2.1. Tình trạng phản đối mức giá GPMB của người dân dẫn tới việc đình trệ dự án
Thực tế hiện nay khi chủ đầu tư đưa ra mức giá đền bù giải phóng mặt bằng của thẩm định viên đã tính toán thì người dân sẽ đi theo 2 xu hướng: 1 số người dân sẽ chấp nhận mức giá đền bù và di dời vì cảm thấy mức giá đó đã hợp lý hoặc vì một số lý do khác, số còn lại sẽ không chấp nhận mức giá đó vì cho rằng mức giá đó chưa phù hợp, họ sẽ bị thiệt khi phải dời đi. Những người chấp nhận mức giá đền bù chủ yếu là những người có hiểu biết, cán bộ công nhân viên, giáo viên, đảng viên,… họ cảm thấy chấp nhận được với mức giá được đền bù và họ có công việc ổn định nên nếu di dời thì họ chỉ phải di chuyển chỗ ở. Họ là những người chấp nhận hi sinh một số lợi ích cá nhân để bàn giao đất cho thực hiện dự án vì lợi ích chung. Số lượng người không chấp nhận mức giá nhiều hơn, họ là những người nông dân, những người sống bám vào biển, bám vào đồng ruộng, những hộ buôn bán nhỏ và một số bộ phận khác. Họ không chấp nhận mức giá đền bù hoặc vì họ không muốn di dời khỏi nơi họ đang sống, không muốn thay đổi công việc họ đang làm. Hoặc vì họ trông mong vào sự đổi đời từ đền bù với một số tiền lớn như một số ít người may mắn có đất khai hoang, đất trồng cây lâu năm thuộc dự án nào đấy,
họ được đền bù hàng tỉ đồng từ mảnh đất đó. Và số lượng người không chấp nhận mức giá sẽ càng nhiều khi mà họ thiếu hiểu biết trong công tác xác định giá đất, dẫn tới có sự ganh tị khi nhận được mức giá thấp hơn người khác. Tình trạng người dân không chấp nhận mức giá dẫn tới việc không giao đất để giải phóng mặt bằng, nếu sử dụng pháp luật để cưỡng chế thì lại gây ra tình trạng biểu tình, đòi quyền lợi và yêu cầu ngừng dự án của người dân. Địa bàn huyện Kỳ Anh hiện nay đang rất nóng vì tình trạng giải phóng mắt bằng. Dự án Khu kinh tế cảng Vũng Áng được thành lập và đã đi vào triển khai nhưng diện tích đất cần sử dụng cho Khu kinh tế là rất lớn. Điều này dẫn đến một hệ lụy đó là rất nhiều người dân sẽ phải di dời, tuy nhiên một phần vì giá đền bù chưa thỏa mãn được người dân nơi đây, phần khác vì vị trí địa lí cũng như điều kiện của khu tái định cư không thỏa mãn được người dân. Vì vậy công tác giải phóng mặt bằng tại đây vẫn đang trì trệ, đất chưa được giao cho dự án, dân cũng không nhận tiền đền bù. Ngoài yếu tố định giá cho phù hợp, thì công tác giải phóng mặt bằng và di dời tái định cư cần kết hợp thêm nhiều yếu tố khác nữa mới có thể thỏa mãn được người dân như: hỗ trợ di dời, hỗ trợ việc làm sau tái định cư, hướng nghiệp ở nơi ở mới, hỗ trợ tiền chuyển đổi ngành nghề truyền thống,…
2.2. Tình trạng xây mới sau quy hoạch để lấy tiền hỗ trợ và đền bù
Một thực trạng đang diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay trên địa bàn huyện Kỳ Anh và cũng như trên địa bàn cách huyện có dự án cần giải phóng mặt bằng đó là khi bắt đầu có thông tin về dự án, rất nhiều người dân đã cố tình tách sổ đỏ, xây dựng, cơi nới nhà cửa, trồng thêm những cây trồng không có giá trị kinh tế để mong nhận được tiền đền bù. Rất nhiều dự án hiện nay đang giải phóng mặt bằng, cấm xây dựng, cơi nới nhà cửa nhưng người dân vẫn làm bất chấp lệnh cấm cũng như sự tuyên truyền của địa phương. Do đó, những nhà cửa, cây trồng, sổ đỏ được cấp sau ngày thu thập thông tin để tính số tiền đèn bù thì người dân sẽ không được đền bù cho những thứ đó. Vậy sẽ gây ra mâu thuẫn trong người dân vì học đã bỏ ra một số tiền lớn để xây dựng, cơi nới nhà cửa hòng kiếm thêm tiền đền bù. Do đó một số dự án bị đình trệ vì gặp phải sự phản đối của người dân do không thỏa mãn với số tiền đền bù nhận được.
Bám sát địa bàn từng thôn xóm, từng hộ gia đình, Tổ công tác của UBND huyện đã rà soát, đưa ra số liệu chính xác về số công trình vi phạm từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện là 1.088 công trình. Đặc biệt, tình trạng này diễn ra một cách ồ ạt và phức tạp trên địa bàn xã Kỳ Lợi và Kỳ Thịnh, trong đó cả các hộ gia đình của cán bộ, đảng viên và phần đông là giáo dân. Theo ước tính của lãnh đạo xã Kỳ Lợi, tại các thôn 2, 3 Tân Phúc Thành, thôn Hải Thanh (Kỳ Lợi) số hộ vi phạm chiếm tỷ lệ trên 80%, cán bộ đảng viên vi phạm trên 40%; ở xóm Tây Yên, Yên Thịnh (Kỳ Thịnh) đa số các hộ giáo dân dọc hai bên Quốc lộ 12 đều có vi phạm. Do địa bàn có nhiều giáo dân sinh sống nên việc giải phóng mặt bằng, xử lí vi phạm và di dời gặp rất nhiều khó khăn.
Việc hiểu sai ý nghĩa của đền bù trong giải phóng mặt bằng và lòng tham của những người dân khiến thực trạng này là một vấn đề nhức nhối. Tuy đã có những lệnh cấm chở vật liệu, cấm xây mới, cơi nới nhà cửa ở khu quy hoạch nhưng người dân vẫn bất chấp và có những hành động chống đối, lách luật như xây ban đêm, căng bạt để che mắt cơ quan chức năng,… Chính quyền địa phương đã yêu cầu kỉ luật, xử phạt bằng tiền và không chịu đền bù phần diện tích đã xây dựng sau khi ban hành quyết định cấm xây dựng, tuy nhiên rất nhiều hộ gia đình vẫn cố tình chống đối, không thi hành kỉ luật, nộp phạt gây khó khăn không nhỏ cho dự án và cả chính địa phương.