Tuổi, cân nặng, chiều cao, BM

Một phần của tài liệu Đánh giá các ảnh hưởng trên tuần hoàn và hô hấp khi sử dụng PCA tĩnh mạch fentanyl (Trang 53)

Chương 4 BÀN LUẬN

4.1.1.Tuổi, cân nặng, chiều cao, BM

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ở bảng 3.1 cho thấy: các bệnh nhân trong nhóm 1 có tuổi trung bình là 44 ± 12,59 và nhóm 2 là 42,75 ± 12,35 tuổi, trẻ nhất là 18 tuổi, già nhất là 73 tuổi. Sự khác biệt về tuổi ở hai nhóm nghiên cứu không có ý nghĩa thống kê với p>0,05.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi lựa chọn bệnh nhân tuổi từ 18 trở lên vì đây là tuổi trưởng thành có thể trả lời chính xác các câu hỏi đặt ra, cảm nhận những cảm giác đau sau phẫu thuật và mô tả được tương đối chính xác trên thang điểm đau VAS.

Các khuyến cáo về quản lý đau và sử dụng phương pháp PCA điều trị đau cho thấy, yếu tố nhận thức của bệnh nhân có ảnh hưởng đến hiệu quả và đáp ứng giảm đau thông qua phương pháp này. Việc chọn nhóm tuổi bệnh nhân như chúng tôi đã thực hiện giúp cho kết quả nghiên cứu được khách quan và trung thực.

Về cân nặng trung bình của bệnh nhân, kết quả bảng 3.1 cũng cho thấy sự khác nhau không có ý nghĩa thống kê về cân nặng giữa hai nhóm. Cân nặng trung bình của nhóm 1 và 2 tương ứng là 44,88±12,59kg và 42,75 ± 12,35 kg với p>0,05.

Chiều cao trung bình của nhóm 1 là 157 ± 0,07 cm, của nhóm 2 là 156 ± 0,05 cm. Kết quả này cũng phù hợp với hằng số của người Việt Nam.

Motamed C. và cộng sự (2006) sử dụng PCA tĩnh mạch morphin để giảm đau ở 24 bệnh nhân sau phẫu thuật bướu giáp dưới gây mê nội khí quản có tuổi 44 ± 12; cân nặng 70 ± 16 kg [40].

M.Gehling và cộng sự (2010) nghiên cứu giảm đau sau phẫu thuật bướu giáp dưới gây mê nội khí quản bằng PCA tĩnh mạch piritramid, thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, nhận thấy bệnh nhân ở nhóm chứng có tuổi 50 ± 15,1; cân nặng 79 ± 16 kg; cao 169 ± 8,6 cm [39].

Y. E. Moon và cộng sự (2012) nghiên cứu giảm đau và dự phòng buồn nôn và nôn sau phẫu thuật bướu giáp dưới gây mê nội khí quản bằng PCA tĩnh mạch fentanyl và ondansetron, nhận thấy nhóm ondansetron có tuổi 43,8; cao 159 ± 4,9 cm; cân nặng 58,1 ± 7,5kg [48].

Susanne Abdulla và cộng sự (2012) sử dụng PCA tĩnh mạch piritramid, thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, để giảm đau sau phẫu thuật bướu giáp dưới gây mê nội khí quản nhận thấy cho bệnh nhân tuổi 47,9 ± 11,8 và BMI 29,7 ± 5,9 [45].

So Yeon Kim (2008) nghiên cứu 45 bệnh nhân giảm đau và chống nôn sau phẫu thuật bướu giáp dưới gây mê nội khí quản bằng phương pháp PCA tĩnh mạch fentanyl và ondansetron có tuổi 47 ± 7; cân nặng 58,9 ± 7,7 kg; BMI 23,9 ± 2,9 [44].

Trong nghiên cứu của chúng tôi ở cả hai nhóm đều có 25% bệnh nhân có chỉ số BMI ≥ 25 (kg/m2). Theo Apfel (2003) những người có chỉ số BMI ≥ 25(kg/m2) thì tăng 1,5 lần nguy cơ buồn nôn,nôn sau phẫu thuật.

Ngoài ra, chúng tôi còn nhận thấy ở nhóm 1 có 32,5% và ở nhóm 2 có 30% số bệnh nhân có BMI thấp (bảng 3.2.), đây có thể là hậu quả của bệnh lý cường chức năng tuyến giáp. Trong nghiên cứu này ở nhóm 1 có 12,5%và nhóm 2 có 15% bệnh nhân mắc basedow (bảng 3.5), các bệnh nhân này có chuyển hóa cơ sở cao hơn bình thường trong thời gian dài và có các tổn thương do nồng độ hormon tuyến giáp cao trong máu. Triệu chứng gày sút cân là một biểu hiện điển hình của bệnh lý này. Việc chỉ định phẫu thuật cắt

gần hoàn toàn tuyến giáp trong giai đoạn bình giáp giúp bệnh nhân phục hồi tình trạng sinh lý bình thường của cơ thể và giúp tăng cân.

Khi chỉ định sử dụng thuốc giảm đau sau mổ, các bệnh nhân quá cân, béo phì dễ dẫn đến khả năng phải tăng liều thuốc và do đó dẫn đến tích lũy thuốc trong cơ thể. Ngược lại, những bệnh nhân gầy sẽ cần giảm liều thuốc và có thể có tình trạng quá liều thuốc nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

4.1.2. Giới

Kết quả bảng 3.3 cho thấy sự phân bố nữ nhiều hơn nam ở cả hai nhóm trong tổng số 80 bệnh nhân. Nhóm 1 có 38 bệnh nhân nữ (95%) và 2 bệnh nhân nam (5%) và nhóm 2 có 40 bệnh nhân nữ (100%).

Trong nghiên cứu này, bệnh nhân nữ chiếm tỷ lệ cao là phù hợp vì đây là đặc điểm đặc thù về giới của bệnh lý bướu cổ. Kết quả của chúng tôi phù hợp với kết quả của Susanne Abdulla và cộng sự (2012) là tỷ lệ nữ/nam = 27/3 [45]

Ngoài ra tỷ lệ nữ cao hơn cũng góp phần gia tăng tỷ lệ buồn nôn, nôn sau phẫu thuật vì theo Apfel (2003) phụ nữ có nguy cơ buồn nôn và nôn sau phẫu thuật gấp 3 lần nam giới [17].

Một phần của tài liệu Đánh giá các ảnh hưởng trên tuần hoàn và hô hấp khi sử dụng PCA tĩnh mạch fentanyl (Trang 53)