Đặc điểm tâm lý lứa tuổi sinh viên

Một phần của tài liệu Tính tích cực học tập học phần “những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa máclênin” của sinh viên trường đại học sư phạm kỹ thuật thành phố hồ chí minh (Trang 44)

Lứa tuổi sinh viên thuộc vào lứa tuổi thanh niên được xác định từ 18 – 25 tuổi. đây là giai đoạn con người đã hoàn tất sự phát triển về mặt thể chất. trọng lượng não đạt mức tối đa, số lượng nơron thần kinh lên tới mức cao nhất (14 -16 tỉ). Đây là giai đoạn phát triển đồng đều, ổn định về hệ xương, cơ bắp, tạo ra nét hoàn mỹ ở người sinh viên. Các tố chất về thể lực: sức nhanh, sức bền bỉ, dẻo dai, linh hoạt đều phát triển mạnh nhờ sự ổn định của tuyến nội tiết cũng như sự tăng trưởng của hócmôn nam và nữ. Bên cạnh đó những đặc điểm tâm lý của sinh viên bị chi phối bởi những đặc điểm phát triển thể chất, môi trường và vai trò xã hội cụ thể mà trong đó họ sống và hoạt động.

Đây là một nhóm xã hội đặc biệt đang chuẩn bị trực tiếp cho việc tham gia vào xã hội. Những đặc điểm tâm lý ở người sinh viên rất đa dạng và không đồng đều với những nét cơ bản :

- Sự thích nghi của sinh viên với cuộc sống và hoạt động mới.

Để hoạt động học tập có kết quả trong thời gian đầu ở trường đại học, sinh viên phải thích nghi với hoạt động học tập và hoạt động xã hội cũng như các sinh hoạt trong đời sống tập thể sinh viên. Quá trình thích nghi này tập trung chủ yếu ở các mặt:

• Nội dung học tập mang tính chuyên ngành.

• Phương pháp học tập mới mang tính nghiên cứu khoa học.

• Môi trường học tập mở rộng có tính chất phạm vi quốc gia, quốc tế.

• Nội dung và cách thức giao tiếp với thầy, cô giáo và bạn bè đa dạng, phong phú…

Mức độ thích nghi có ảnh hưởng đến sự thành công trong học tập của người sinh viên. Để vượt qua, người sinh viên cần tích cực trong mọi hoạt động nói chung và hoạt động học tập nói riêng. Điều này còn giúp sinh viên giải quyết những mâu thuẫn mới nảy sinh, đó là: mâu thuẫn giữa ước mơ, kỳ vọng của người sinh viên với điều kiện để thực hiện ước mơ đó. Mâu thuẫn giữa mong muốn học tập, nghiên cứu môn học mình yêu thích với việc phải thực hiện toàn bộ chương trình học theo một thời gian biểu nhất định. Mâu thuẫn giữa lượng thông tin rất nhiều trong xã hội hiện tại với khả năng và thời gian có hạn…

- Sự phát triển về nhận thức, trí tuệ của sinh viên.

Bản chất hoạt động nhận thức của sinh viên là đi sâu tìm hiểu những môn học chuyên ngành khoa học cụ thể để nắm được đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp, quy luật của các khoa học đó.

Nét đặc trưng cho hoạt động học tập của người sinh viên là sự căng thẳng nhiều về trí tuệ, sự phối hợp của nhiều thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa… Hoạt động học của sinh viên mang tính độc lập, tự chủ và sáng tạo. Hoạt động nhận thức của sinh viên thực sự là

loại hoạt động trí tuệ căng thẳng, có cường độ cao và có tính lựa chọn rõ rệt. Do đó, điều quan trọng là người sinh viên phải tìm ra phương pháp học tập phù hợp để họ có thể đạt được kết quả học tập tốt vì khối lượng tri thức, kỹ năng, kỹ xảo họ phải lĩnh hội trong trường Đại học là rất lớn và đa dạng.

- Sự phát triển động cơ học tập của sinh viên

Động cơ học tập là nội dung tâm lý của hoạt động học tập, động cơ này bị chi phối bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể là những yếu tố tâm lý của chính chủ thể như hứng thú, niềm tin, thế giới quan, lý tưởng sống…cũng có thể đó là những yếu tố nằm bên ngoài bản thân chủ thể như yêu cầu của gia đình, phần thưởng, sự nể trọng của xã hội…Động cơ học tập cũng có thể nảy sinh do chính hoạt động và những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của hoạt động học tập mang lại.

Tiểu kết chương 1

Tìm hiểu về tính tích cực học tập của sinh viên là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. xét về mặt Tâm lý học, theo quan điểm tiếp cận hoạt động – nhân cách – giao tiếp có thể thấy tính tích cực của cá nhân luôn gắn liền với trạng thái hoạt động của cá nhân đó. Tính tích cực bao hàm tính chủ động, sáng tạo, sự hoạt động có ý thức của chủ thể. Tính tích cực là một thuộc tính quan trọng của nhân cách thể hiện ở sự nỗ lực cố gắng của bản thân, được thúc đẩy bởi động cơ, nhu cầu nhất định trong quá trình tác động đến đối tượng nhằm đạt được kết quả cao trong học tập. Tính tích cực học tập học phần “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin” của sinh viên là sự tự giác của sinh viên về mục đích học tập thông qua việc huy động ở mức độ cao các chức năng tâm lý để giải quyết các nhiệm vụ học tập. Nó vừa là mục đích, vừa là phương tiện, vừa là điều kiện, vừa là kết quả của hoạt động.

Tính tích cực học tập học phần “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin” của sinh viên được biểu hiện ở mặt nhận thức, thái độ, hành vi và kết quả học tập. Tính tích cực học tập học phần này của sinh viên chịu sự chi phối của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Vì thế để tạo ra hiệu quả của sự lĩnh hội học phần này đòi hỏi bản thân người học phải phát huy tiềm năng trí tuệ của bản thân và người dạy phải tổ chức quá trình dạy học khoa học, phương pháp dạy học tích cực, hình thức tổ chức phong phú.

Chương 2: THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC HỌC TẬP HỌC PHẦN “NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN

CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN” CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Một phần của tài liệu Tính tích cực học tập học phần “những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa máclênin” của sinh viên trường đại học sư phạm kỹ thuật thành phố hồ chí minh (Trang 44)