Bên được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng có trách nhiệm thông báo cho bên bị vi phạm về trường hợp cụ thể đã xảy ra mà theo thỏa thuận của các bên, bên vi phạm được miễn trách nhiệm và các hậu quả của nó đối với việc thực hiện hợp đồng trong thời gian hợp lý để hạn chế các thiệt hại tiếp theo có thể xảy ra. Khi các trường hợp miễn trách theo thỏa thuận trong hợp đồng chấm dứt, bên vi phạm cũng cần thông báo ngay cho bên bị vi phạm biết.
Nghĩa vụ chứng minh.
Bên vi phạm phải chứng minh được sự kiện đã xảy ra là sự kiện đã được ghi nhận trong điều khoản về miễn trách nhiệm trong hợp đồng căn cứ vào các thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Bên cạnh đó, bên vi phạm cũng phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa trường hợp miễn trách nhiệm đã được thỏa thuận trong hợp đồng do việc vi phạm nghĩa vụ của mình bởi họ chỉ được miễn trách nhiệm khi trường hợp đó là nguyên nhân trực tiếp của sự vi phạm hợp đồng. Ngoài ra, nếu trong hợp đồng các bên còn thỏa thuận nghĩa vụ nào khác thì bên vi phạm cũng phải thực hiện đủ các nghĩa vụ này.
3.5. Miễn trách nhiệm do một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Sau khi đã giao kết hợp đồng, khi thực hiện các nghĩa vụ liên quan, nếu do phải thực hiện một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khiến cho một bên không thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng thì bên vi phạm đó được miễn trách nhiệm theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005: bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp: “Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”. Ví dụ, việc bên bán không thể thực hiện việc giao hàng do nhà xưởng bị thu hồi nhằm mục đích an ninh quốc phòng. Vấn đề này được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam nhưng lại không được thừa nhận là căn cứ miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng theo CISG. Quy định này nhằm tạo điều kiện hơn nữa trong việc bảo
vệ quyền lợi của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thương mại 2005, không phải trường hợp nào các bên cũng có thể viện dẫn quy định này, mà bên vi phạm chỉ được miễn trách nhiệm khi các bên không thể được chờ đợi một cách hợp lý sẽ biết trước được quyết định đó của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi giao kết hợp đồng cũng như ảnh hưởng của nó đối với việc thực hiện hợp đồng. Đó như một trường hợp bất khả kháng mà các bên không thể tránh được, không còn lựa chọn nào khác mà phải vi phạm hợp đồng thì mới được miễn trách nhiệm theo trường hợp này.
Rõ ràng, quy định này là đáng ghi nhận bởi nó tạo ra được một sự đảm bảo về mặt pháp lý cho các chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng với đối tác Việt Nam tránh được rủi ro khi có sự can thiệp của nhà nước. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng: “quy định trên là chưa thực sự rõ ràng. Thể hiện ở chỗ: thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là cơ quan cấp nào; thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định đó nhằm mục đích gì? Việc pháp luật không quy đinh rõ ràng cũng không có văn bản hướng dẫn cụ thể những vấn đề nói trên chắc chắn sẽ gây ra khó khăn trong việc xác định quyết định của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền có phải là trường hợp miễn trách nhiệm hay không”. Bởi trên thực tế, trong nhiều trường hợp, sự tồn tại của một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể ảnh hưởng đến hoạt động của bên vi phạm nhưng không dẫn đến việc vi phạm hợp đồng thì cũng không được coi là căn cứ miễn trách. Do đó, đây là một trường hợp không đơn giản nhưng pháp luật Việt Nam lại ghi nhận quá chung chung.
Khi thuộc vào trường hợp miễn trách nhiệm này, bên vi phạm có nghĩa vụ thông báo cho bên bị vi phạm về việc tồn tại một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và việc thực hiện quyết định đó đã ảnh hưởng thế nào đến việc thực hiện hợp đồng. Bên vi phạm cũng phải thông báo nếu quyết định đó bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ khi hợp đồng vẫn tồn tại. Cùng với đó, bên vi phạm phải chứng minh được sự tồn tại của quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà bên vi phạm không thể biết trước được vào thời điểm kí kết hợp đồng và mối quan hệ nhân quả giữa việc thực hiện quyết định đó với việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.
4. Hệ quả pháp lý khi xảy ra các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Bên xảy ra các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm HĐMBHHQT, bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm trước bên bị vi phạm. Tuy nhiên, việc bên vi phạm sẽ được miễn những trách nhiệm gì là khác nhau theo quy định của CISG và pháp luật Việt Nam.
Khoản 5 Điều 79 CISG quy định: “Các sự quy định của điều này không cản trở từng bên được sử dụng mọi quyền khác ngoài quyền được bồi thường thiệt hại chiếu theo Công ước này”. Như vậy, theo quy định này, khi một bên được miễn trách nhiệm do vi phạm HĐMBHHQT do gặp sự kiện bất khả kháng hoặc do bên thứ ba có quan hệ với một bên trong hợp đồng gặp sự kiện bất khả kháng thì họ chỉ được giải thoát khỏi trách nhiệm bồi thường thiệt hại còn họ vẫn có thể phải chịu các chế tài khác trước bên bị vi phạm như: buộc thực hiện đúng hợp đồng, phạt hợp đồng, hủy hợp đồng,… mà không đương nhiên được miễn tất cả các trách nhiệm.
Cũng theo quy định tại Khoản 3 điều này, “Sự miễn trách được quy định tại điều này chỉ có hiệu lực trong thời kỳ tồn tại trở ngại đó”. Điều này có nghĩa là nếu như trở ngại không còn và hợp đồng vẫn tồn tại thì bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Ví dụ: người bán kí hợp đồng giao hàng cho người mua vào ngày 01/03/2012 nhưng trước ngày người bán giao hàng, chính phủ nước người mua đưa ra một lệnh cấm vận ngăn chặn người bán khỏi việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Vào ngày 30/03/2012, lệnh cấm vận bị xóa bỏ, và người bán vẫn có thể thực hiện nghĩa vụ giao hàng đối với người mua. Trong trường hợp này, có hai hệ quả pháp lý xảy ra đó là người bán được miễn trách nhiệm cho việc chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ trong tháng ba và người bán có nghĩa vụ cung cấp hàng cho người mua khi trở ngại đã bị xóa bỏ.
Đối với trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi của bên bị vi phạm có những khác biệt so với hệ quả pháp lý tại Điều 79. Theo quy định tại Điều 80, bên có bị vi phạm mất quyền dựa vào sự thất bại trong việc thực hiện hợp đồng của bên vi phạm. Điều này có
nghĩa rằng không chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, mà còn tất cả các biện pháp khắc phục hậu quả khác được áp dụng cho một sự thất bại thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chẳng hạn như yêu cầu thực hiện cụ thể, quyền hủy hợp đồng, hoặc phải để giảm giá mua. Như vậy, bên vi phạm được giải thoát khỏi mọi nghĩa vụ trước bên bị vi phạm nếu việc vi phạm hợp đồng của họ là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
Pháp luật Việt Nam có những quy định khác với CISG về vấn đề này. Theo đó, khi xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật, bên vi phạm có thể được giải thoát khỏi tất cả các nghĩa vụ do vi phạm hợp đồng như: bồi thường thiệt hại, phạt hợp đồng, buộc thực hiện đúng hợp đồng, hủy hợp đồng,… Điều này không được ghi nhận cụ thể trong Luật Thương mại 2005 nhưng có thể xét theo quy định được ghi nhận cụ thể tại Khoản 2 và 3 Điều 302 Bộ luật dân sự 2005. Đối với trường hợp miễn trách nhiệm theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, các bên có quyền thỏa thuận cả về hậu quả pháp lý của các trường hợp đó, giới hạn trách nhiệm của mỗi bên các bên có thể tự dự liệu khi giao kết hợp đồng. Các bên có thể thỏa thuận miễn tất cả hoặc một phần các chế tài hay hợp đồng sẽ tiếp tục tồn tại hoặc chấm dứt. Các thỏa thuận này sẽ được pháp luật thừa nhận miễn là không vi phạm vào những điều pháp luật cấm.
Trong trường hợp bất khả kháng, theo quy định tại Điều 296 Luật Thương mại 2005, đối với hợp đồng mua bán hàng hóa có thời hạn giao hàng cố định, các bên có thể chấm dứt hợp đồng mà không bên nào phải chịu các chế tài. Còn đối với những hợp đồng mua bán hàng hóa có nội dung thảo thuận giao hàng trong một thời hạn, các bên có thể lựa chọn từ chối thực hiện hợp đồng hoặc việc thực hiện tiếp tục hợp đồng bằng cách kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Nếu việc kéo dài quá các thời hạn được quy định thì các bên có thể từ chối thực hiện hợp đồng theo Khoản 3, khi đó, hợp đồng giữa các bên sẽ chấm dứt và bên từ chối thực hiện hợp đồng phải có nghĩa vụ thông báo cho bên kia biết không quá mười ngày trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng.