Sự biến đổi về hôn nhân

Một phần của tài liệu Sự biến đổi của gia đình trong kinh tế trị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở tỉnh hưng yên hiện nay (Trang 27)

Hôn nhân là sự cam kết chung sống giữa những người trưởng thành khác giới và sự phê chuẩn của pháp luật. Những người kết hôn có những quyền và nghĩa vụ đối với nhau cũng như quyền và nghĩa vụ đối với con cái do họ sinh ra. Bất kể cả những khác biệt về văn hóa, hôn nhân là một thể chế xã hội, nó đòi hỏi những điều kiện và những thủ tục cần thiết như tuổi kết hôn, phạm vi kết hôn, những nghi thức về pháp lý, phong tục, tôn giáo. Giống như mọi thể chế xã hội khác, hôn nhân chịu sự tác động của các nhân tố kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong xã hội truyền thống, cha mẹ là người quyết định hôn nhân của con cái và con cái tuân theo sự sắp đặt hôn nhân của cha mẹ. Cụm từ “lấy vợ gả chồng cho con” là hoàn toàn phổ biến. Việc lấy ai làm vợ làm chồng là công việc của cha mẹ hai bên.

Ngày nay, việc thực hiện dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội và hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện cho những quan điểm mới về hôn nhân của các quốc gia khác ảnh hưởng đến gia đình Việt Nam. Tuy vậy, ở Việt Nam hiện nay, kết hôn vẫn là điều thiêng liêng, được coi là việc trọng đại của hai người, gia đình, dòng họ, v.v.. Phần lớn các cuộc hôn nhân đều đảm bảo về mặt pháp lý, nam nữ hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn bạn đời trên tinh thần dân chủ, bình đẳng và có sự đồng ý của cha mẹ hai bên. Hiện tượng tảo hôn vẫn tồn tại nhưng chủ yếu diễn ra ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Xu hướng kết hôn hiện nay, theo điều tra năm 2013, tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên chưa vợ/chồng chiếm 23,1%, so với năm 2012 giảm 1,3%. Tỷ trọng dân số đã từng kết hôn của dân số từ 15 tuổi trở lên là 76,9%, trong đó tỷ trọng dân số đang có vợ/chồng tương đối cao (68,2%). Xét về mặt giới tính, có sự khác biệt giữa nam và nữ. Tỷ lệ nam

chưa có vợ (26,8%) cao hơn 7,2% so với tỷ trọng nữ chưa có chồng (19,7%). Tỷ trọng góa, ly hôn/ly thân năm 2013 không tăng so với năm 2012 và giữ nguyên ở mức 8,7%. Tỷ trọng này ở nữ là 13,8% trong khi ở nam chỉ ở mức 3,3% [47, tr. 9]. Sự khác biệt này là do nam giới có khả năng tái hôn cao hơn và tỷ suất tử vong của nam thường cao hơn nữ.

Tuổi kết hôn, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nam và nữ có xu hướng tăng lên theo các giai đoạn và có sự khác biệt giữa khu vực cư trú, nghề nghiệp, học vấn. Trước năm 1975 tuổi kết hôn trung bình lần đấu của nam là 22,7 tuổi, nữ 20 tuổi; từ 1976 - 1986 nam là 23,3 tuổi, nữ là 21,1 tuổi; từ 1987 – 1999 nam là 24,3 tuổi, nữ là 21,9 tuổi; từ năm 2000 – 2006 nam là 25,6 tuổi, nữ 22,3 tuổi. Tại khu vực nội thành của các thành phố, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam là 26 tuổi và nữ là 23 tuổi, ở khu vực nông thôn nam là 23,2 tuổi, nữ là 20,8 tuổi. Những người làm công việc chuyên môn kỹ thuật cao có tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 25,8 tuổi với nam và 24,1 tuổi với nữ, trong khi nam lao động giản đơn là 22,9 tuổi và nữ là 20,7 tuổi [7, tr. 39 - 41]. Như vậy, có thể thấy, tuổi kết hôn của cả nam và nữ đều tuân thủ quy định của luật Hôn nhân và gia đình. Tuổi kết hôn của nữ thấp hơn nam, những người sống ở nông thôn, làm các công việc giản đơn có tuổi trung bình thấp hơn những người sống ở đô thị, làm các công việc có chuyên môn kỹ thuật.

Về đăng ký kết hôn: Theo quy định của luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, nam nữ kết hôn với nhau phải có đủ các điều kiện do pháp luật quy định và phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Nam nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống như vợ chồng thì sẽ không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 90% các cuộc hôn nhân ở Việt Nam là có đăng ký kết hôn.

Bảng 1. Đăng ký kết hôn theo giới tính người trả lời (%) Đăng ký kết hôn

Giới tính

Nữ Nam

Có đăng ký trước khi cưới 67,1 71,5

Có đăng ký sau khi cưới 22,3 19,9

Không đăng ký 10,6 8,6

Tổng 100 100

Nguồn: Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Điều tra cơ bản về thực trạng bình đẳng giới (2004-2006).

Tuy nhiên, những năm gần đây, trong thanh niên đã diễn ra hiện tượng sống thử trước hôn nhân và dư luận xã hội về hiện tượng này cũng rất khác nhau. Kết quả điều tra của Viện Gia đình và Giới năm 2010 tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: 58,6% số người được hỏi ý kiến cho rằng sống thử là một hiện tượng không bình thường, 28,2% cho là bình thường, 13,3% không có ý kiến [50, tr. 374]. Đánh giá về lợi ích của sống thử trước hôn nhân, 35,4% ý kiến cho rằng sống thử trước hôn nhân giúp chia sẻ tinh thần, tình cảm; 31,1% cho rằng được thử nghiệm tình cảm, sự hòa hợp, trách nhiệm trước cuộc sống lâu dài; 30,1% hỗ trợ nhau về kinh tế; 26,5% không bị ràng buộc về pháp lý; 11,3% không mất tiền tổ chức cưới xin, 10,1% không bị người khác can thiệp, 4,8% là các lợi ích khác [50, tr. 375-376]. Hậu quả của sống thử trước hôn nhân là người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là các cô gái trẻ trót mang thai ngoài ý muốn, hiện tượng nạo hút thai tăng. Bên cạnh đó, có một số nam nữ, đặc biệt là trong công nhân viên chức, trí thức và ở thành phố, do quan niệm tự do cá nhân cao, không muốn lập gia đình sớm, họ muốn có cuộc sống cá nhân độc lập, không bận bịu về công việc gia đình, không bị phụ thuộc vào các quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cái, để tập trung cho công việc. Có người lựa chọn con đường sống độc thân.

Về quyền quyết định hôn nhân: Quyền quyết định hôn nhân theo các thời kỳ kết hôn cũng cho thấy xu hướng thay đổi từ cha mẹ quyết định hoàn toàn sang hình thức con cái quyết định có hỏi ý kiến cha mẹ. Với những người kết hôn trước năm 1975, tỷ lệ hôn nhân do cha mẹ quyết định hoàn toàn là 14,0%. Tỷ lệ này ở người kết hôn từ năm 1976- 1986 là 7,9%, từ năm 1987-1999 là 4,4%. Từ năm 2000 – 2006, số người kết hôn do cha mẹ quyết định hoàn toàn là 5,2%. Tỷ lệ kết hôn do cha mẹ quyết định và có hỏi ý kiến con cái cũng có xu hướng giảm tương tự. Ngược lại, tỷ lệ kết hôn do bản thân người trả lời quyết định, có hỏi ý kiến cha mẹ tăng lên qua các thời kỳ. Trước năm 1975, có 57,7% người tự quyết định cuộc hôn nhân của mình có hỏi ý kiến cha mẹ, v.v.. Như vậy, sự chuyển biến hình thức quyết định hôn nhân diễn ra mạnh bắt đầu từ thời kỳ đổi mới đất nước. Tỷ lệ cuộc hôn nhân do người trả lời tự quyết định tương đối thấp và đồng đều ở các thời kỳ (khoảng 5% - 6%). Điều đó cho thấy, ở một khía cạnh nào đó, hôn nhân của cá nhân vẫn liên quan đến cả gia đình.

Bảng 2. Mô hình quyết định hôn nhân phân theo các thời kỳ (%) Trước 1975 1976- 1986 1987- 1999 2000- 2006 Cha mẹ quyết định 14,0 7,9 4,4 5,2

Cha mẹ hỏi ý kiến 19,8 14,5 11,3 12,3

Con quyết định, có hỏi cha mẹ

57,7 70,1 76,0 75,4

Con tự quyết định 5,7 5,5 6,3 5,1

Người khác 1,5 1,2 1,2 1,1

Nguồn: [7, tr. ]

Như vậy, dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, lớp trẻ hiện nay có xu hướng kết hôn muộn hơn, do họ muốn làm kinh tế, tạo dựng cơ sở vật chất, làm nền tảng vững chắc cho cuộc sống gia đình trước khi

bước vào cuộc sống hôn nhân. Bên cạnh đó, thanh niên hiện nay muốn có nghề nghiệp ổn định trước khi xây dựng gia đình.

Khi nói đến tự do kết hôn là phải nói đến tự do ly hôn. Đó là hai mặt của hôn nhân tự do và tiến bộ. Kể từ khi nền kinh tế chuyển đổi theo cơ chế thị trường, ly hôn có xu hướng không ngừng tăng lên trong phạm vi cả nước bởi đã nảy sinh nhiều quan niệm khác nhau về giá trị của tình yêu- hôn nhân và gia đình. Nhiều khi người này coi tình yêu là sự tôn thờ, lòng chung thủy, thì người kia lại cho đó là tư tưởng lạc hậu, cổ hủ, không hợp mốt. Trong chừng mực nào đó, kinh tế đầy đủ của nhiều gia đình đã làm cho ly hôn tăng lên, bởi sự đầy đủ đó đã làm phát sinh những nhu cầu vượt quá những giới hạn cho phép. Không thể không nhắc tới một yếu tố từng được nhiều người cho là một tác nhân quan trọng làm gia tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn hiện nay. Đó là việc người phụ nữ ngày càng độc lập về kinh tế, ít phụ thuộc vào nam giới.

Khi phụ nữ tạo ra thu nhập hoặc kiếm tiền ngang nam giới, thì quan hệ qua lại trong gia đình thường dân chủ hơn nhưng cũng vì thế đôi khi lại làm yếu đi mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường đẩy nhanh sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội dẫn tới việc phục hồi một số hủ tục xưa cũ. ở nhiều địa phương đã nảy sinh tình trạng ép duyên con cái vì mong muốn gặp gia đình môn đăng hộ đối, hoặc quay lại hủ tục mê tín dị đoan gả bán con, cản trở hôn nhân tự nguyện hoặc buộc con cái phải ly hôn theo mong muốn ích kỷ của một số bậc cha mẹ

Trong những năm gần đây, số lượng các vụ ly hôn tăng nhanh theo các năm. Theo số liệu thống kê của tòa án nhân dân tối cao năm 2005, số vụ ly hôn năm sau luôn cao hơn năm trước, cụ thể năm 2000 có 51.361 vụ; 2001 có 54.226 vụ; năm 2004 có 65.336 vụ; năm 2005 có 65.929 vụ ly hôn, v.v. [7, tr. 46]. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc xin ly hôn, trong đó, nguyên nhân xin ly hôn do mâu thuẫn về lối sống chiếm 27,7%, ngoại tình 25,9%, nguyên nhân kinh tế 13%, bạo lực gia

đình 6,7%, v.v. [7, tr. 48]. Trong những năm gần đây, khi nền kinh tế mở cửa, quan hệ hợp tác làm ăn kinh tế với nước ngoài phát triển nhanh chóng thì nhiều vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài tăng lên. Việc có nhiều cô gái ôm mộng lấy chồng nước ngoài giàu có, nhanh chóng kết hôn rồi phải xin ly hôn đang là chuyện diễn ra thường ngày ở một số địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh phía nam. Đó là chưa kể đến sự gia tăng ly hôn do một số cặp vợ chồng bỏ nhau vì một trong hai người ra nước ngoài học tập, làm ăn sinh sống, không ấn định ngày về.

Khi cuộc chia tay của đôi vợ chồng do bất cứ nguyên nhân nào đều kéo theo những hậu quả đáng buồn, đau khổ của đôi vợ chồng trước thất bại của cuộc hôn nhân, gây ra stress về tâm lý, đặc biệt là con cái, chúng bị chia ly, đứa sống với mẹ, đứa sống với bố. Thông thường, người phụ nữ phải gánh chịu việc nuôi con một mình, việc lập lại gia đình gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi đã lớn tuổi và có vài đứa con. Những đứa trẻ là những nhân vật phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Là anh chị em ruột nhưng chúng phải chia đôi không được sống gần nhau, hoặc ở với bố hoặc ở với mẹ. Trẻ em thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của cả mẹ và cha, có nhiều thiệt thòi và chịu nhiều khủng hoảng về tâm lý, tình cảm. Đó là nguyên nhân chủ yếu trong nhiều nguyên nhân khiến trẻ em bỏ nhà đi lang thang và rơi vào con đường phạm tội. Bố mẹ ly dị, sau đó bố hay mẹ lập gia đình lại, các em phải sống với bố dượng hay mẹ kế, có những mâu thuẫn mới không chịu nổi, các trẻ em này thường có tâm lý chán đời, oán trách cha mẹ, lấy phá phách, càn quấy để “trả thù” cha mẹ đã bỏ rơi chúng.

Như vậy, ly hôn tự nguyện gắn liền với hôn nhân tự do, tiến bộ là điều được Luật Hôn nhân và Gia đình nước ta công nhận và bảo vệ. Vì vậy, chúng ta không thể lên án ly hôn hay coi đó là vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội. Bởi vì, ly hôn cũng là cứu cánh, giải thoát cho những cặp vợ chồng có cuộc sống bế tắc, không có hạnh phúc, đặc biệt là khi

có sự đàn áp, bạo lực, áp bức của một phía, vợ hoặc chồng đối với người kia, đe dọa đến an toàn tính mạng và tương lai của họ và con cái họ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không hoàn toàn cổ vũ cho sự gia tăng các vụ ly hôn. Xã hội cần có phương pháp tuyên truyền phù hợp, nhẹ nhàng, tinh tế, hiệu quả để các cặp vợ chồng có cách suy nghĩ, cân nhắc, biết hi sinh những thiệt thòi cần thiết, biết bảo vệ những thành quả cao quý mà họ tạo dựng, vượt qua những khó khăn, cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Cần quan tâm đến việc củng cố độ bền vững của gia đình, đó là trách nhiệm của chính đôi vợ chồng và cũng là trách nhiệm của xã hội, của Nhà nước ta.

Một phần của tài liệu Sự biến đổi của gia đình trong kinh tế trị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở tỉnh hưng yên hiện nay (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)