Phương thức, thủ đoạn phạm tội buôn lậu

Một phần của tài liệu Tội buôn lậu trong Luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2009 – 2013) Luận văn ThS. Luật (Trang 49 - 51)

Các đối tượng buôn lậu dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và thường xuyên thay đổi nhằm đối phó với việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.

Các đối tượng là đầu nậu trong đó chủ yếu là người ngoài tỉnh hoạt động giấu mặt, thường thông qua trung gian là các đối tượng ở địa bàn biên giới để mua gom hàng từ Trung Quốc, sau đó thuê và khoán gọn cho các đối tượng vận chuyển qua Lạng Sơn tràn vào Bắc Giang.

Buôn lậu hiện nay thường sử dụng loại xe tải nhỏ từ 1 đến 1,5 tấn, xe chở khách du lịch, xe khách chất lượng cao, xe bán tải có gia cố thêm hầm ở sàn xe và vách xe, gắn biển kiểm soát giả hoặc xe thanh lý của các đơn vị bộ đội, cơ quan, xí nghiệp…để vận chuyển hàng lậu.

Trong mấy năm gần đây, các chủ hàng, chủ đầu nậu đã áp dụng thủ đoạn chia nhỏ, xé lẻ các lô hàng để vận chuyển qua biên giới, hàng nhập lậu được vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện: ô tô, xe máy, mang vác chạy bộ đi qua hai bên cánh gà của các trạm kiểm soát dọc biên giới; hàng hóa được tập kết ở một số nhà dân ven đường, bìa rừng, khi có điều kiện thì chuyển hàng lên các phương tiện như xe tải, xe chở khách, xe con…vận chuyển sâu vào nội địa để tiêu thụ.

Trong năm 2013 đã phát hiện được thủ đoạn mới là các đối tượng lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa để móc nối tổ chức buôn lậu, khai báo sai xuất xứ hàng hóa, tháo rời hàng hóa thành các chi tiết (chủ yếu là hàng hóa ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy nổ, xe máy…) sau đó làm thủ tục nhập khẩu dưới dạng linh kiện phụ tùng ở nhiều cửa khẩu khác nhau nhằm hợp thức hóa, trốn thuế, thu lợi bất chính lớn…cũng xuất hiện hiện tượng hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc nhưng được in và dập nhãn hiệu sản xuất tại Việt Nam nhằm được hưởng ưu đãi về thuế, nâng khống tỷ lệ nội địa hóa đối với một số hàng hóa như máy điều hòa nhiệt độ, phụ tùng xe máy, đầu VCD…

50

Một phương thức khác để che giấu hành vi buôn lậu, một số nhóm đối tượng chuyên buôn lậu, vận chuyển hàng lậu đã huy động vốn thành lập các công ty trách nhiệm hữu hạn có chức năng xuất – nhập khẩu, chúng lợi dụng việc nhập khẩu hàng hóa hoặc làm thủ tục mua hàng thanh lý để sử dụng quay vòng hóa đơn chứng từ. Thủ đoạn của các đối tượng là nhập khẩu hàng hóa hoặc mua hàng phát mại đưa về kho của công ty rồi mới xuất hàng từ kho kèm theo hóa đơn thuế giá trị gia tăng vận chuyển đi các tỉnh ngoài tiêu thụ. Mỗi bộ hóa đơn chứng từ theo cách này có thể quay vòng vận chuyển hàng lậu trót lọt nhiều lần. Trong năm 2012, 2013, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và Chức vụ, Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện bắt giữ 05 vụ của Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Mai Thịnh và công ty thương mại xuất nhập khẩu Huy Anh, huyện Yên Thế, tịch thu 500 ti vi, 713 đầu DVD.

Tình trạng thẩm lậu một số mặt hàng tạm nhập, tái xuất diễn ra phức tạp, hàng hóa chủ yếu là thuốc lá ngoại, đồ điện tử cũ…Năm 2013 xuất hiện đối tượng buôn lậu sử dụng xe ô tô du lịch, mỗi xe thường vận chuyển hàng hóa có giá trị từ 50 đến 75 triệu đồng/chuyến, chạy với tốc độ cao, lạng lách, lôi kéo cửu vạn với số lượng đông để cản trở lực lượng chống buôn lậu, giải vây, tẩu tán hàng hóa khi bị bắt giữ. Một số đối tượng còn sử dụng các loại xe tải, xe khách đã hết hạn lưu hành mang biển kiểm soát giả để vận chuyển hàng lậu, khi bị bắt giữ thì không khai báo chủ xe, chủ hàng, thậm chí bỏ luôn cả phương tiện và không thực hiện quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền.

Xuất hiện các đường dây, tổ chức liên tuyến để buôn bán, vận chuyển vàng, đô la từ Trung Quốc về Việt Nam hoạt động khép kín và gây ra nhiều khó khăn cho việc điều tra bắt giữ. Đặc biệt các tuyến đường Chũ – Lục Nam – Lục Ngạn; Yên Thế - Lạng Sơn các đối tượng buôn lậu thường thuê những đối tượng hình sự, nghiện hút…chuyên sử dụng xe máy phân khối lớn chạy

51

với tốc độ cao, hoạt động vào ban đêm vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu, số lượng mỗi chuyến dưới 1500 bao để nếu khi bắt giữ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bọn chúng thường mang theo dao, kiếm, bột cay làm vũ khí để đe dọa, chống trả lại các lực lượng chống buôn lậu khi bị kiểm tra, bắt giữ. Hoặc dùng phương thức khác là sử dụng hai hoặc ba xe ô tô không chở hàng, hoặc nhiều xe ôm chạy cùng để hỗ trợ cho xe chở hàng lậu, khi gặp các lực lượng đuổi bắt thì chống trả, cản đường, cố tình dừng xe giữa đường làm ách tắc giao thông để gây sức ép với lực lượng kiểm tra và tẩu tán hàng.

Một phần của tài liệu Tội buôn lậu trong Luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2009 – 2013) Luận văn ThS. Luật (Trang 49 - 51)