4. Tóm tắt nội dung đề tài
2.3.2: Những hạn chế
- Tuy ở trong bản quy hoạch thương mại tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 có đề cập tới định hướng về phát triển logistics, quy hoạch một số kho bãi, trung tâm logistics nhưng chưa cụ thể, thiếu tính tổng thể. Ví dụ như tỉnh đã có quy hoạch hệ thống kho bãi nhưng mới chỉ dừng lại ở địa điểm kho bãi, diện tích quy hoạch chưa có thời gian cụ thể, lộ trình rõ ràng.
- Dịch vụ vận chuyển và giao nhận mới chỉ mang tính chất truyền thống, ví dụ: các loại hình vận tải chủ yếu vẫn là vận tải đơn phương thức, đa phương thức nội địa. Doanh thu vận tải đường bộ, năm 2012 chiếm 95,22% tổng doanh thu từ vận tải, kho bãi và các dịch vụ khác, năm 2013 là 98, 12%. Chất lượng hệ thống giao thông vận tải, điện lực và bưu chính viễn thông hiện mới chỉ dừng lại ở việc đáp ứng những yêu cầu cơ bản. Toàn tỉnh mới chỉ có 1 cảng biển, chưa có sân bay nào hoạt động. Trong thời gian tới, một cơ hội to lớn về phát triển dịch vụ logistics đang mở, thì với cơ sở hạ tầng hiện có, Quảng Trị khó lòng có thể nắm bắt tốt nếu không nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng của mình mang tầm quốc tế.
- Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chưa hình thành các loại hình bán buôn hiện đại, được tổ chức chuyên nghiệp như chợ bán buôn; sở giao dịch hàng hoá; trung tâm bán buôn; kho hàng hóa; tổng kho quy mô lớn và hệ thống phân phối theo mô hình Cash & Cary hay hội chợ bán buôn. Mạng lưới bán lẻ hàng hoá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chủ yếu gồm các loại hình truyền thống như chợ và các loại hình cửa hàng bán lẻ, các loại hình bán lẻ hiện đại như trung tâm thương mại; siêu thị (tổng hợp và chuyên doanh) và các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh đã xuất hiện nhưng chưa phát triển. Với tổng số 80 chợ trên 141 xã, phường, thị trấn, Quảng Trị có mật độ chợ tính theo đơn vị hành chính xã, phường là 0,57 chợ/xã, phường, thị trấn, thấp hơn mức bình quân cả nước là 0,71 chợ/xã, phường, thị trấn.
- Số lượng các trạm thu mua hàng hóa, các trung tâm logistics, các bến bãi còn ít, quy mô còn nhỏ, hoạt động chưa thực sự chuyên nghiệp. Cụ thể: toàn tỉnh hiện
có 02 trung tâm logistics đi vào hoạt đông tại huyện Gio Linh và Hướng Hóa, 01 trung tâm đang được quy hoạch để xây dựng; có 03 trạm thu mua hàng hóa, 09 kho, bãi hàng hóa đang được quy hoạch với diện tích khiêm tốn là 190.000m².
- Nếu xét trên quan điểm hệ thống tổ chức dịch vụ logistics: thì hiện tại, dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Trị mới tập trung vào hệ thống cung ứng vật tư và hệ thống cung ứng thành phẩm. Hệ thống thu hồi ( tái chế và tái sử dung) chưa được phát triển.
- Hiện tại, đội ngũ lao động được đào tạo, có chuyên môn kỹ thuật của tỉnh còn hạn chế. Năm 2011, số người đạt trình độ từ sơ cấp, có chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 39,4% (trong đó cao đẳng, đại học trở lên chiếm 7,3%; trung học chuyên nghiệp 5,4%; công nhân kỹ thuật có bằng 3,9%, công nhân kỹ thuật không bằng 21%, sơ cấp/chứng chỉ nghề 1,8%), còn lại phần lớn là lao động không có chuyên môn kỹ thuật chiếm tới 60,6%. Mặt khác, Quảng Trị gặp không ít khó khăn trong việc nâng cao chất lượng lao động do toàn tỉnh hiện chỉ có 3 trường trung cấp chuyên nghiệp và 1 trường cao đẳng và 1 phân hiệu của Đại học Huế. Đây chính là một trở ngại trong việc phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, phát triển dịch vụ logistics nói riêng.
- Việc phát triển các dịch vụ logistics vẫn còn tự phát, chưa có đinh hướng cụ thể, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được đầy đủ dẫn tới một số hệ lụy cho xã hội như tắc đường, ô nhiễm môi trường…