Thứ nhất,chất lượng lao động thấp, khó chuyển nghề.
Trong những đối tượng bị THĐ thì nhìn chung là chất lượng lao động ở đây thấp nên lao động trong KCN phần lớn là làm công việc phổ thông, thường không ổn định và thu nhập thấp. Bên cạnh đó, hầu hết số lao động làm ở các KCN đều trong độ tuổi 18 - 30, còn số lượng lớn lao động trong độ tuổi 31 - 55 lại không thuộc diện tuyển dụng của doanh nghiệp. Ngay cả việc thắt chặt tuyển dụng lao động đối với doanh nghiệp cũng được nhiều địa phương xúc tiến khá kiên quyết, nhưng do những hạn chế về trình độ và chất lượng dạy nghề, số lao động địa phương được tuyển vào các KCN chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Tất nhiên, cũng không ít chủ đầu tư tìm mọi cách để "né" trách nhiệm này. "Chúng ta cần phải có chế tài nghiêm đối với việc cam kết tuyển dụng của các doanh nghiệp khi tham gia vào đầu tư tại địa phương, chứ không thể CNH bằng mọi giá mà bỏ qua trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp" - một quan chức ngành LĐ-TB và XH bức xúc.
Thứ hai, tư tưởng ỷ lại còn phổ biến trong một bộ phận người dân.
Theo khảo sát trong số những nông dân không có việc làm thì số người có độ tuổi từ 35 trở lên chiếm 76,5%. Đó là độ tuổi quá muộn để đi học và quá sớm để được nghỉ ngơi. Trong khi đó, hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp khi tuyển lao động đều ưu tiên nhận người trẻ, những người vừa có sức khỏe lại dễ đào tạo.Đó là một cái khó cần được cảm thông. Nhưng cũng không ít hộ dân ỷ vào chính sách hỗ trợ và tiền đền bù của Nhà nước, chưa chủ động tìm kiếm việc làm. Phần lớn họ chỉ muốn kiếm đồng tiền trước mắt, trang trải hằng ngày. Họ cũng chẳng mặn mà với việc dùng tiền đền bù để học nghề. Thực tế cho thấy chỉ 11,2% số nông dân được hỏi cho biết có sử dụng tiền được đền bù để học nghề mới. Ấy là chưa kể tình trạng "chán học
nghề", do địa phương đưa những dự án không phù hợp, vừa tốn tiền của Nhà nước lại mất thời gian, công sức của nông dân.
Bất cập còn ở chỗ, một số biện pháp Chính quyền địa phương đưa ra như hỗ trợ chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác, phát triển khu đô thị - dịch vụ liền kề gắn với KCN, tăng cường đào tạo nghề, ban hành chính sách khuyến khích KCN, doanh nghiệp lớn xây dựng cơ sở đào tạo nghề tại chỗ, v.v. lại chưa phát huy được hiệu quả..
Mặc dù hầu hết số người đến độ tuổi lao động trong toàn huyện Hoài Đức thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp đều được tham gia các lớp học nghề miễn phí. Bằng hình thức "cầm tay chỉ việc" và dạy nghề lưu động, các trung tâm dạy nghề huyện đã góp phần tạo việc làm, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động tại các vùng nông thôn, nhất là vùng có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi.
Tuy vậy, số người tìm được việc làm ổn định sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp còn rất thấp. Ngoài một số nghề như đi làm thuê theo thời vụ, buôn bán nhỏ, chạy xe ôm… nhiều nông dân cũng không biết làm việc gì khác, đặc biệt những lao động ở độ tuổi trên 35 rất khó tìm được việc làm ổn định.