Các nhân tố khách quan

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ tại NHNo&PTNT Chi nhánh Bắc Hà Nội (Trang 27 - 28)

a. Môi trường kinh tế, chính trị

Môi trường kinh tế thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho tất cả các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau phát triển, hoạt động của các NHTM cũng không nằm ngoài quy luật đó. Khi trình độ kinh tế, sức sản xuất phát triển ổn định các ngân hàng sẽ có điều kiện tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng hoạt động trên phạm vi quốc tế. Hoạt động TTQT cũng vì thế mà sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Một nền chính trị ổn định là điều cần thiết cho nền kinh tế một đất nước phát triển. Mọi rủi ro như chiến tranh, cấm vận kinh tế hay đình công…đều gây thiệt hại to lớn đến thương mại quốc tế nói chung, hoạt động các NHTM nói riêng.

b. Môi trường pháp lý

Hoạt động TTQT của NHTM chịu sự điều chỉnh bởi rất nhiều các nguồn luật khác nhau bao gồm luật pháp trong nước, luật quốc tế. Trong đó gây ảnh hưởng lớn và trực tiếp nhất đến hoạt động TTQT của NHTM tại Việt Nam chính là các chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Các chính sách như chính sách tỷ giá, chính sách quản lý ngoại hối sẽ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng kích thích hoặc hạn chế, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng TTQT của các NHTM.

Với đặc thù của mình, thanh toán TDCT là một hoạt động vượt ra ngoài biên giới quốc gia và chịu sự điều chỉnh của nhiều nguồn luật, văn bản mang tính chất quốc tế cũng như các văn bản luật quốc gia. Nâng cao chất lượng thanh toán TDCT rất cần có sự thống nhất và rõ ràng về hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các giao dịch diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.

c. Rủi ro trong TTQT

Rủi ro trong TTQT có thể phát sinh từ mọi bên tham gia hoạt động này bao gồm cả nhà xuất khẩu, nhập khẩu, ngân hàng hay mọi tổ chức liên quan. Ngoài ra các nhân tố khách quan như khủng hoảng chính trị, thiên tai…cũng là rủi ro trong hoạt động TTQT. Các ngân hàng cần có những hoạt động đánh giá, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro để nâng cao chất lượng hoạt động TTQT của mình. Có thể phân rủi ro thành hai loại lớn là rủi ro thương mại và rủi ro thanh toán. Trong đó rủi ro thương mại chủ yếu đề cập đến vấn đề giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu còn rủi ro thanh toán là loại rủi ro tác động đến NHTM nhiều nhất, bởi các NHTM chính là nhà cung ứng dịch vụ thanh toán.

d. Khách hàng

Khách hàng đối với phương thức thanh toán TDCT là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu và là đối tượng phục vụ của ngân hàng trong các giao dịch. Đây là một yếu tố có tác động không nhỏ đến chất lượng thanh toán TDCT tại NHTM. Nếu khách hàng có kiến thức tốt về kinh tế xã hội, am hiểu quy trình thanh toán sẽ giúp ngân hàng phục vụ tốt hơn, tiết kiệm thời gian và tránh được những rủi ro trong thanh toán từ đó nâng cao chất lượng thanh toán TDCT.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ tại NHNo&PTNT Chi nhánh Bắc Hà Nội (Trang 27 - 28)