Thông văn chương hiện đại, tính dục không còn là đề tài cấm kị mà đã trở nên rất phổ biến. Từ Kundera, W. Faulkner, J.M. Coetzee hay Michel Houellebecq đến Elfriede Jelinek và cả Haruki Murakami, tính dục đều được sử dụng với tần suất cao và chính chúng đã góp phần làm nên bản sắc văn chương của họ. Riêng Murakami, tính dục đã trở thành một tín hiệu thẩm mĩ khi được miêu tả đầy dụng công và chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa có sức lay động đến người đọc. Khi nghiên cứu đặc điểm tiểu thuyết của ông thì đây là một tâm điểm khó có thể bỏ qua, tuy nhiên, ở đây trong phạm vi trọng tâm đề tài, luận văn chỉ bàn đến chức năng và ý nghĩa của yếu tố tình dục trong việc thể hiện khát vọng bản ngã từ những giấc mơ của nhân vật.
Như trên đã nói, phần lớn các giấc mơ của nhân vật là những cảnh hợp hoan. Thử khảo sát tác phẩm “Biên niên kí chim vặn dây cót”, trong tổng số chín giấc mơ của toàn bộ tác phẩm thì có đến sáu giấc mơ liên quan đến yếu tố tình dục. Thế nhưng đối với Murakami, đó không phải là ham muốn tình dục theo ý nghĩa sinh lý đơn thuần. Ông không xem tình dục là đỉnh cao của cảm xúc yêu đương và không nâng nó lên thành tính thẩm mĩ như các nhà tiểu thuyết lãng mạn, ông cũng không dùng nó làm phương tiện để bóc trần con người thực với bản năng vốn có và sự suy đồi của nó như các nhà văn hiện thực, mà ông dùng nó để khai phá chiều sâu bản thể, vì vốn dĩ tình dục gắn liền với bản chất con người.
Trong hệ thống tiểu thuyết của nhà văn, tình dục là một ẩn dụ được hiểu theo hai hướng trái ngược. Nếu tình dục trong cuộc đời thực của nhân vật là cuộc truy tìm khoái lạc vô nghĩa cho thấy sự vô vọng và bi đát của con người khi buông thả theo bản năng trong một thế giới phi trung tâm và bất khả nhận thức thì trong giấc mơ của nhân vật, tình dục lại là sức mạnh, là phương tiện để nâng đỡ con người. Trong tác phẩm “Kafka bên bờ biển” Kafka nằm mộng ngủ với Sakura, Miss Saeki trong khi mang nỗi ám ảnh liệu Sakura có phải là chị mình, Miss Saeki có phải là mẹ mình hay không. Kiểu nhân vật có những khát vọng nhục cảm với những người có quan hệ thân tộc này khá quen thuộc trong văn học Nhật Bản, ta có thể bắt gặp nó trong truyện Genji của Murasaki, hay Ngàn cánh hạc, Tiếng rền của núi của Kawabata, Mộng phù kiều của Tanizaki Junichiro, N.P của Banana Yoshimoto …. Sự xuất hiện của yếu tố tình dục này ở các tác phẩm kể trên cũng giống như tác phẩm của Murakami, đều không nhằm cổ súy cho mối quan hệ loạn luân, cũng không phải là sự ngoại hiện của nỗi khát khao tình mẫu tử hay mối tình cảm thân quyến. Nhưng nếu như ở các tác phẩm đã kể nằm trong dòng chảy chung của mĩ cảm văn học sắc tình Nhật Bản thì ở tác phẩm của Murakami đã vượt ra khỏi mĩ quan truyền thống. Ông dùng nó để tô đậm cảm thức lạc loài của nhân vật. Con người bơ vơ và lạc lõng giữa xã hội đô thị, không có điểm tựa về mặt tinh thần, giống như Kafka, cuối cùng chỉ còn lại giấc mơ là nơi trú ẩn vỗ về, nâng đỡ khi gặp nỗi hoang mang, hay Okada những lúc đơn côi lại nằm mộng ngủ với người vợ đã bỏ ra đi để xóa đi sự trống vắng của cõi lòng.
Các nhân vật nằm mộng thấy tình dục còn là do họ muốn xác định mình hiện hữu trong đời thực bằng mối liên kết với kẻ khác, thông qua kẻ khác họ sẽ tự soi rọi lại chính mình. Nhưng kết quả của sự liên kết đó nếu là sự giao hòa với tâm hồn người khác thì rất trừu tượng, chỉ có một hình thức dễ nhận thấy nhất, đó là sự chung đụng của thể xác. Chính vì vậy mà trong giấc mơ các nhân vật có thể ngủ với những người mà họ mong đạt được sự giao cảm bất chấp tuổi tác, mối quan hệ thân sơ. Đó là lí do tại sao Kafka nằm mộng ngủ với cả Sakura, Miss Saeki; còn trong
giấc mộng của Okada, Kumiko và Kano Creta cứ luân phiên chập chờn thế chỗ cho nhau.
Trong văn học trước đây khi nhấn mạnh việc con người thoát khỏi mọi áp chế ràng buộc của chế độ phong kiến hay sợi dây cương tỏa nghiêm ngặt của giáo hội thì các nhà văn thường lấy yếu tố tình dục làm phương tiện. Có lẽ điều này đã hình thành một nếp nghĩ trong tâm thức chung. Đó là tình dục được xem như là một cách để chứng thực sự tự do, sự giải thoát. Mặt khác, tình dục lại là chuyện cá nhân, chuyên riêng tư nhất. Nhân vật trong tác phẩm của Murakam muốn có sự chung đụng thể xác là để thấy mình đã bứt ra khỏi mọi quy định, mọi chế ước, được tự do là mình, thể hiện mình rõ nhất. Thế nhưng, tự chính bản thân chúng cũng hiểu, chính điều tưởng chừng tự do ấy lại bộc lộ sự lệ thuộc thảm thương của con người thời hiện đại khi không còn gì để bấu víu ngoài tình dục. Thế nên trước khi trải nghiệm và cảm nhận trong đời thực chúng thể nghiệm trước bằng những giấc mơ.
Như vậy, hình ảnh của hoạt động tình dục trong các giấc mơ ở đây không phải là những dục vọng bị ức chế của nhân vật theo như lí thuyết của Freud mà là phương tiện để phát biểu về đời sống nội tâm của nhân vật. Đó là những con người sống trong tâm trạng cô đơn khủng khiếp. Họ là những sinh linh cô độc, khép mình trước thế giới, tự dựng lên hàng rào tâm lý, lẩn quẩn trong những ẩn ức tinh thần không dễ gì giải tỏa.