a. Quy mô hoạt động .
Quy mô hoạt động là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá về một ngân hàng. Một ngân hàng quy mô nhỏ, thiếu vốn, nhân lực thì chắc chắn khó có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, kiểm soát tốt những rủi ro có
thể xảy ra. Bên cạnh đó vấn đề đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị, phần mềm hiện đại cũng sẽ bị hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc.
b. Chiến lược kinh doanh.
Bất kỳ một ngân hàng nào cũng có một định hướng cho riêng mình về hoạt động kinh doanh để từ đó xác định những ưu tiên về dịch vụ cung ứng cũng như chất lượng kèm theo. Những ngân hàng có thế mạnh hoặc định hướng sự phát triển của mình tập trung vào phương thức thanh toán TDCT thường sẽ cố gắng nâng cao chất lượng thanh toán TDCT của mình và ngược lại, những ngân hàng tập trung vào các hoạt động khác sẽ thường không chú trọng vấn đề này.
c. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ nhân viên.
Trình độ của cán bộ nhân viên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thanh toán TDCT của ngân hàng. Đây là một yếu tố quan trọng giúp ngân hàng rút ngắn thời gian, tăng tính chính xác trong các giao dịch cũng như tạo ra sự hài lòng từ phía khách hàng. Một ngân hàng với đội ngũ cán bộ am hiểu nghiệp vụ, xử lý chứng từ nhanh chóng cùng khả năng tư vấn tốt cho khách hàng luôn là ưu tiên chọn lựa đối với bất cứ doanh nghiệp xuất nhập khẩu nào muốn sử dụng phương thức thanh toán TDCT.
d. Khoa học, công nghệ.
Khoa học công nghệ có thể không phải là nhân tố quan trọng nhất quyết định chất lượng của hoạt động TTQT, nhưng đây là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của hoạt động này. Với thiết bị và phần mềm hiện đại khả năng kết nối thông tin của ngân hàng sẽ nhanh chóng, chính xác, an toàn hơn. Vị thế cũng như uy tín ngân hàng sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
e. Các quy định, quy trình thanh toán áp dụng
Đây là tuần tự những công việc xác định trong quá trình thực hiện giao dich TTQT. Mỗi ngân hàng có một quy trình giao dịch riêng phù hợp điều kiện hoàn cảnh cũng như chiến lược phát triển của ngân hàng đó. Quy trình chính
xác, rõ ràng sẽ làm tăng hiệu quả công việc đồng thời hạn chế không ít các rủi ro như rủi ro đạo đức, rủi ro tác nghiệp…
f. Chính sách khách hàng.
Trong môi trường cạnh tranh khi hầu hết các sản phẩm của các ngân hàng đều tương tự nhau thì chính sách khách hàng chính là điều làm nên điều khác biệt cho ngân hàng đó. Trong chiến lược kinh doanh của mình các ngân hàng thường phân chia ra các nhóm khách hàng khác nhau. Điều này giúp ngân hàng dễ dàng hơn trong việc đưa ra các sản phẩm dịch vụ chăm sóc khách hàng phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh.
g. Các nghiệp vụ hỗ trợ khác.
Có rất nhiều các nghiệp vụ hỗ trợ khác nhau giúp hoạt động TTQT tiến hành thuận lợi như mua bán ngoại tệ, bảo lãnh ngân hàng, tài trợ xuất nhập khẩu mà ngân hàng có thể cung cấp cho khách hàng. Những nghiệp vụ này một mặt giúp khách hàng thuận tiện hơn trong giao dịch, một mặt giúp ngân hàng tăng thêm uy tín, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của khách hàng, đồng thời có thể tăng thêm doanh thu.
Kết luận chương 1:
Hiện nay tại Việt Nam chỉ tính riêng các tổ chức tín dụng nhà nước và ngân hàng TMCP đã khoảng hơn bốn mươi. Sự cạnh tranh giữa các ngân hàng để chiếm lĩnh thị phần ngày càng trở nên mạnh mẽ. Để nổi bật và tạo ra ưu thế cạnh tranh với rất nhiều các ngân hàng khác, mỗi ngân hàng đều không ngừng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng quy mô và nâng cao uy tín. Chương 1 là sự trình bày, hệ thống hóa lý luận cơ bản về TTQT, chất lượng TTQT theo phương thức TDCT của NHTM, các đặc điểm, chỉ tiêu đánh giá chất lượng, nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng TTQT theo phương thức TDCT của NHTM. Đây là tiền đề cho việc đánh giá thực trạng chất lượng TTQT theo phương thức TDCT tại NHNo&PTNT Chi nhánh Bắc Hà Nội sẽ được trình bày ở chương 2.
CHƯƠNG II