Biến đổi về hình thức gia đình

Một phần của tài liệu Sự biến đổi của gia đình trong kinh tế trị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở tỉnh hưng yên hiện nay (Trang 56)

Ở tỉnh Hưng Yên hiện nay chủ yếu có hai hình thức tổ chức gia đình: Gia đình hạt nhân gồm 2 thế hệ (bố mẹ và con cái sống chung) và gia đình mở rộng nhiều thế hệ sống chung (nhưng chủ yếu là ba thế hệ). Ngoài ra còn có một số ít những gia đình không đầy đủ như chỉ có mẹ hoặc bố ở cùng với các con. Quá trình đô thị hoá cùng với kết quả của chương trình sinh đẻ có kế hoạch đang làm giảm đáng kể số lượng gia đình mở rộng, thay vào đó là dạng gia đình hạt nhân ngày càng gia tăng. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội gắn liền với xu hướng di dân tự do đã làm cho mô hình gia đình hạt nhân phát triển. Gia đình hạt nhân là gia đình có bố mẹ, hay chỉ có bố hoặc mẹ sống cùng con cái (gia đình hạt nhân không đầy đủ). Sự tồn tại và phát triển của hình thức gia đình hạt nhân là một xu hướng khách quan, gắn liền với cuộc sống của xã hội hiện đại.

Gia đình hạt nhân có khá nhiều ưu điểm, nó tạo ra sự bình đẳng về địa vị kinh tế và tình cảm giữa vợ và chồng, tạo điều kiện cho họ phấn đấu tốt hơn cho xã hội, sống không quá phụ thuộc vào việc giải quyết những quan hệ tình cảm phức tạp của một gia đình lớn. Các cặp vợ chồng cũng tránh được những sự tù túng về “cơm áo gạo tiền” của cuộc sống gia đình, có được sự tự do cá nhân nhiều hơn để tập trung cho công việc hay học tập phấn đấu thực hiện những mục tiêu quan trọng của cuộc đời. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, toàn tỉnh Hưng Yên có 326.238 hộ gia đình,

trong đó gia đình 1 người có 34.466 hộ, chiếm 10.56% tổng số hộ được điều tra; gia đình 2 người có 57.732 hộ, chiếm 17.69%; gia đình 3 người có 64.174 hộ, chiếm 19,67%, gia đình 4 người có 99.792 hộ, chiếm 30.58% hộ; gia đình 5 người có 44.413 hộ, chiếm 13.61%; gia đình 6 người có 19.314, chiếm 5.92%; gia đình 7 người có 4010 hộ, chiếm 1,22%; gia đình 8 người có 1414 hộ, chiếm 0,43%; gia đình có 9 người có 923 hộ, chiếm 0,28% [4, tr. 734].

Tuy nhiên, sự tồn tại của gia đình hạt nhân cũng để lại khá nhiều hậu quả tiêu cực, trong điều kiện cả hai vợ chồng đều tham gia các hoạt động xã hội thì cuộc sống riêng của gia đình dường như tẻ nhạt hơn. Những bữa ăn nhanh tại công sở đã thay thế cho ngọn lửa hồng của mái ấm gia đình. Con cái gần gũi với thầy cô giáo, bạn bè nhiều hơn với cha mẹ, ông bà, v.v. dẫn đến tình cảm của gia đình cũng ít đầm ấm hơn. Sự phát triển của mô hình gia đình hạt nhân khiến cho việc chăm sóc, giáo dục con cái có nhiều thay đổi, việc phụng dưỡng cha mẹ già không được quan tâm đầy đủ. Trong xã hội hiện đại, không ít người già đã bày tỏ sự phàn nàn của mình về việc con cái dường như đã bỏ quên họ hoặc thoái thác trách nhiệm với họ. Đây chính là thực trạng chung trong sự biến đổi cấu trúc gia đình Việt Nam nói chung và gia đình ở tỉnh Hưng Yên nói riêng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Một phần của tài liệu Sự biến đổi của gia đình trong kinh tế trị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở tỉnh hưng yên hiện nay (Trang 56)