Giấc mơ – thủ pháp khắc họa tâm lí

Một phần của tài liệu kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của haruki murakami (Trang 88)

Trong tác phẩm của Murakami, xét từ bình diện chức năng nghệ thuật, giấc mơ đóng vai trò là một yếu tố thi pháp đặc sắc. Nó thực hiện đồng thời nhiều chức năng nghệ thuật khác nhau. Thứ nhất, giấc mơ chi phối trực tiếp đến kết cấu trần thuật của tác phẩm. Kết cấu ở cấp độ trần thuật thường được xem là kết cấu bố cục, kết cấu bề mặt bao gồm sự sắp xếp phân bố các phần của nội dung vào các chương, hồi, tiếp, đoạn, màn, lớp trong tác phẩm hay nói khác hơn là sự liên tục của các biện pháp trần thuật, cũng như sự tổ chức các phần, sự vận dụng các phương pháp tu từ. Giấc mơ đi vào trong tác phẩm có khi ngắt đôi hiện thực và ảo mộng tạo nên kết cấu thực – mộng đan xen, có khi lại tạo nên kiểu kết cấu song hành gồm hai tuyến câu chuyện biệt lập trải dài trong tác phẩm. Thứ hai, từ những giấc mơ, không khí kì ảo, siêu thực lan tỏa ra khắp tác phẩm tạo nên một không gian huyền thoại, từ đó xây dựng được những hình tượng văn học gián tiếp và có tầm khái quát mang những ẩn ý sâu, hay triết lí về những vấn để xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của con người hiện đại. Thứ ba, giấc mơ có vai trò quan trọng trong việc khắc họa tâm lí nhân vật, thế giới nội tâm của nhân vật, thông qua nó, được phơi bày, từ đó tạo nên hiệu quả trong việc xây dựng hình tượng nhân vật.

Bởi vì đề tài của luận văn là nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết của Murakami nên ở đây chúng tôi sẽ chỉ quan tâm khảo sát giấc mơ ở chức năng nghệ thuật thứ ba.

Từ trước đến nay, khi thực hiện việc khắc họa diễn tiến tâm lí nhân vật, các nhà văn thường sử dụng những thủ pháp như độc thoại nội tâm, kĩ thuật dòng ý thức là chủ yếu, tuy nhiên việc sử dụng những giấc mơ, những cơn mê sảng mộng mị cũng không phải là hiếm, bởi vì giấc mơ vượt ra khỏi sự chi phối của ý thức nên nó trung thực trong việc phơi bày tâm trạng và cảm xúc thực sự của con người. Dù vậy, vì là nghệ thuật của ảo giác, có sự gián cách với thực tại nên sự dụng công cho nó là rất lớn do đó nó đòi hỏi ở nhà văn sự cao tay thì mới có thể kể cho người đọc về những thay đổi bất thường, những bí mật diễn ra nơi khuất tối của tâm hồn cá nhân, cá thể. Mặc dù Murakami không đẩy tác phẩm của mình đến chủ nghĩa hiện thực tâm lí nhưng với công cụ là những giấc mơ, ông đã khám phá được con người bên trong con người.

Diễn biến tâm lí các nhân vật của Murakami tương đối phức tạp, mặc dù ít khi chuyển đột ngột từ thái cực này sang thái cực khác, chủ yếu tồn tại một chiều ở trạng thái tiêu cực, nhưng nó là chuỗi dài những con sóng luôn vận động. Không kể đến các phương thức nghệ thuật khác, chỉ với những giấc mơ, ta cũng có thể dựng lại những bước chuyển sắc thái cảm xúc của nhân vật. Nhìn chung, bố cục bức tranh tâm trạng của nhân vật thường được nhà văn vẽ bởi nhiều màu sắc. Đó là những ước mơ thầm kín, là vùng kí ức không thể nguôi ngoai, là niềm hi vọng và tuyệt vọng không thể giãi bày. Thế nhưng nhìn trong toàn bộ tổng thể ta nhìn thấy hai đường nét chủ đạo:

Một phần của tài liệu kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của haruki murakami (Trang 88)