách của nhà thơ.
Bên cạnh việc nghiên cứu từ ngữ trong tác phẩm văn học từ góc độ phong cách học, nhiều nhà nghiên cứu còn hướng đến tiếp cận từ ngữ trong tác phẩm văn học từ góc độ thi pháp học. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, thi pháp học là “khoa học nghiên cứu thi pháp, tức hệ thống phương thức, phương tiện biểu hiện đới sống bằng hình tượng nghệ thuật trong sáng tác văn học. Mục đích của thi pháp là chia tách và hệ thống hóa các yếu tố của văn bản nghệ thuật tham gia vào sự hình thành thế giới nghệ thuật, ấn tượng thẩm mĩ, chiều sâu phản ánh của sáng tác nghệ thuật” [18].
Với mục đích chia tách và hệ thống hóa tất cả các yếu tố của văn bản nghệ thuật trong tính chỉnh thể của nó, thi pháp học quan tâm tới tất cả các phương tiện biểu hiện của tác phẩm như thể loại, phong cách, kết cấu, không gian - thời gian nghệ thuật, giọng điệu, ngôn ngữ. Theo đó, người nghiên cứu tác phẩm văn học từ phương diện thi pháp sẽ miêu tả đặc điểm hình thức của các yếu tố nói trên một cách có hệ thống, qua đó, phát hiện những yếu tố lặp đi lặp lại trong tác phẩm một cách có quy luật để xác định tính chỉnh thể của hệ thống thi pháp, đồng thời nhận ra nét độc đáo của một tác giả, một thể loại, thậm chí là một trào lưu, một trường phái văn học. Khi tiếp cận từ ngữ từ góc nhìn thi pháp học, người nghiên cứu vận dụng các lí thuyết cụ thể của thi pháp học để soi chiếu vào tác phẩm, nhận ra những từ ngữ xuất hiện nhiều trong tác phẩm một cách có quy luật, thể hiện sự lựa chọn của tác giả để tìm ra điểm độc đáo của tác phẩm. Đồng thời, qua đó, chỉ ra quan niệm nghệ thuật của tác giả thể hiện qua hình thức lặp lại ấy. Bởi theo quan điểm của thi pháp học, bất cứ hình thức nào trong tác phẩm được nhà thơ, nhà văn tập trung xây dựng có hệ thống cũng là hình thức mang tính quan niệm.