3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
1.5.2. Nhu cầu dinh dưỡng Phốt pho của cây lúa
Theo Lê Văn Can năm 1964 thì lân là một trong những chất cần thiết cho quá trình trao đổi chất của cây, nó có mặt trong các chất hữu cơ quan trọng. Các chất này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phân chia tế bào qua quá trình trao đổi chất béo, protein cụ thể là ATP, AND, ARN, có vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp và hô hấp của cây. Lân làm tăng khả năng hút đạm cho cây và giúp hấp phụ Fe, làm giảm nồng độ Fe trong đất từ đó giảm nồng độ độc trong đất. Trong thời kỳ chín của cây lúa hàm lượng lân vô cơ giảm nhanh và hoạt động của enzyme photphorilaza tăng đến 16 ngày sau khi thụ tinh của hạt sau đó giảm xuống. Vì vậy có thể khẳng định lân là một thành phần dinh dưỡng rất cần thiết đối với cây trồng trong đó có cây lúa.
Lân có mối quan hệ chặt chẽ với sự hình thành diệp lục, protit và sự di chuyển tinh bột. Cây lúa hút mạnh lân hơn so với cây trồng cạn. Cùng với đạm, lân xúc tiến sự phát triển của bộ rễ và tăng số nhánh đẻ, đồng thời làm lúa trỗ và chín sớm hơn.
Cây lúa cần lân nhất trong giai đoạn đầu. Khi lúa trổ khoảng 37 – 83% lân được chuyển lên bông [6]. Để tạo ra 1 tấn thóc cây lúa cần khoảng 7,1 kg P2O5 trong đó tích lũy chủ yếu vào hạt. Cây lúa hút lân mạnh nhất vào thời kỳ đẻ nhánh và làm đòng.
Theo Kobayshi, Nguyễn Tử Siêm, Mai Văn Quyền và Nguyễn Như Hà thì thiếu lân ở thời kỳ đẻ nhánh làm cho lúa đẻ nhánh ít, tỷ lệ nhánh hữu hiệu thấp, thời kỳ trỗ và chín kéo dài nên hạt lép nhiều, chất lượng dinh dưỡng hạt thấp, bông nhỏ, năng suất không cao. Lân đối với cây lúa là một yếu tố dinh dưỡng rất quan trọng trong quá trình sinh trưởng, phát triển. Ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng và sản lượng rõ rệt.