Theo Võ Bá Thọ (1996), trứng trong khay ấp khi còn trong máy phải được đảo nghiêng (trái, phải) theo chu kì 1-2 giờ/lần. Ở mấy ấp tự động, tùy vào loại máy cứ 1-2 giờ máy tự vận hành đảo trứng 1 lần.
Bùi Đức Lũng và Nguyễn Xuân Sơn (1999) cho rằng trong những ngày ấp đầu tiên, nếu không đảo trứng phôi sẽ bị lòng đỏ ép vào vỏ, sự phát triển bị ngừng lại và phôi bị chết. Khi soi trứng sẽ thấy vết đen dính vào vỏ.
Trứng xếp vào khay ấp ở ngày đầu phải để đầu to (chứa buồng khí) lên trên, đầu nhọn xuống dưới, nếu xếp ngược lại, thì tuy phôi phát triển bình thường, nhưng vào cuối chu kì ấp đầu phôi gà ở phía dưới đầu nhọn (đầu không chứa buồng khí) sẽ không có không khí thở và bị chết ngạt. Có thể đặt nghiêng 45o cũng không ảnh hưởng đến sự ấp nở. Nếu đảm bảo đầu to lên trên, khi sang máy nở thì trứng không phải xếp như trên mà trứng đặt nằm ngang, vì lúc này đầu gà con đã ngóc lên buồng khí, hơn nữa để trứng nở dễ dàng (Bùi Đức Lũng và Nguyễn Xuân sơn, 2003).
Theo Nguyễn Đức Hưng (2006), đảo trứng nhằm đảm bảo phôi phát triển thuận lợi, không sát vào vỏ, nằm đúng vị trí theo yêu cầu theo yêu cầu phát triển của chúng.
Bạch Thị Thanh Dân và Nguyễn Quý Khiêm (2002) cũng cho rằng mục đích của việc đảo trứng là tránh cho phôi khỏi dính vào vỏ, làm cho quá trình trao đổi chất được cải thiện đồng thời có tác dụng làm phôi phát triển tốt nhất, đặc biệt quan tâm ở giai đoạn đầu và giữa. Trứng được đảo một góc 90o nếu xếp nghiêng, đảo 180o nếu xếp nằm ngang 2 giờ/1 lần. Một ngày đảo 10-12 lần. Nếu 6 ngày đầu không đảo trứng phôi dính vào vỏ không phát triển và chết. Sau 13 ngày không đảo túi niệu không khép kín, lượng anbumin không được vào bên trong túi niệu dẫn đến tỉ lệ chết phôi cao, khi gia cầm mổ vỏ sẽ không đúng vị trí, phôi bị dị hình ở phần mắt, mỏ, đầu.
Đảo trứng sai có thể gây tác động tiêu cực về trao đổi khí qua lớp màng đệm túi niệu, lòng trắng không được hấp thu nằm giữa lớp màng đệm túi niệu và lớp màng vỏ bên trong, do đó làm giảm sự trao đổi khí, giảm áp lực oxy động mạch của phôi và tăng giá trị haematocrit (Deeming, 1989; Wilson, 1991).