Nhân vật nhìn từ góc độ tính chất hành động

Một phần của tài liệu kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của haruki murakami (Trang 56)

Khi đọc các tiểu thuyết của H.Murakami, chúng ta thấy nhân vật thường đặt ra cho mình những câu hỏi day dứt. Nhân vật xưng “tôi” trong “Người tình Sputnik” luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi cơ bản là: “Tôi là ai? Tôi đang tìm kiếm cái gì? Tôi đang

đi tới đâu?” [36, tr.80], Watanabe của “Rừng Na Uy” khi cố sức nhìn vào cõi lòng mình thì cũng là lúc nhìn thấy dấu hỏi lớn:“Tôi muốn gì? Và những người khác

muốn gì ở tôi?” [38, tr.73], nhân vật toán sư hỏi “bóng” nhưng cũng là hỏi chính

bản thân mình: “Tôi ngày xưa ra sao? Tôi – là ai?” [34, tr.505]. Hoặc có khi ta thấy nhân vật mang những khủng hoảng về chân lí nhân sinh, Toru Okada “bàng hoàng

nhận ra sự nhỏ nhoi vô nghĩa của sự tồn tại của chính mình” [34, tr.290], Kafka nhiều khi “mất đi ý thức về bản thân, không hiểu mình là ai nữa, cứ như đang chệch

xa khỏi quỹ đạo bản ngã của mình”[35, tr.277]. Nói cách khác vấn đề bản ngã trở

thành vấn đề cơ bản mà các nhân vật luôn xoay quanh và là hạt nhân tư tưởng của tác phẩm. Vì vậy diễn tiến chủ điểm của các nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Nhật này luôn là hành trình tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi và giải tỏa những uẩn khúc của mình, sau đó sẽ hiện thực hóa chân lí bản ngã đã tìm được. Thế nhưng hành trình và sự hiện thực hóa đó ở mỗi nhân vật không giống nhau. Điều này phụ thuộc vào sự tự nhận thức, hoàn cảnh và tính cách các nhân vật. Nhìn chung nhân vật đi tìm bản ngã của ông nhìn dưới góc độ tính chất hành động được biểu hiện ở hai dạng chủ yếu là nhân vật dấn thân và nhân vật tha hóa.

Một phần của tài liệu kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của haruki murakami (Trang 56)