Phát huy vai trò chủ thể của mỗi cá nhân và cộng đồng đòi hỏi cần phải có các biện pháp đồng bộ để giáo dục, nâng cao hiểu biết, hình thành ý thức, lối nghĩ, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện với môi trường sinh thái.
Đối với mỗi cá nhân trong cộng đồng, cần phải xây dựng được cho mình văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn chung của cả cộng đồng. Để làm được điều đó trước hết phải xây dựng được văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường trong xã hội và của mỗi người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết, xây dựng các chuẩn mực, hình thành ý thức, lối suy nghĩ, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên và môi trường.
Thứ hai, phải kịp thời khơi dậy tính tự giác, trách nhiệm của người dân, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể, điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò của các cá nhân ưu tú trong tuyên
truyền tới những người thân, họ hàng, làng xóm về ý thức trách nhiệm của mỗi người trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn bằng chính những hoạt động thiết thực của bản thân và gia đình.
Bên cạnh đó, cần phải kết hợp tuyên truyền, giáo dục với các biện pháp hành chính, kinh tế... để tạo ra một sự lan tỏa trong đời sống của cộng đồng dân cư trong xã hội làm cho mọi người tự giác, tích cực tham gia vào công tác bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn. Đối với cộng đồng, cần cố gắng phát huy vai trò của dự luận xã hội, tạo ra phong trào sâu rộng để từ đó mọi cá nhân trong xã hội phải tự vấn lương tâm trong những hành vi của mình. Đồng thời kịp thời uốn nắn, loại bỏ những hành vi làm tổn hại đến môi trường sinh thái chung.
Tiểu kết chương 2
Huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội là vùng có nhiều ưu thế cho sự phát triển cả vê kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Đó là tiền đề vững chắc cho sự phát triển của vùng với tư cách là một vùng đô thị mới trong tương lai.
Trong quy hoạch và phát triển thành phố Hà Nội đến năm 2030, Đan Phượng sẽ phát triển trở thành một vùng đô thị sinh thái gắn với các dịch vụ phát triển cao. Để thực hiện được mục tiêu phát triển đó đòi hỏi Đan Phượng phải tập trung các nguồn lực để phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Hiện nay, Đảng bộ, Chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư huyện Đan Phượng đã và đang chung tay, góp sức cùng xây dựng và phát triển quê hương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế cần phải khắc phục, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn.
Để có thể phát triển bền vững hệ sinh thái nhân văn của vùng, con người Đan Phượng cần phải phát huy hơn nữa tính chủ thể của bản thân trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn chung. Đây là một việc làm hết sức cần thiết đòi hỏi trước hết phải phát huy được vai trò chủ thể của các cơ quan công quyền trong đó có chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị và các cơ quan chuyên trách về môi trường trong việc định hướng phát triển, quản lý và tuyên truyền giáo dục ý thức sinh thái nhân văn đến cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn, tham gia tuyên truyền, vận động đến từng cá nhân trong cộng đồng về ý thức sinh thái nhân văn. Quan trọng hơn cả là phát huy được vai trò chủ thể của mỗi cá nhân và cộng đồng trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái chung của vùng.
KẾT LUẬN
Trong phạm vi nghiên cứu, luận văn đã cố gắng làm rõ một số nội dung về phát huy tính chủ thể của con người trong cấu trúc sinh thái nhân văn vùng đô thị mới Đan Phượng, thành phố Hà Nội như sau:
Tính chủ thể chỉ có ở con người, trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên tính chủ thể thể hiện ra ở tính chủ động, tích cực trong nhận thức và hoạt động cải tạo giới tự nhiên theo hướng có lợi cho bản thân con người. Thực chất, đó là tính cực trong hoạt động thực tiễn nhằm điều khiển một cách có ý thức mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Ở hệ sinh thái nhân văn đô thị, hoạt động của con người có vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của hệ vì vậy, muốn cho hệ sinh thái này phát triển bền vững thì bên cạnh việc phát huy các nguồn lực như tài nguyên, kinh tế, văn hóa - xã hội... thì cần thiết phải phát huy được tính chủ động, tích cực của chủ thể - con người trong nhận thức và hoạt động thực tiễn góp phần bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái nhân văn chung.
Vai trò chủ thể của con người trong hệ sinh thái nhân văn được thể hiện ở ba nội dung cơ bản là: vai trò chủ thể nhận thức, vai trò chủ thể hoạt động và vai trò chủ thể giáo dục ý thức sinh thái nhân văn của con người.
Thứ nhất, con người là chủ thể nhận thức trong hệ sinh thái nhân văn. Việc nhận thức được những quy luật tồn tại và phát triển của giới tự nhiên, hiểu đúng vai trò của con người và xã hội loài người trong hệ thống tự nhiên, con người và xã hội là cơ sở để định hướng cho những hoạt động thực tiễn của con người trong vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn.
Thứ hai, con người là chủ thể hoạt động trong hệ sinh thái nhân văn. Trên cơ sở những nhận thức đúng đắn, bằng hoạt động thực tiễn của mình con người tác động một cách tích cực vào hệ sinh thái nhân văn sẽ tạo ra một môi
trường sinh thái phù hợp đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống tự nhiên, con người và xã hội.
Thứ ba, con người là chủ thể giáo dục ý thức sinh thái nhân văn. Việc hình thành nên ý thức sinh thái nhân văn là cơ sở cho nhận thức và những hoạt động đúng đắn, tích cực của cộng đồng trong bảo vệ môi trường sinh thái. Phát huy vai trò chủ thể giáo dục ý thức sinh thái nhân văn sẽ giúp cho mỗi cá nhân hình thành nhận thức, lối sống và hành vi mang tinh nhân văn từ đó chủ động, tích cực trong các hoạt động thực tiễn bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái nhân văn chung.
Qua khảo sát tính chủ thể của cộng đồng dân cư vùng đô thị mới Đan Phượng, thành phố Hà Nội có thể thấy phần lớn người dân đã ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn, mức độ tổ chức hoạt động và mức độ tham gia hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn của cộng đồng dân cư đều ở mức tương đối cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều vấn đề vẫn còn tồn tại. Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại và hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái nhân văn đô thị bền vững của vùng đòi hỏi cần thiết phải phát huy hơn nữa tính chủ động, tích cực tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái nhân văn chung.
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu về tính chủ thể của cộng đồng dân cư vùng đô thị mới Đan Phượng, thành phố Hà Nội, luận văn đề xuất một số các giải pháp cơ bản nhằm góp phần phát huy hơn nữa tính chủ thể của con người trong việc xây dựng hệ sinh thái nhân văn bền vững ở vùng đô thị mới Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Các giải pháp chia làm hai nhóm cơ bản là giải pháp về phía các tổ chức chính trị - xã hội và giải pháp về phía mỗi cá nhân và cộng đồng.