Đánh giá chung về quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc.

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại quốc tế Việt Nam – Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho thương mại Việt Nam (Trang 36)

Quan hệ thương mại hàng hoá Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam luôn luôn nằm trong trạng thái nhập siêu và với tốc độ gia tăng cao. Điều này phản ánh rằng nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc và trên thực tế gặp phải không ít rủi ro, tổn thất do thị trường này biến động. Có thể đưa ra một số hạn chế, bất cập trong quan hệ thương mại Việt Nam với Trung Quốc, đó là:

• Trong cơ cấu hàng xuất khẩu và nhập khẩu giữa hai nước có nhiều điểm bất hợp lý và Việt Nam bị “yếu thế” so với Trung Quốc. Cụ thể là hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng hoá thô, sơ chế, bán thành phẩm có giá trị thấp. Trong khi đó, hàng xuất khẩu của Trung Quốc cơ bản là máy móc, thiết bị, hàng công nghiệp và hàng hoá đó đã qua chế tạo, chế biến có giá trị cao. Mặc dù máy móc, thiết bị nhập từ Trung Quốc thường là lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường, các nguyên vật liệu nhập khẩu kém chất lượng, nhưng giá “hấp dẫn”. Do đó, nếu cơ cấu thương mại này không được thay đổi một cách cơ bản trên cơ sở tận dụng các FTA, TPP,… thì khó có thể xoay chuyển được tình trạng lệ thuộc và nhập siêu quá lớn của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc;

• Nhiều hàng hoá của Việt Nam nhìn chung chất lượng còn thấp, giá thành cao, tính cạnh tranh thấp, do đó khó xâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc. Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc vào thương nhân Trung Quốc, do Việt Nam yếu kém về công tác phát triển thị trường và thiết lập các kênh phân phối hàng hoá theo các chuỗi trên thị trường.

• Với hiện trạng nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào một số ít thị trường, trong đó, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Có những ngành như dệt may,.. phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể hàng năm phải nhập từ 70-80% nguyên liệu của Trung Quốc. Do đó, nếu Việt Nam không thay đổi, cứ để tình trạng này tiếp diễn thì không thể tận dụng được các cơ hội và ưu đãi của các Hiệp định thời gian tới sẽ đi vào thực thi như TPP và FTA khác.

• Gắn liền với quan hệ kinh tế Việt Nam-Trung Quốc, có các gói thầu EPC (các gói thầu xây lắp thực hiện theo phương thức chìa khoá trao tay), theo Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết có tới 90% gói thầu EPC của Việt Nam rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc với các hệ quả: chậm tiến độ, công nghệ thiết bị lạc hậu, giá thành cao…, và Trung Quốc thông qua việc thực hiện các gói thầu này đã gia tăng xuất khẩu vào Việt Nam, kể cả lao động giản đơn. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nhập siêu gia tăng và gây bất ổn về kinh tế, an ninh, chính trị và trật tư xã hội thời gian qua, v.v… Sở dĩ có những hạn chế, bất cập nêu trên là do nhiều nguyên nhân. Một số trong các nguyên nhân đó là do: 1) Việt Nam thiếu cơ chế, chính sách phối kết hợp tốt giữa các nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà sáng chế để có thể khuyến khích, tạo điều kiện cho các phát minh, sáng chế được nhân rộng và phát triển vào sản xuất kinh doanh; 2) Chưa có chính sách thực sự “hấp dẫn và trúng” đối với phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, chưa tạo ra sự bình đẳng thật sự giữa các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam (đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân); 3) Cơ chế, chính sách quản lý XNK của Việt Nam chưa theo kịp tiến độ hội nhập khu vực và toàn cầu, đặc biệt không thích ứng kịp với sự biến động của Trung Quốc; 4) Việt Nam chưa tích cực hội nhập bên trong (cải cách về các mặt) để có thể tận dụng tốt những cơ hội và những ưu đãi của hội nhập song phương và đa phương và 5) Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam (gần 80%) vẫn thờ ơ với hội nhập và v.v… Đây là những nguyên nhân dẫn đến thách thức khó khăn, những rủi ro và thiệt hại trong quan hệ thương mại nói riêng của Việt Nam với các nước, trong đó có Trung Quốc.

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại quốc tế Việt Nam – Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho thương mại Việt Nam (Trang 36)