Chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra, tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, Trung ương Đảng gửi thông báo cho các cấp bộ Đảng đề ra phương hướng chuyển hướng các mặt hoạt động của Đảng.
Nắm bắt được chủ trương của Tỉnh bộ các chi bộ ở Phong Điền đã chú ý lập các tổ chức biến tướng để tập hợp và giáo dục quần chúng, đồng thời tuyên truyền và kết nạp một số hội viên thanh niên, phụ nữ, nông dân vào tổ chức phản đế.
Trong lúc đó, quần chúng cách mạng ở Phong Điền vẫn giữ được ở Vĩnh An và một số làng khác, chi bộ Phước Tích đã mở rộng liên hệ với các nhóm cơ sở ở Phong Điền. Trong giai đoạn này, Phong Điền có bước tiến mới, tổ chức Đảng được củng cố và Phát triển, còn cơ sở quần chúng xây dựng thành các nhóm như vậy cho thấy rằng hạt nhân lãnh đạo cách mạng đã hình thành .
Một số cơ sở cảm tình Đảng liên tiếp hình thành từ 1942 - 1944 một số nhóm cơ sở cảm tình Đảng hình thành ở Phong Điền như nhóm Vĩnh An (Phan Ngô), nhóm Phú Nông và Chánh Lộc (Nguyễn Hiệp), nhóm Chính An (Nguyễn Biên), nhóm Phò Trạch Thượng (Nguyễn Tri Tân), nhóm Khánh Mỹ (Hoàng Công Phẩm) và nhóm Mỹ Phú (Nguyễn Hữu Bảng) tạo nên sự đoàn kết trong tổ chức Đảng góp phần thực hiện lãnh đạo nhân dân đấu tranh trong tình hình mới.
Phong Điền là huyện có cơ sở Đảng được duy tri từ 1930 – 1945, đến tháng 6-1945, cán bộ toàn huyện Phong Điền họp tại làng Hiền Sĩ để thành lập Việt Minh huyện, lấy bí danh "Việt Minh Trường Sơn". Sau đó Việt Minh các tổng làng cũng lần lượt được thành lập. Việc thành lập Việt Minh Trường Sơn là bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở Phong Điền, tạo điều kiện cho việc tập hợp, tổ chức một lực lượng thống nhất toàn huyện tiến tới góp phần vào thắng lợi chung của toàn tỉnh và cả nước trong Cách Mạng Tháng Tám.