8. Những viết tắt trong đề tài
2.1. Khái niệm tư duy
2.1.1. Định nghĩa tư duy
Theo M. N. sacdacop: “ Tư duy là sự nhận thức khái quát gián tiếp các sự vật và hiện tượng của hiện thực trong những dấu hiệu, những thuộc tính chung và bản chất của chúng. Tư duy cũng là sự nhận thức sáng tạo những sự vật và hiện tượng mới, riêng lẻ của hiện thực trên cơ sở những kiến thức khái quát hóa đã thu nhận được”.
I.N. Tônxtôn đã viết: “ Kiến thức chỉ thật sự là kiến thức khi nào nó là thành quả của cố gắng của tư duy chứ không phải của trí nhớ”. Như vậy, trong quá trình học thì cái mà HS lĩnh hội được chính là cách tư duy, cách tư duy sẽ còn lại trong mỗi người học trong khi kiến thức có thể bị quên đi trong trí nhớ. Hay nói cách khác HS chỉ lĩnh hội được tri thức chỉ khi họ thật sự tư duy.
Hiểu một cách khác theo tâm lí học thì tư duy là một quá trình tâm lý phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ, quan hệ có tính qui luật bên trong của sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết. Tư duy là hình thức cao nhất của sự phản ánh, là mức độ nhận thức mới về chất so với cảm giác và tri giác.
Tóm lại, trong vật lí có thể hiểu tư duy là một quá trình nhận thức khái quát và gián tiếp những sự vật hiện tượng của các hiện thực trong những dấu hiệu, những thuộc tính bản chất của chúng, những mối quan hệ khách quan, phổ biến giữa chúng, đồng thời cũng là vận dụng sáng tạo những kết luận khái quát đã thu được vào những dấu hiệu cụ thể, dự đoán được những thuộc tính, hiện tượng quan hệ mới.
2.1.2. Đặc điểm của tư duy
a. Tư duy phản ánh hiện thực khách quan
Tư duy phản ánh hiện thực khách quan vào trong đầu, những nguyên tắc hay nguyên lí chung, những khái niệm hay vật tiêu biểu và phản ánh khái quát tính phổ biến của đối tượng. Bởi vậy, tư duy có quan hệ mật thiết với nhận thức cảm tính, sử dụng những tài liệu cảm tính, những kinh nghiệm thực tế, những cơ sở trực quan sinh động và giúp con người nhận thức hiện thực một cách toàn diện hơn.
b. Tính trừu tượng và khái quát của tư duy
Khác với nhận thức cảm tính, tư duy không phản ánh từng thuộc tính riêng lẻ rời rạc của một sự vật, hiện tượng mà tư duy có khả năng phản ánh sự vật hiện tượng một cách khái quát. Có nghĩa là tư duy có khả năng trừu xuất khỏi sự vật, hiện tượng những thuộc tính, những dấu hiệu cá biệt, cụ thể, chỉ giữ lại những thuộc tính bản chất chung cho nhiều sự vật hiện tượng, trên cơ sở đó mà khái quát những sự vật riêng lẻ, nhưng có những thuộc tính chung thành một nhóm, một loại, một phạm trù. Ví dụ: dấu hiệu bản chất của kim loại là có tính dẫn nhiệt và dẫn điện… Nói cách khác tư duy mang tính trừu tượng và khái quát và nhờ điều này tư duy có thể cho phép ta đi sâu vào bản chất và mở rộng phạm vi nhận thức sang cả những sự vật, hiện tượng cụ thể mới trước đây mà ta chưa biết.
c. Tính gián tiếp
Nhận thức cảm tính chỉ phản ánh bản thân sự vật một cách trực tiếp. Tư duy giúp chúng ta hiểu biết những gì tác động trực tiếp, không cảm giác và quan sát được, mang lại những nhận thức thông qua các dấu hiệu gián tiếp. Tư duy giúp quá trình hoạt động nhận thức của con người nhanh chóng thoát khỏi những sự vật cụ thể cảm tính và cho ta khả năng hiểu biết được những đặc điểm bên trong, những đặc điểm bản chất mà cảm giác tri giác không phản ánh được. Đồng thời sử dụng những khái niệm để biểu đạt chúng, thay thế những sự vật cụ thể bằng những kí hiệu, bằng ngôn ngữ.
Mặt khác nhờ có tính gián tiếp của tư duy mà con người đã nhận thức thế giới một cách sâu sắc hơn và mở rộng không giới hạn khả năng nhận thức của mình, con người không chỉ phản ánh những gì diễn ra trong hiện tại mà còn phản ánh được cả quá khứ và tương lai.
d. Tư duy liên hệ chặt chẽ với ngôn ngữ
Trong nhận thức cảm tính dù có ngôn ngữ hay không thì quá trình cảm giác, tri giác vẫn diễn ra. Nhưng nếu không có ngôn ngữ thì không có một quá trình tư duy nào vì ngôn ngữ là một phương tiện, là hình thức biểu đạt của tư duy. Ngôn ngữ cố định lại các kết quả của tư duy, nhờ đó làm khách quan hóa chúng cho người khác và cho cả bản thân chủ thể tư duy. Không có ngôn ngữ thì bản thân quá trình tư duy không diễn ra được, đồng thời các sản phẩm của tư duy cũng không thể sử dụng được. Đồng thời nếu không có tư duy thì ngôn ngữ chỉ là một chuỗi âm vô nghĩa,
Do đó tư duy và ngôn ngữ có mối quan hệ biện chứng với nhau, đó là mối liên hệ giữa nội dung và hình thức.
e. Tính có vấn đề
Vấn đề là những tình huống, hoàn cảnh chứa đựng một mục đích, một vấn đề mới mà những hiểu biết cũ, những phương pháp hành động cũ tuy còn cần thiết song không đủ sức giải quyết.
Hoạt động tư duy chỉ nảy sinh trong hoàn cảnh có vấn đề nà con người quan tâm, đã nhận thức một cách đầy đủ và có nhu cầu giải đáp bằng những hiểu biết của mình hay chuyển thành nhiệm vụ của tư duy để giải quyết vấn đề đó, nghĩa là gặp phải tình huống có vấn đề.
2.2. Quá trình tư duy
2.2.1. Các giai đoạn của một quá trình tư duy
Tư duy là một hành động trí tuệ, là một quá trình giải quyết một nhiệm vụ nào đó nảy sinh trong quá trình nhận thức hay trong hoạt động thực tiễn. Quá trình đó gồm các giai đoạn sau:
a. Xác định vấn đề
Tư duy chỉ nảy sinh khi con người nhận thức được tình huống. Tình huống là điều kiện quan trọng của tư duy. Song không phải tình huống nào cũng nảy sinh tư duy. Chỉ có những tình huống mà con người nhận thức rằng “có vấn đề” và cần phải giải quyết nó để thỏa mãn nhu cầu thì trong tình huống đó tư duy mới nảy sinh. Mỗi người sẽ nhìn nhận vấn đề một cách khác nhau tùy thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm và nhu cầu cá nhân. Một người càng có nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó càng dễ dàng nhìn ra một cách đầy đủ các mâu thuẫn. Và nhu cầu của mỗi người cũng rất quan trọng. Nếu người nào có nhu cầu cao trong vấn đề đó thì sẽ nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn những người có nhu cầu cơ bản.
Trong giai đoạn này cần chú ý tránh xác định lệch hướng vấn đề. Nếu xác đinh sai sẽ ảnh hưởng đến những bước sau và có thể không tìm ra phương pháp giải quyết. Đây là giai đoạn đầu tiên và quan trọng của quá trình tư duy.
b. Xuất hiện các liên tưởng – huy động các tri thức, kinh nghiệm
Chủ thể tư duy huy động các tri thức, kinh nghiệm liên quan đến các vấn đề cần giải quyết từ đó xuất hiện các liên tưởng. Sau khi xác định vấn đề chủ thể tư duy bắt tay vào việc tìm kiếm tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau và tập hợp những kinh
nghiệm của bản thân hoặc kinh nghiệm học hỏi từ những người đi trước có liên quan đến vấn đề, từ đó liên tưởng trong đầu những nội dung có liên quan đến vấn đề.
c. Sàng lọc các liên tưởng hình thành giải quyết
Các tri thức kinh nghiệm thoạt đầu mang tính chất rộng rãi, bao trùm nên cần được sàng lọc cho phù hợp với nhiệm vụ tư duy. Chủ thể tư duy tìm kiếm thông tin từ nhiều phía nên lượng thông tin thu được rất lớn nhưng không phải thông tin nào cũng chính xác, cần phải lựa chọn những thông tin phù hợp và đáng tin cậy để đưa vào giải quyết vấn đề.
d. Kiểm tra giả thuyết
Nên trải qua một quá trình kiểm tra trước khi thực hiện các giả thuyết. Cần kiểm tra xem giả thuyết nào tương ứng với điều kiện và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất. Nếu:
Giả thuyết được khẳng định thì sẽ đi đến giải quyết vấn đề bằng giả thuyết đó. Giả thuyết bị phủ định thì hình thành một quá trình tư duy mới tìm ra giả thuyết
mới phù hợp hơn để giải quyết vấn đề.
Trong giai đoạn này sau khi kiểm tra các phương án đôi khi chủ thể tư duy sẽ phát hiện ra một số nhiệm vụ mới cần giải quyết.
e. Giải quyết vấn đề
Là khâu cuối cùng trong quá trình tư duy. Khi giả thuyết đã được kiểm tra và khẳng định thì sẽ được thực hiện, nghĩa là đi đến câu trả lời cho vấn đề được đặt ra. Sau khi giải quyết vấn đề đôi khi một số vấn đề mới lại nảy sinh. Lúc đó, một quá trình tư duy mới lại bắt đầu.
2.2.2. Các thao tác của quá trình tư duy
Vật lý là môn khoa học thực nghiệm. Hầu hết các khái niệm, các định luật vật lý đều được xây dựng trên cơ sở phân tích các hiện tượng xảy ra trong thực tế và trong các thí nghiệm. Trong quá trình này, HS phải thực hiện các thao tác trí tuệ nhất là các thao tác phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng hóa và khái quát hóa…
a. Thao tác phân tích
Phân tích là quá trình con người dùng trí óc để phân chia các sự vật hiện tượng, trong quá trình hình thành mặt này hay mặt kia, thuộc tính này hay thuộc tính kia để nhận thức từng mặt hay từng thuộc tính của sự vật hiện tượng. Đây là việc phân tích trong trí óc đối tượng nhận thức thành các bộ phận thành phần. Xuất phát
từ góc độ phân tích các hoạt đông tư duy đi sâu vào bản chất thuộc tính của bộ phận đó đi tới những giả thuyết và những kết luận khoa học.
b. Thao tác tổng hợp
Tổng hợp là quá trình con người dùng trí tuệ để hợp nhất các thành phần của sự vật hiện tượng qua phân tích thành một chỉnh thể. Phân tích và tổng hợp là hai quá trình ngược nhau nhưng thống nhất với nhau, đan xen lẫn nhau, sự phân tích được tiến hành theo hướng của tổng hợp. Còn tổng hợp được thực hiện theo kết quả của phân tích. Sự phân tích sâu sắc, phong phú là điều kiện quan trọng để tổng hợp được chính xác, trọn vẹn, ngược lại tổng hợp sơ bộ làm tiền đề quan trọng cho sự phân tích. Phân tích và tổng hợp giúp ta hiểu sự vật và hiện tượng đầy đủ và sâu sắc hơn. Thao tác phân tích và tổng hợp là hai thao tác cơ bản của hoạt đông trí tuệ và được chứa đựng trong mọi thao tác trí tuệ khác.
c. Thao tác so sánh
So sánh là dùng trí tuệ đặt các đối tượng cần so sánh như sự vật, hiện tượng, quá trình cạnh nhau để xác định cái giống nhau, cái khác nhau, cái tương tự giữa chúng. So sánh có vai trò rất quan trọng trong qua trình nhận thức, so sánh là cơ sở của sự hiểu biết và tư duy. Nhờ có sự so sánh các sự vật, hiện tượng khác nhau mà ta có thể lĩnh hội các tài liệu với tính đa dạng độc đáo và phức tạp của chúng. Sự so sánh có thể xảy ra ở những mức độ khác nhau: Có thể so sánh toàn phần hoặc so sánh trong một giới hạn nào đó. Vì vậy, khi so sánh người ta phải xác định tiêu chuẩn để so sánh. Đây là điều GV phải chú ý khi yêu cầu HS so sánh trong giờ học vật lí.
d. Thao tác trừu tượng hóa
Trừu tượng là một bộ phận của toàn bộ, tách ra khỏi toàn bộ, nó cố lập ra khỏi các mối liên hệ của các bộ phận mà nó giữ lại những thuộc tính cơ bản và loại bỏ những thuộc tính không cơ bản.
Thao tác trừu tượng hóa là quá trình gạt bỏ những liên hệ, những yếu tố, những thuộc tính thứ yếu, thuộc tính không cần thiết, căn bản, chỉ giữ lại những yếu tố cần thiết để tư duy. Trừu tượng hóa là sự nhấn mạnh các đặc điểm bản chất theo một quan niệm nhất định.
e. Tháo tác khái quát hóa
Khái quát hóa là sự tổng hợp các đặc điểm chung của một loại sự vật hiên tượng. Vì thuộc tính chung có thể là bản chất và cũng có thể không là bản chất. Nhưng khái quát hóa bao giờ cũng là sự tổng kết các đặc điểm chung bản chất theo một quan điểm nhất định. Vì vậy, giữa trừu tượng hóa và khái quát hóa có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trừu tượng hóa tạo điều kiện cho khái quát hóa còn trong khái quát hóa các thuộc tính bản chất được nhấn mạnh thêm. Trong thực tế nhiều khi khó tách bạch hai thao tác này.
f. Thao tác cụ thể hóa
Ngoài những thao tác trên thao tác cụ thể hóa cũng đóng vai trò không kém, đó là vận dụng những khái niệm, định luật, quy tắc đã được khái quát hóa vào thực tiễn để giải quyết những nhiệm vụ cụ thể.
Để cho HS có thể tự lực hoạt động nhận thức có kết quả và hoạt động với tốc độ ngày càng nhanh thì GV phải luôn luôn có kế hoạch rèn luyện cho HS. Chính trong quá trình hình thành các khái niệm phát hiện các định luật VL, HS phải thực hiện các thao tác. Nhưng thao tác tư duy lại diễn ra trong đầu HS, cho nên GV không thể quan sát được mà uốn nắn trực tiếp. Mặt khác HS cũng không thể quan sát được hành động của GV mà bắt chước. Bởi vậy, GV có thể sử dụng những cơ sở định hướng sau đây để giúp HS có thể tự lực thực hiện các thao tác tư duy đó:
GV tổ chức quá trình HT sao cho ở từng giai đoạn hành động nhận thức xuất hiện những tình huống bắt buộc HS phải thực hiện các thao tác tư duy, mới có thể giải quyết được vấn đề và hoàn thành được nhiệm vụ HT.
GV đưa ra những câu hỏi để định hướng cho HS tìm những thao tác tư duy hay PP suy luận hành động trí tuệ thích hợp.
GV phân tích câu trả lời của HS, chỉ ra chỗ sai của họ trong khi thực hiện các tháo tác tư duy và hướng dẫn cách sửa chữa.
GV giúp HS khái quát hóa kinh nghiệm thực hiện các suy luận logic dưới dạng những quy tắc đơn giản.
2.2.3. Các loại tư duy
Dựa theo những dấu hiệu khác nhau thì có nhiều cách phân biệt tư duy. Đối với dạy học vật lí, người ta quan tâm những loại tư duy chủ yếu dưới đây:
a. Tư duy kinh nghiệm
Tư duy kinh nghiệm là một loại tư duy chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cảm tính và sử dụng PP “ thử và sai”. Chủ thể phải thực hiện một nhiệm vụ nào đó, thử mò mẫn thực hiện một số thao tác, hành động nào đó, ngẫu nhiên gặp một trường hợp thành công, sau đó lặp lại đúng như thế mà không biết nguyên nhân vì sao. Kiểu tư duy này đơn giản, không cần phải rèn luyện nhiều, có ích trong hoạt động hằng ngày để giải quyết mọi số vấn đề trong phạm vi hẹp. Ví dụ đứng trước một máy thu hình có nhiều nút bấm, một HS bấm thử tất cả các nút. Sau một số lần bấm, em đó nhận ra rằng ấn nút thứ nhất thì có hình ảnh, ấn nút thứ hai thì có tiếng mà không biết tại sao. Kinh nghiệm này không áp dụng cho các loại máy thu hình khác, trong đó không có nút bấm mà có núm xoay hoặc cần gạt.
b. Tư duy lí luận
Tư duy lí luận là một loại tư duy giải quyết nhiệm vụ được đề ra dựa trên sử dụng những khái niệm trừu tượng, những tri thức lí luận. Đặc trưng của loại tư duy này là:
Không dừng lại ở kinh nghiệm rời rạc mà luôn hướng tới xây dựng quy tắc,