Chương 3 Thực nghiệm

Một phần của tài liệu Tổ chức dạy học các phong cách chức năng ngôn ngữ trong chương trình ngữ văn trong chương trình ngữ văn 10 trung học phổ thông (Trang 66)

Thực nghiệm là một khâu không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu của đề tài này. Bởi vậy, để có thể nêu ra các đề xuất, chúng tôi tập trung trình bày quá trình tổ chức thực nghiệm và các kết quả thu được sau quá trình đó.

Căn cứ vào lượng thời gian nghiên cứu đề tài và căn cứ vào thời gian dạy học những nội dung nghiên cứu từ thực tế ở các trường phổ thông nên việc thực nghiệm của đề tài còn giới hạn trong phạm vi hẹp. Theo cách hiểu thông thường, “thực nghiệm” là vận dụng những vấn đề đang nghiên cứu trên các phương diện lý thuyết và thực tế dạy học để đánh giá nội dung dạy học và nhận thức của học sinh. Vì vậy, kết quả thực nghiệm sẽ là cơ sở góp phần điều chỉnh nội dung lý thuyết dạy học tiếng Việt cho học sinh THPT.

3.1. Mục đích, yêu cầu thực nghiệm

Thực nghiệm là quá trình đưa nội dung nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tế nhằm đánh giá nội dung dạy học và xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của việc dạy các phong cách chức năng ngôn ngữ trong quá trình học sinh học văn. Đó là cơ sở để chúng ta có thể tìm ra những hướng dạy học thích hợp cho nội dung này.

Để tổ chức thực nghiệm, chúng tôi tuân thủ theo những yêu cầu chung của thực nghiệm sư phạm, đồng thời có chú ý đến đặc trưng riêng của vấn đề nghiên cứu. Qua đó, có sự nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan về hướng dạy học, cách tổ chức nội dung bài dạy và xem xét sự nhận thức của học sinh về nội dung dạy học.

3.2. Đối tượng và địa bàn thực nghiệm - Về đối tượng thực nghiệm:

Xuất phát từ nhiệm vụ nghiên cứu, quá trình thực nghiệm được thuận lợi, đạt yêu cầu và mục đích đề ra, chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm trên các đối tượng sau:

Gắn với nội dung dạy học và tiến hành dạy học theo phân phối chương trình, đối tượng thực nghiệm là học sinh lớp 10

Về giáo viên thực nghiệm: chúng tôi trực tiếp giảng dạy có giáo viên dự giờ, đồng thời chúng tôi chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn từ trung bình trở lên, có ý thức trách nhiệm trong dạy học, có thâm niên công tác, nhằm thu thập ý kiến, thông tin về tình hình dạy nội dung này, để từ đó điều chỉnh nội dung tổ chức thực nghiệm cho phù hợp.

Về địa bàn thực nghiệm:

Để thuận lợi cho việc đánh giá thực nghiệm, chúng tôi tổ chức quá trình thực nghiệm tại các tỉnh Vĩnh Phúc và Hải Dương.

3.3. Kế hoạch thực nghiệm

Thời gian được tiến hành trong học kì I và học kì II của năm học 2006 – 2007.

Học kì I chúng tôi tiến hành thực nghiệm giảng dạy “Phong cánh ngôn ngữ sinh hoạt” trong 2 tiết 36 và tiết 40 cho đối tượng là học sinh các lớp 10A1, 10A2 trường THPT Xuân Hoà - Vĩnh Phúc.

Học kì II chúng tôi tiến hành thực nghiệm giảng dạy “Phong cánh ngôn ngữ nghệ thuật” trong 2 tiết, tiết 83 và tiết 84, đối tượng là học sinh các lớp 10A4, 10A5, 10A6, 10A7 trường THPT Nam Sách – Hải Dương.

3.4. Đánh giá kết quả thực nghiệm

Căn cứ vào các tiêu chuẩn trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh và các tiêu chuẩn định tính, định lượng của các thực nghiệm sư phạm, chúng tôi đánh giá trên các bình diện sau:

Học sinh có hứng thú trong tìm hiểu về hai phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Bởi vậy, việc nhận biết các tri thức là tương đối thuận lợi, nên phần lớn và là các em đều nắm được những nội dung lí thuyết. Có hứng thú đối với nội dung học tập. Nhiều em rất hăng hái tham gia xây dựng bài, giờ học sôi nổi hơn khi giáo viên tổ chức thực hành. Điều này khẳng định nội dung dạy học phù hợp với nhận thức của các em nên các em đã nhiệt tình học tập.

Về khả năng vận dụng của học sinh: Nhìn chung học sinh tiếp nhận tương đối đầy đủ các vấn đề tri thức. Biết vận dụng các tri thức đó vào quá trình thực hành. Ngoài ra, trong các bài kiểm tra của học sinh các em đã biết phân tích ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ đúng phong cách và hay. Tuy nhiên, việc vận dụng ấy cũng có những mức độ khác nhau: có em vận dụng tốt, có em còn lúng túng và có em chưa thực sự biết vận dụng vào bài tập.

Về trình độ của học sinh đối với nội dung này:

Cùng với việc đánh giá nhận thức của học sinh trong tiếp thu lý thuyết và những bài tập thực hành, chúng tôi cũng thông qua những bài kiểm tra của các em để đánh giá chất lượng học sinh. Thông qua các bài kiểm tra đó, chúng tôi nhận thấy: nhìn chung hầu hết các em tham gia thực nghiệm đều làm được bài, nắm được các vấn đề lý thuyết.

Nhận xét chung chất lượng học tập của học sinh qua kết quả kiểm thực nghiệm.

Đối với học sinh được thực nghiệm, tỉ lệ học sinh đạt điểm khá, trung bình cao hơn so với những lớp học sinh không được thực nghiệm.

Như vậy, có thể nói thông qua việc tổ chức thực nghiệm, chúng tôi thấy việc đánh giá đã đạt được những yêu cầu cơ bản của việc triển khai thực nghiệm. Đó là cơ sở để chúng tôi tìm ra những hướng tổ chức dạy học phần phong cách và có cơ sở để định hướng cho việc khai thác bài dạy nhằm tạo ra hiệu quả nhất định cho việc dạy tiếng Việt ở trường phổ thông.

Mặc dù phạm vi thực nghiệm và nội dung thực nghiệm của chúng tôi không nhiều. Thời gian thực nghiệm cũng được triển khai rất nhanh chóng, song qua thực nghiệm, chúng tôi có cở sở để hiểu thêm rất nhiều điều trong quá trình dạy học ở trường THPT. Cũng thông qua thực nghiệm, chúng tôi đã tìm ra những kinh nghiệm thiết thực, có thể phục vụ cho việc dạy tiếng Việt ở trường phổ thông.

Tóm lại, thông qua việc tổ chức thực nghiệm, chúng tôi nhận thấy việc tổ chức dạy học phải thực sự có những đam mê và những tìm tòi sáng tạo khi tổ chức nội dung dạy học cho học sinh. Cũng giống như dạy học giảng văn hay làm văn, dạy tiếng Việt sẽ hay hơn, bớt nhàm chán hơn nếu như giáo viên biết tận dụng hoặc biết khơi gợi những hứng thú học tập của học sinh.

Một phần của tài liệu Tổ chức dạy học các phong cách chức năng ngôn ngữ trong chương trình ngữ văn trong chương trình ngữ văn 10 trung học phổ thông (Trang 66)