Tâm trạng bất an

Một phần của tài liệu kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của haruki murakami (Trang 89)

Trong tác phẩm của mình, Murakami hướng toàn bộ sự quan tâm đến những nhân vật tồn tại như những thực thể dị biệt trong một đời sống ngổn ngang, bất trắc, nơi lí tưởng và các giá trị truyền thống bị đổ vỡ, “nơi mà mọi thứ cứ liên tục hỏng

đi, lòng người luôn thay đổi và thời gian thì cứ trôi chảy không ngừng”[35, tr.283], nơi con người chỉ là những mảnh số phận, những cá thể, không nhân danh, không đại diện cho bất kì ai. Do đó, trạng thái tâm lí phổ biến nhất ở các nhân vật trong tiểu thuyết của ông là tâm trạng bất an. Nhân vật lo lắng, hoảng sợ vì lí do gì, trực

tiếp hay gián tiếp, có khi được nhà văn lí giải có khi bỏ ngõ, nhưng chúng đều hiển hiện trong mỗi giấc mơ như một nỗi ám ảnh không nguôi.

Bằng chứng rõ nét nhất cho việc sử dụng giấc mơ để tô đậm nỗi bất an ngấm ngầm của nhân vật là trường hợp Kafka và những cơn mộng mị về tội loạn luân. Ở đây, nhà văn tuân theo cơ chế hiện tượng tâm lý người, đó là những gì ám ảnh trong đời thực sẽ hiển hiện trong giấc mơ của con người. Giấc mơ loạn luân chính là sự tái hiện lại lời tiên tri của người cha vốn đã in một vết hằn sâu vào tâm trí Kafka, đeo bám cậu dai dẳng như một lời nguyền. Điều đó biến Kafka thành một thiếu niên luôn sống trong tâm trạng hoài nghi, cô đơn và âu lo, cậu chao đảo trước những mơ hồ của thực tại và bị tổn thương đến nỗi “khi diễn đạt cái ý đó thành lời cụ thể,

Kafka bỗng cảm thấy lòng mình trống huơ trống hoắc, và bên trong cái khoảng

trống đó, tim cậu đập rộn với một âm thanh kim khí và rỗng” [35, tr.320]. Từ đây,

chân dung của Kafka hiện lên như là kiểu nhân vật mang những chấn thương tâm lý sâu sắc.

Các chi tiết trong giấc mơ của nhân vật được nhà văn lựa chọn và xây dựng rất sắc nét, không khác gì so với đời thực, đặc biệt nó được lặp đi lặp lại với sự miêu tả công phu. Điều đó làm cho người nằm mộng khó xác định ranh giới giữa thực và mộng vì vậy tâm trạng bất an được đẩy lên cấp độ cao hơn. Điều này dễ thấy trong giấc mơ của Okada. Chi tiết căn phòng 208 ngập tràn bóng tối với mùi phấn hoa ngột ngạt, tiếng những viên đá lanh canh trong chiếc xô đựng bằng thép không gỉ lóe lên ánh sắc như dao, sự theo dõi và rình rập của một nhân vật nguy hiểm và bí hiểm tạo nên một không khí căng thẳng và rợn ngợp. Nhân vật trong mơ dấn bước trong không gian đó bằng cách huy động toàn bộ giác quan để cảm nhận và cảnh giác, nhưng “dần dần đánh mất cảm giác về thể xác của chính mình” [34, tr.285]. Giấc mơ này đã phản ánh chân thực tâm trạng của Okada trong thực tại. Đó là tâm trạng hoài nghi về tình cảm của con người, sự nghi vấn về sự ngụy tạo của thiện và ác trong một thế giới mà con người rất dễ bị lừa phỉnh.

Mặc dù không biến giấc mơ thành phương tiện để khai thác đến tận cùng tâm trạng hoảng loạn của nhân vật như tác gia Dostoievski với nhân vật Ralconicop

trong “Tội ác và trừng phạt”, mà chỉ với một chừng mực vừa phải, tác giả Murakami đã tạo ra một đặc điểm nhận diện cho nhân vật của ông, đó là những con người mang trăn trở, dằn vặt, hoang mang trong một thế giới chông chênh trước sự đổ vỡ của các “đại tự sự”.

Một phần của tài liệu kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của haruki murakami (Trang 89)