6. Ý nghĩa đề tài
3.2 Những cơ hội và thách thức
3.2.1 Cơ hội
Nhìn lại lịch sử quan hệ Myanmar và Việt Nam từ 1947 đến nay, chúng ta nhận thấy quan hệ hai nước trải qua những bước thăng trầm do tác động của nhiều yếu tố: tình hình thế giới, khu vực và do quyền lợi của mỗi nước đôi khi trái ngược nhau,… nhưng mối quan hệ này có được một số cơ hội để phát triển.
Thứ nhất, đó là sự chủ động, tích cực của hai chính phủ Việt Nam và Myanmar trong việc đưa ra chính sách đúng đắn để tháo gỡ những vướng mắc, những khó khăn trong giai đoạn 1975 - 1991 và phát triển mối quan hệ từ năm 1994 trở đi. Quan hệ hai nước từ những năm 90 đến nay đạt được nhiều thành tựu nhất là trên lĩnh vực chính trị còn do đường lối, chính sách của Việt Nam bắt đầu mở cửa cũng như Myanmar bắt đầu thân thiện hơn với chính sách đối ngoại của mình. Các
hiệp định và thỏa thuận được chính phủ Việt Nam và chính phủ Myanmar kí kết nhằm tăng cường, mở rộng các lĩnh vực hợp tác, cũng như những cam kết tạo điều kiện khuyến khích đầu tư, thương mại ngày càng nhiều.. Rõ ràng những nỗ lực của hai nước như việc thành lập Ủy ban hỗn hợp Myanmar - Việt Nam hay tham khảo chính trị hàng năm của hai nước hoặc là những lần tổ chức hội chợ hàng Việt Nam ở Myanmar thành công đã đem lại nhiều bước tiến cho hai nước. Có thể nhận thấy vai trò của hai chính phủ không chỉ thông quan việc kí kết văn bản về hợp tác mà quan trọng hơn còn là việc tổ chức quản lý và chị đạo, phân cấp thực hiện theo thẩm quyền nhằm thúc đẩy sự hợp tác đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, quan hệ Việt Nam - Myanmar phát triển ngày càng chặt chẽ và hiệu quả trên cơ sở những lợi ích thiết thực của chính phủ và nhân dân hai nước.
Về kinh tế, Myanmar và Việt Nam đều có những yếu tố tương đồng về lợi thế so sánh. Nếu như Việt Nam đã cải cách, mở cửa từ những năm 1986 thì Myanmar mới bắt đầu mở cửa từ năm 2012. Sự đi trước của Việt Nam hơn 20 năm qua đã tạo cho Việt Nam một nền kinh tế thị trường với những cơ sở kỹ thuật cao hơn nước bạn, nếu như đầu tư vào nước bạn sẽ có lợi thế nhất định và giúp Myanmar phát triển kinh tế; mặc khác, Việt Nam cũng có thể tận dụng được nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, thị trường tiêu thụ ở Myanmar để phát triển kinh tế. Đối với Myanmar có thể tận dụng những kinh nghiệm của Việt Nam để đẩy nhanh quá trình mở cửa, thu hẹp dần khoảng cách, chênh lệch với các nước trong khu vực.
Việt Nam và Myanmar đều là hai nước đang phát triển nên có nhu cầu rất lớn về vốn. Với những hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận giữa hai nước: hiệp định Thành lập UBHH về Hợp tác song phương giữa hai nước (5-1994) hiệp định Thương mại (5-1994); hiệp định Hợp tác Du lịch (5-1994); MOU về Chương trình Hợp tác 6 năm (1994-2000) giữa hai bộ Nông nghiệp (8/1994); MOU về Hợp tác Phòng chống ma tuý (3-1995); MOU về Hợp tác trong lĩnh vực Lâm nghiệp (3- 1995); Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (5-2000); Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (5-2000); Hiệp định hợp tác Văn hoá (5-2000); MOU về Hợp tác giữa UBDT và Miền núi Việt Nam và Bộ Biên giới, Dân tộc và Phát triển Myanmar (7-
2000); MOU thành lập Uỷ ban Hợp tác chung về Thương mại (5-2002); MOU về Hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp (5-2002) đã ký kết cũng như những cơ hội mới do chính sách mở cửa của Myanmar và Việt Nam sẽ tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, học tập lẫn nhau giữa hai nước để cùng phát triển.
Thứ ba, quan hệ hợp tác Việt Nam - Myanmar phát triển là do sự gần gũi về địa lý và sự tương đồng về lịch sử, văn hóa. Là những nước có vị trí quan trọng ở Đông Nam Á, Việt Nam và Myanmar từ sớm đã gây dựng mối quan hệ với những nước láng giềng. Truyền thống quan hệ đoàn kết, hữu nghị hợp tác với các nước trong khu vực xuất phát từ sự tương đồng về lịch sử văn hóa và từ quá trình đấu tranh giành, giữ độc lập của mỗi nước. Myanmar và Việt Nam đều là những quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo nhưng không có sự bài xích tôn giáo, chiến tranh tôn giáo. Về văn hóa, bên cạnh bản sách văn hóa truyền thống của mình, cả hai nước đều chịu sự tác động nhiều của giáo lý Phật giáo. Trong lịch sử, cả hai nước đều đã từng bị thực dân đô hộ nên dễ có những hiểu biết, đồng cảm với nhau về những khó khăn trong phục hồi và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, quan hệ Việt Nam – Myanmar còn là quan hệ của hai nước láng giềng trong khu vực có nhiều điều kiện kinh tế gắn chặt với nhau. Đó là những cơ sở vững chắc cho sự hợp tác ổn định và phát triển.
Ngoài ra, sự gần gũi về địa lý cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy quan hệ đầu tư thương mại giữa Myanmar và Việt Nam phát triển, yếu tố “chợ gần hơn chợ xa” vẫn còn giá trị vì nó góp phần làm giảm giá thành sản phẩm và tăng giá trị thặng dư cho nhà sản xuất. Cả hai nước lại cùng nằm trong khối ASEAN nên lại càng thuận lợi hơn cho sự hợp tác hai bên, góp phần làm cho quan hệ hai nước và khu vực phát triển.
Thứ tư, quan hệ Myanmar - Việt Nam ngày nay phát triển tốt đẹp trong điều kiện tình hình quốc tế và khu vực diễn ra thuận lợi. Bối cảnh quốc tế và khu vực đã tạo ra cơ hội thuận lợi cho quan hệ Myanmar- Việt Nam phát triển. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Á và Đông Nam Á, tiếp tục phát triển năng
động. Nguồn lực khu vực và quốc tế, nhất là về tài chính, công nghệ và thị trường từ các nước phát triển trở thành nhân tố giúp cho sự tăng trưởng kinh tế của hai nước. Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các cam kết đa phương của Myanmar và Việt Nam trong hợp tác khu vực, quan hệ song phương giữa hai nước có điều kiện phát triển trong sự phân công mới của lao động quốc tế. Trên cơ sở đó, quan hệ hợp tác giữa Myanmar và Việt Nam tiếp tục phát triển.
3.2.2 Thách thức
Ngoài những thuận lợi mà hai nước có được thì vẫn còn gặp nhiều thách thức mà nếu giải quyết tốt thì sẽ tạo điều kiện cho mối quan hệ tiếp tục phát triển.
Thứ nhất là rào cản về hệ thống pháp lý và những thủ tục hành chính giữa hai nước. Hệ thống pháp luật và thương mại của Việt Nam còn nhiều điểm chưa phù hợp với luật pháp quốc tế. Thêm vào đó, tính minh bạch và khả năng dự báo được của các văn bản pháp luật của Việt Nam chưa cao, không quy định một khoảng thời gian nào cho những người phải thi hành các văn bản pháp luật có thể biết được các quyền, nghĩa vụ của mình trước khi văn bản có hiệu lực [38, tr.267-268]. Chính điều này đã cản trở không nhỏ đến quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Myanmar. Việt Nam còn tồn tại những hạn chế về nguồn nhân lực, cả về cấp lãnh đạo lẫn lực lượng lao động. Số cán bộ giỏi, có chuyên môn và kinh nghiệm trong hợp tác kinh tế quốc tế còn thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế. Đối với Myanmar, “hiện nay nền kinh tế Myanmar vẫn đang mang nặng cơ chế quản lý hành chính tập trung, quan liêu, bao cấp, cơ chế thuế quan chưa thông thoáng và vẫn còn bao cấp giá đối với một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như, nhà ở cho công chức, điện nước sinh hoạt, cước phí điện thoại, giá xăng dầu, vận tải... Đặc biệt, Chính phủ Myanmar vẫn còn thực hiện chế độ hai giá đối với người dân trong nước và nước ngoài ở một số mặt hàng như cước phí điện thoại, giá điện, xăng, giá nước sinh hoạt, giá dịch vụ khách sạn, giá thuê nhà, giá một số dịch vụ vận tải với giá chên lệch cao gấp nhiều lần so với người dân trong nước, nhất là thủ tục pháp lý còn nặng nề, cổ hũ và trì trệ, các điều luật còn cứng nhắc, chi phí thành lập doanh nghiệp khá cao” [73].
Khó khăn thứ hai của hai nước đó là xuất phát điểm của nền kinh tế hai nước còn rất thấp. Nền kinh tế còn nhỏ và đang phát triển. Các nền kinh tế này, chủ yếu do hạn chế về tiềm lực kinh tế, có lợi ích hạn chế và có xu hướng phụ thuộc vào nền kinh tế lớn hơn. Cho nên, khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, những nền kinh tế nhỏ như Việt Nam, Myanmar đều gặp nhiều khó khăn. Điều này sẽ tác động đến nền kinh tế của hai nước. Thêm vào đó, vì hai nền kinh tế của Việt Nam và Myanmar chênh lệch nhau không cao về trình độ nên khả năng hỗ trợ nhau, bù trừ cho nhau trong những lĩnh vực mà hai nước có nhu cầu cao như công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, giáo dục, đầu tư,..thì cả hai nước đều không đáp ứng được.
Tiếp theo, đối với quan hệ hai nước đó là nền kinh tế của hai nước có nhiều mặt hàng giống nhau như: dầu thô, nông lâm hải sản chưa qua chế biến hoặc sơ chế, dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ,..cho nên sự cạnh tranh giữa hai nước trong thị trường quốc tế là rất lớn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc là nhu cầu xuất nhập khẩu của hai nước đối với các mặt hàng xuất khẩu của nhau là không cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước.
Một thách thức nữa đối với quan hệ hai nước là hạn chế trong quan hệ thương mại giữa Myanmar và Việt Nam. Mặc dù kim ngạch hai chiều giữa hai nước đã có nhiều tiến triển nhưng vẫn còn rất ít so với những nước khác. Điều này không tương xứng với tiềm năng của hai nước. Việt Nam đã hoàn chỉnh nền kinh tế thị trường nhưng Myanmar thì chỉ đang trong giai đoạn chuyển đổi. Cho nên, sự hợp tác kinh tế giữa hai nước là không cao. Tăng trưởng thương mại Việt Nam – Myanmar giai đoạn 2006 - 2010 bình quân 61%/năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2011 đạt 167,2 triệu USD. Năm 2010, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai nước đã đạt 152,3 triệu USD. Theo đà tiến triển đó, 9 tháng 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt 122 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2010 [74]. Tuy có bước tiến nhưng còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của hai nhà nước. Chính vì vậy, trong thời gian sắp
tới, hai nước cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để quan hệ kinh tế phát triển lên một tầm cao mới.