. t-test tot_P_ha == 100 tot_P_ha 80 11917 710 6348 10505 1
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản chính của Việt Nam tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng từ xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân trong ngành hàng này, đặc biệt là nông dân và tiểu thương. Từ đầu những năm 90 cho tới năm 1996-1997 cà phê luôn là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau gạo, đưa Việt nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới sau Brazil. Nhiều hộ ở các vùng trồng cà phê đã nhanh chóng trở nên giàu có trong thời gian này.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc qúa nhiều vào thị trường thế giới mà không có các biện pháp hỗ trợ thương mại hiệu qủa đã khiến Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng cà phê trầm trọng khắp thế giới kể từ năm 1998. Hiện nay mặc dù đã xuất hiện một số tín hiệu tốt trên thị trường cà phê thế giới, song Việt Nam lại đang đối mặt với những thách thức mới để hướng tới phát triển cà phê bền vững.
Các yếu tố đầu vào trong sản xuất cà phê đang gặp nhiều khó khăn. Nước - nguồn nguyên liệu đầu vào rất quan trọng trong sản xuất cà phê đang bị khai thác qúa mức, nhất là trong điều kiện thời tiết ngày càng khô hanh. Giá nhiên liệu đang trên đà gia tăng trên thị trường thế giới cũng như ở thị trường Việt Nam, khiến cho chi phí tưới nước ngày càng trở nên tốn kém. Thêm nữa, giá phân bón và thuốc trừ sâu cũng đang gia tăng trong những năm gần đây, khiến cho chi phí sản xuất cà phê tăng mạnh. Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho người sản xuất cà phê tuy đã được cải thiện song không phải lúc nào cũng đáp ứng được đúng yêu cầu đúng đối tượng.
Các vấn đề nêu trên khiến cho việc thực hiện nghiên cứu “đánh giá thực tiễn sử dụng các yếu tố đầu vào cho sản xuất cà phê Đắk Lắk” trở nên rất cần thiết. Nghiên cứu sẽ mô tả thực tiễn quản lý tài nguyên (nước, phân bón, thuốc trừ sâu) của người nông dân trồng cà phê, so sánh với những khuyến cáo của các cơ quan nghiên cứu và hệ thống khuyến nông để đưa ra những khuyến nghị chính sách cho cả cấp trung ương và địa phương.
Sau nửa năm thực hiện nghiên cứu, các kết qủa sơ bộ đã cho thấy một bức tranh lý thú về việc sử dụng nguồn tài nguyên trồng cà phê của tỉnh Đắc Lắc, cụ thể như sau:
* Nước tưới:
Người nông dân ở 2 huyện Krong Ana và CuMgar chủ yếu sử dụng biện pháp tưới gốc với chi phí đầu tư ban đầu thấp và dễ áp dụng. Chỉ có 15% số hộ áp dụng biện pháp tưới phun với chi phí đầu tư ban đầu rất lớn nhưng hiệu qủa năng suất cà phê rất cao. Kết qủa nghiên cứu cho thấy nông dân sử dụng 815 lít nước/cây nếu áp dụng biện pháp tưới gốc và 630 lít nước/cây nếu sử dụng biện pháp tưới phun. So với khuyến cáo của WASI và của các nhà nghiên cứu khác (Dave, 2003), lượng nước sử dụng của cả hai phương pháp đều cao qúa mức, với chênh lệch là 315 lít/cây đối với biện pháp tưới gốc và 153 lít/cây đối với biện pháp tưới phun.
Lượng nước sử dụng của Krong Ana thấp hơn nhiều so với CuMgar, với mức chệnh lêch là 304 lít/cây đối với biện pháp tưới gốc và 43 lít/cây đối với biện pháp tưới phun. Tuy nhiên, năng suất cà phê năm 2004 của CuMgar (2,62 tấn/ha) lại thấp hơn rất nhiều so với của Krong Ana (2,98 tấn/ha). Như vậy, tưới nhiều nước không hẳn đã nâng cao năng suất cà phê, đặc biệt là phân tích thống kê cho thấy lượng nước tưới không có tương quan ý nghĩa với năng suất cà phê.
Lượng nước sử dụng nhiều nhất là ở nhóm hộ giàu (976 lít/cây bằng biện pháp tưới gốc), kế đến là nhóm hộ trung bình (735 lít/cây) và hộ nghèo (722 lít/cây). Sự khác biệt có thể là do nhóm hộ giàu với thu nhập cao hơn nên có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho hệ thống nước tưới. Tuy nhiên, năng suất cà phê lại cao nhất ở nhóm thu nhập trung
bình (3,02 tấn/ha). Năng suất cà phê của nhóm hộ giàu và hộ nghèo không khác nhau nhiều (lần lượt là 2,67 tấn/ha so với 2,64 tấn/ha). Điều này cũng khẳng định kết qủa phân tích nêu trên, tưới quá nhiều nước đã không nâng cao được năng suất cà phê.
Nghiên cứu cũng xem xét số lần tưới nước của các hộ nông dân địa phương. Kết qủa cho thấy có tới 68% hộ nông dân tưới nước qúa 4 lần trong năm 2004, trong đó có 2% số hộ thậm chí tưới đến 7 lần. Tuy nhiên khi phân tích phân bố lượng mưa năm 2004, các nhà nghiên cứu đã khuyến cáo chỉ nên tưới từ 2-3 lần cho cây cà phê trong năm 2004, đủ để cây cà phê ra hoa ra hạt đúng kích cỡ. Điều này cho thấy hầu hết nông dân đều lạm dụng tưới nước so với số lần tưới khuyến cáo cho năm 2004. Trong các nhóm thu nhập khác nhau, số lần tưới của nhóm hộ giàu ít hơn nhóm hộ trung bình và hộ nghèo. Chỉ có 41% hộ giàu tưới 4 lần, số còn lại chỉ tưới 3 lần, trong khi đó con số này của nhóm hộ nghèo là 70% số hộ tưới 4 lần, thậm chí có 8% số hộ tưới tới 6-7 lần. Để đánh giá được tác động môi trường đối với nguồn tài nguyên nước trong vùng, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp từng được các nhà nghiên cứu khác áp dụng để tính toán mực nước ngầm còn lại của lưu vực Eatul. Kết qủa cho thấy mực nước ngầm còn lại luôn luôn âm đối với cả hộ tưới phun lẫn hộ tưới gốc, song mực nước ngầm của những hộ áp dụng phương pháp tưới phun thấp hơn so với tưới gốc. Mực nước ngầm còn lại ở huyện Krong Ana cao hơn so với huyện CuMgar khi sử dụng biện pháp tưới gốc và thấp hơn khi sử dụng biện pháp tưới phun. Mực nước ngầm còn lại của nhóm hộ giàu bao giờ cũng thấp hơn so với hai nhóm kia trong cả hai biện pháp tưới nước. Đánh giá tác động kinh tế của việc sử dụng nước đối với sản xuất cà phê được thực hiện bằng phương pháp phân tích chi phí. Khi sử dụng biện pháp tưới phun, tổng chi phí tưới nước luôn cao hơn khi sử dụng biện pháp tưới gốc. Trong đó, chi phí cố định của biện pháp tưới phun cao hơn rất nhiều so với biện pháp tưới gốc. Chi phí hoạt động của biện pháp tưới phun vẫn còn thấp hơn chút ít so với biện pháp tưới gốc, bởi vì phương pháp tưới phun sử dụng ít lao động hơn phương pháp tưới gốc. Chi phí khi sử dụng lao động gia đình cũng cao hơn rất nhiều so với khi không sử dụng lao động gia đình, cho thấy lao động gia đình cũng là một nguồn quan trọng trong sản xuất cà phê.
Với những hộ áp dụng biện pháp tưới gốc, chi phí cố định và chi phí hoạt động của Krong Ana cao hơn CuMgar 9% và 22%. Sở dĩ như vậy là do cả chi phí nhân công và chi phí nhiên liệu ở Krong Ana đều cao hơn ở CuMgar.
Tất cả các hạng mục chi phí của những hộ sử dụng nguồn nước công cộng đều cao hơn so với các hộ sử dụng nguồn nước tư nhân. Sở dĩ như vậy là do khi sử dụng biện pháp tưới gốc, chi phí về ống dẫn nước và máy bơm nước từ nguồn nước công cộng cao gấp 4 lần và 1,1 lần so với khi sử dụng nguồn nước tư nhân. Với biện pháp tưới phun, giá máy bơm và giá thiết bị phun nước, tưới nước của nguồn nước công cộng đều cao hơn rất nhiều so với nguồn nước tư nhân. Chi phí nhân công và nhiên liệu không khác nhau nhiều giữa hai nhóm này.
Hiện nay, chi phí tưới phun cao hơn chi phí tưới gốc. Tuy nhiên, lượng nước dùng cho biện pháp tưới gốc cao hơn rất nhiều so với tưới phun. Như vậy nếu trong tương lai, nông dân phải trả phí sử dụng nước thì chi phí tưới gốc sẽ chắc chắn cao hơn rất nhiều. Điều này cho thấy hiện nay người nông dân chưa áp dụng đúng phương pháp tưới gốc, làm ảnh hưởng lớn đến mực nước ngầm.
sản xuất cà phê của Đắc Lắc sử dụng 11 loại phân bón khác nhau. Nhìn chung, mỗi hộ sử dụng khoảng 1.140 kg phân bón/tấn cà phê. Các hộ ở Krong Ana sử dụng phân bón ít hơn so với CuMgar. Hộ giàu sử dụng lượng phân bón ít nhất, tức là khoảng 1.061 kg/tấn cà phê so với 1.240 kg và 1.161 kg/tân của nhóm hộ trung bình và hộ nghèo trong năm 2004, nhưng hộ giàu lại sử dụng nhiều phân hóa học nhất.
Nhóm nghiên cứu cũng tính toán lượng dinh dưỡng từ phân bón. Các hộ sản xuất cà phê bón nhiều đạm nhất, với sự khác biệt lớn về lượng phân bón trong số 80 hộ điều tra trong năm 2004. Các hộ ở huyện CuMgar sử dụng phân hoá học nhiều hơn so với các hộ ở Krong Ana. Tuy nhiên, trên thực tế năng suất cà phê năm 2004 của Krong Ana (2,9 tấn/ha) còn cao hơn 0,3 tấn/ha so với của CuMgar (2,6 tấn/ha). Do vậy, năng suất cà phê không chỉ phụ thuộc vào lượng phân bón, mà còn phụ thuộc vào kỹ thuật trồng cà phê hiệu qủa. Nhóm thu nhập cao sử dụng nhiều phân hoá học hơn nhóm thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là Kali.
Để có thể đánh giá được tác động môi trường của việc sử dụng phân bón, nhóm nghiên cứu đã tính toán dư lượng phân hoá học đơn. Kết qủa cho thấy mức dư của 3 yếu tố đều rất lớn, nhiều nhất là lân, kế đến là đạm và kali với độ lệch chuẩn rất lớn, qua đây cho thấy lượng phân bón sử dụng giữa các hộ là rất khác nhau. Nhiều hộ sử dụng rất hiệu qủa, trong khi một số hộ khác lại sử dụng qúa ít hoặc qúa nhiều phân bón.
Để đánh giá tác động đến môi trường, nhóm nghiên cứu đã so sánh lượng phân hoá học thực tế sử dụng với lượng phân bón khuyến cáo, tất cả đều cho thấy dư lượng rất lớn, làm tổn hại tới môi trường, ví dụ như nước ngầm, trong đó có cả nước phục vụ sản xuất nông nghiêp và nước sinh hoạt hàng ngày.
Nông dân ở hai huyện bón phân trung bình 5,6 lần năm 2004, cao hơn rất nhiều so với mức khuyến cáo của các chuyên gia cà phê là 2 lần trong năm 2004. Số lần bón phân ở CuMgar có cao hơn đôi chút so với ở Krong Ana và cao hơn ở nhóm hộ giàu so với nhóm hộ trung bình và hộ nghèo.
* Thuốc trừ sâu:
Có tới 77,5% số hộ cho biết đã sử dụng 7 loại thuốc trừ sâu khác nhau để trị các loại bệnh do rệp, bọ sáp, kiến và các loại sinh vật khác gây ra. Tính trung bình một hộ trong năm 2004 đã phun 2,60 lít thuốc trừ sâu các loại. Con số này cao hơn nhiều so với 1,3 lít của năm 2003 do sâu bọ hại năm 2003 không nhiều như năm 2004. Lượng thuốc trừ sâu trung bình năm 2004 không khác nhau nhiều giữa Krong Ana và CuMgar. Nhóm thu nhập trung bình (3,19 lít năm 2004) sử dụng nhiều thuốc trừ sâu hơn nhóm hộ giàu và hộ nghèo (2,75 lít và 1,9 lít/năm).
Nhìn chung, người nông dân ở vùng điều tra đã phân biệt được 3 loại bệnh hại cây cà phê, đó là rệp (7,5% trong tổng số hộ điều tra), vảy nến (31,2%) và kiến (5,4%). Tuy nhiên kiến không được xem như một loại sâu bệnh hại, mà chỉ là một loài truyền bệnh. Hơn nữa, người nông dân coi tất cả các loại bệnh khác đều là sâu bọ. Nhiều người không biết tên cụ thể của loại bệnh, do vậy họ không biết nên sử dụng loại thuốc trừ sâu nào cho loài bệnh gì. Hầu hết các loại thuốc trừ sâu mà nông dân sử dụng để trị các loại bệnh đều không được các viện nghiên cứu khuyến cáo sử dụng để trị những căn bệnh cây đó.
Như vậy, các viện nghiên cứu và cơ sở khuyến nông cần hợp tác chặt chẽ, thường xuyên hơn để cung cấp kiến thức cho nông dân về các loại bệnh gây hại phổ biến cho cây cà phê và các biện pháp phòng trừ, đặc biệt là nhóm dân nghèo do họ không có khả năng đầu tư nhiều vào chăm sóc cây cà phê ngay từ đầu
* Dịch vụ khuyến nông
Ở vùng điều tra khi có tới 99% số hộ điều tra đã nhận được các dịch vụ khuyến nông trong năm 2004, các hộ ở Krong Ana nhận được nhiều hơn các hộ ở CuMgar. Hầu hết các dịch vụ khuyến nông đều được cung cấp từ các cơ quan khuyến nông cho người nông dân và đây cũng là các dịch vụ có chất lượng tốt nhất. Tất cả các dịch vụ khuyến nông đều được cung cấp miễn phí. Người nghèo được hưởng ưu đãi nhận trợ giúp về khuyến nông. Đặc biệt là nhận thức của người nông dân về tầm quan trọng của khuyến nông cũng đang được nâng lên khi có tới 65% số hộ đồng ý trả chi phí khuyến nông trong tương lai nếu như các dịch vụ khuyến nông đó đạt yêu cầu chất lượng.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn và hạn chế trong các hoạt động khuyến nông. Thứ nhất, loại hình cung cấp dịch vụ vẫn chỉ là những loại hình truyền thống, người nông dân vẫn chưa tiếp cận được với các dịch vụ qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền hình, đài phát thanh và mạng internet. Thứ hai, các viện nghiên cứu chưa chủ động tham gia vào việc chuyển giao công nghệ cho hệ thống khuyến nông. Thứ ba, vẫn còn thiếu sự hỗ trợ khuyến nông hai chiều. Thứ tư, các dịch vụ khuyến nông được cung cấp chủ yếu dưới hình thức các lớp tập huấn và chỉ diễn ra một năm một lần.
KHUYẾN NGHỊ
* Cho Bộ và chính quyền địa phương
- Thường xuyên theo dõi và đánh giá việc sử dụng các yếu tố đầu vào để đưa ra khuyến nghị kịp thời
- Thiết lập cơ chế quản lý thống nhất trong ngành cà phê nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với ngành và đặc biệt là mối quan hệ giữa viện nghiên cứu và hệ thống khuyến nông thông qua các hình thức:
+ Các Viện nghiên cứu phải báo cáo kết quả nghiên cứu hàng năm cho Bộ và từ đó Bộ có thể chuyển giao lại cho các đơn vị khác và hệ thống khuyến nông.
+ Tạo nên cơ chế chuyển giao thông tin lẫn nhau giữa hai hệ thống nghiên cứu và khuyến nông, chẳng hạn như có thể đưa vào hợp đồng nghiên cứu hoặc quyết định giao kế hoạch hàng năm một điều khoản về chuyển giao công nghệ. Cách làm đó cũng rất hữu hiệu trong việc đánh giá ngay tính thực tiễn và hiệu quả của kết quả nghiên cứu.
- Thường xuyên thu thập kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước (đặc biệt qua tổ chức ICO) và chuyển giao qua hệ thống khuyến nông.
- Mở rộng các hình thức phổ biến thông tin như TV, báo, bưu điện, bảng thông báo, truyền thanh địa phương, internet.
- Các vấn đề về tài chính: hỗ trợ tài chính cho các hoạt động khuyến nông và khoa học cần được điều chính theo các hướng sau:
+ Kinh phí cần được cấp dựa trên yêu cầu từ dưới lên. Hệ thống khuyến nông và nghiên cứu phải lập kế hoạch dựa trên thực tiễn sản xuất và những khó khăn nông dân mắc phải. Điều này yêu cầu phải có hệ thống giám sát đánh giá và giám sát tốt để kịp thời điều chỉnh các yêu cầu và nhiệm vụ nghiên cứu.
+ Thời gian lập kế hoạch và thông qua kế hoạch cần được rút ngắn. Trên thực tế, có đơn vị nghiên cứu ở Đắk Lắk phải chờ đến hơn 2 năm để được thông qua kế hoạch. Đến lúc đó, tính thời sự và cấp thiết của nghiên cứu đã giảm đi rất nhiều.
+ Cần giao quyền tự chủ tài chính cho khuyến nông và nghiên cứu thông qua hình thức khoán kinh phí đề các đơn vị có thể điều chỉnh đáp ứng yêu cầu thực tế và đặc biệt có thể trả lương cao hơn cho các cán bộ nghiên cứu và khuyến nông. Cần giành một quỹ linh hoạt để các